Theo đó, đối với nhân viên y tế, yêu cầu tuân thủ các nguyên tắc phòng ngừa chuẩn như vệ sinh tay; nhân viên y tế chăm sóc người bệnh ở phòng hồi sức phải đeo tạp dề để phòng ngừa lây nhiễm qua đường tiếp xúc, ngăn ngừa lây nhiễm chéo.
"Tất cả bệnh nhân (BN) vào viện được xem như đã đa kháng thuốc để chủ động phòng ngừa chung. Sau khi có kết quả xét nghiệm chẩn đoán chính xác thì sẽ phân tách ra từng nhóm BN", TS-BS Thắng nói và cho biết thêm từ năm 2022, BV Chợ Rẫy luôn chú trọng vệ sinh môi trường buồng bệnh, thiết bị y tế, giường bệnh, tủ đầu giường... BV đã xây dựng và ban hành quy trình thực hành vệ sinh môi trường bề mặt để kiểm soát môi trường. Vì nếu không vệ sinh hoặc vệ sinh không đúng thì vi khuẩn sẽ lây chéo nên việc kiểm soát chất lượng môi trường BV là cực kỳ quan trọng.
TS-BS Mạnh Thắng chia sẻ: "Chúng tôi làm tất cả những gì có thể trong khả năng, nhưng về cơ sở hạ tầng thì không can thiệp được. Do quá tải nên khó đảm bảo được khoảng cách lý tưởng giữa các giường của BN, dễ gây lây nhiễm chéo. Cạnh đó, việc điều dưỡng phải chăm sóc nhiều BN cũng dẫn đến nguy cơ sơ suất trong tuân thủ phòng ngừa nhiễm khuẩn. Hy vọng tương lai sẽ có cơ sở hạ tầng để thực hiện phòng chống nhiễm khuẩn tốt hơn".
"Cần kiểm soát nhiễm khuẩn tổng thể kháng thuốc trong y tế, môi trường, động vật, thú y, thủy hải sản… Cần tiếp cận theo mô hình một sức khỏe: con người - động vật - môi trường để kiểm soát kháng thuốc", TS-BS Mạnh Thắng khuyến cáo. Theo ông, nếu kiểm soát nhiễm khuẩn tốt ở cơ sở y tế tuyến trên nhưng cộng đồng và cơ sở y tế tuyến dưới không làm tốt thì sẽ khó có hiệu quả cao. Từ đó, ông khuyến cáo người dân khi bị bệnh phải đi khám và tuân thủ chỉ định, không phải cứ ho sốt là uống kháng sinh, vì nhiễm siêu vi là không cần kháng sinh. Nếu người dân uống sai thì vi khuẩn lờn thuốc và tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng sẽ tăng lên, tăng gánh nặng cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Với cộng đồng, TS-BS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, đặc biệt lưu ý người bệnh không tự ý đi mua kháng sinh để điều trị, sẽ gây nguy cơ thất bại trong điều trị và tăng nguy cơ kháng thuốc. Những báo cáo gần đây đã chỉ ra vi khuẩn tụ cầu có hiện tượng kháng thuốc trong cộng đồng và các kháng sinh thông thường có thể không còn hiệu quả nữa nên người bệnh cần phải đi khám chuyên khoa để bác sĩ chẩn đoán và điều trị phù hợp. Khi bị nhiễm trùng do vi khuẩn tụ cầu vàng phải điều trị dứt điểm, không để tái lại. Nếu không sẽ để lại hậu quả tương đối nặng nề với các vị trí tổn thương nặng.
Mới đây nhất, tại hội nghị nhi khoa Việt - Mỹ, tổ chức hôm qua (10.4) tại BV Bạch Mai, kháng kháng sinh (KKS) ở bệnh nhi cũng là một trong những chủ đề chính được báo cáo, nhận được sự quan tâm của các bác sĩ tham dự.
Chia sẻ bên lề hội nghị, TS Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm nhi khoa, BV Bạch Mai, cho hay BN khám và nhập viện do vi khuẩn KKS không chỉ trong BV mà cả ở cộng đồng. "Chúng tôi mong muốn các gia đình, các bà mẹ khi các con có vấn đề về sức khỏe nên cho con đi khám để được bác sĩ kê đơn hợp lý, đặc biệt không tự ý ra ngoài mua kháng sinh về dùng. Việc tự mua thuốc cho con dùng dễ gây ra các tình huống bất lợi, đó là dùng không đúng chỉ định, ảnh hưởng sức khỏe của con và kháng thuốc là nguy cơ rất cao", ông nói.
Theo BS Nam, khi dùng kháng sinh không đúng dễ gây kháng thuốc vì kháng sinh dùng không đúng với chủng vi khuẩn, không đúng căn nguyên gây bệnh; hoặc bệnh do vi rút thì không dùng kháng sinh. Hai là có tình huống kháng sinh đã được đơn kê trước đó, lần bệnh này cân nặng của trẻ đã thay đổi, nếu gia đình vẫn tự dùng kháng sinh theo đơn cũ sẽ không đúng liều, không đủ nồng độ để tiêu diệt vi khuẩn, cũng dễ dẫn đến kháng thuốc.
"Ý thức của các gia đình trong việc không tự ý mua kháng sinh cho con đã cải thiện nhiều, nhưng vẫn cần được lưu ý hơn nữa, vì sức khỏe con em và cộng đồng", BS Nam chia sẻ.