Phí dịch vụ "vút bay"
Công việc tưởng chừng khá đơn giản khi các đối tượng lừa đảo đánh vào quan niệm muốn tìm "công việc nhàn nhã nhưng đãi ngộ cao" để đưa hàng ngàn nạn nhân vào tròng. Chiêu đầu tiên là lôi kéo "con mồi" bằng cách trả hoa hồng cao sau khi họ hoàn thành các cuộc khảo sát đơn giản, trước khi giao những việc... không có thật!
Tiếp đó, các lao động "thừa nhiệt tình và sẵn sàng lăn xả nhưng lại non nớt kinh nghiệm ứng phó” sẽ tham gia vào nhóm cộng đồng thông qua các ứng dụng WhatsApp hoặc Telegram chỉ với yêu cầu đơn giản là nhấn nút "like" (thích) cho các bài đăng trên đó sau khi điền vào bảng câu hỏi hay quảng cáo những bài đăng trên Instagram, trước khi tiến tới thực hiện các phần việc với mức thưởng lớn hơn như kết nối để thúc đẩy tăng giá tiền điện tử hoặc đánh giá các sản phẩm hàng hóa theo quy định của nhóm...
Để hoàn thành các bước, tiến tới nhận tỉ lệ phần trăm theo lời mời gọi, người tham gia sẽ phải tạo tài khoản trên trang web được chỉ định đồng thời buộc phải ứng trước một khoản "thế chân" không nhỏ vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp. Mờ mắt vì mức "đãi ngộ" hậu hĩnh được các cao thủ việc làm "vẽ” ra, các nạn nhân cứ thế răm rắp làm theo, chỉ nhận ra mình bị lừa khi phát hiện không thể rút khoản tiền "hoa hồng" và bị chặn liên lạc.
Chỉ tính từ tháng 01 đến trung tuần tháng 9/2023, Cảnh sát Singapore cho biết có gần 7.000 trường hợp được xác định là nạn nhân của các đường dây lừa đảo việc làm trực tuyến do những "cao thủ việc làm" gây ra, với tổng thiệt hại ít nhất gần 97 triệu SGD (khoảng 70 triệu USD), tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2022.
Sau sự việc, cảnh sát khuyến cáo người dân quốc đảo này tải ứng dụng bảo vệ, chống lừa đảo được gọi là "ScamShield" đồng thời thiết lập tính năng bảo mật bằng cách xác thực 2 hoặc nhiều bước cho các tài khoản ngân hàng, mạng xã hội cùng những tài khoản quan trọng khác.
Lừa đảo mạo danh ngân hàng gia tăng
Ngoài những người lao động vướng bẫy các cao thủ việc làm, tại Singapore tình trạng lừa đảo bằng cách mạo danh ngân hàng thông qua website, tin nhắn hoặc cuộc gọi để lấy tiền trong tài khoản khách hàng không phải là mới, nhưng danh sách nạn nhân vẫn kéo dài mỗi ngày, thậm chí có trường hợp bị lừa hàng chục ngàn đôla.
Theo phương thức có người bất ngờ nhận được tin nhắn từ ngân hàng mình đang gửi tiền thông báo đã xảy ra "sự cố" khiến tài khoản của người gửi sắp bị đóng, muốn khắc phục, cần nhấp vào liên kết được cung cấp trong tin nhắn hoặc những cuộc gọi yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản; tinh vi hơn, các đối tượng lừa đảo có thể cung cấp số điện thoại, website giả mạo của các ngân hàng khi khách muốn kiểm tra bằng cách tìm kiếm trên thanh công cụ, trong số ngân hàng bị mạo danh có DBS, UOB, nhất là OCBC với gần 800 trường hợp khách hàng bị lừa do những thông tin giả mạo, tổng số tiền "bốc hơi" lên tới cả chục triệu đôla. Nhà chức trách Singapore cảnh báo: "Với OCBC đã có 350 trang web bị chặn; trong khi năm 2022 có 12.000 trang web bị nghi lừa đảo giả mạo các ngân hàng bị chặn. Đây không phải những trường hợp tấn công mạng, mà các đối tượng trong đường dây lừa đảo lợi dụng phương tiện trực tuyến để tiếp cận nạn nhân. Chính vì thế, các ngân hàng cần nâng cao hệ thống bảo mật với những công cụ thiết thực hơn.
Một số ngân hàng như DBS, UOB đã ra thông báo đề nghị khách hàng cẩn trọng trước những tin nhắn mạo danh ngân hàng, nhất là không mở đường link được gửi kèm theo, họ cũng không bao giờ đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản hay mã OTP qua điện thoại, email hay tin nhắn, các khách hàng cần hết sức cảnh giác khi nhận được những yêu cầu tương tự để tránh sập bẫy lừa.
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.199061_mal-ceiv-yab-hnid-ut-us-couq-oad-o-gnod-oal-nagn-gnah-4-yk/et-couq/nv.moc.nagnoc