Phát biểu nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 10-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đã đề nghị cho phép phi hành gia người Nhật đi vào lịch sử, trở thành công dân đầu tiên không mang quốc tịch Mỹ đặt chân lên Mặt trăng trong chương trình của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Người Nhật Bản sẽ lần đầu tiên lên Mặt trăng
"Hai phi hành gia Nhật Bản sẽ tham gia các sứ mệnh của Mỹ trong tương lai, và một trong số đó sẽ trở thành công dân không quốc tịch Mỹ đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng", ông Biden nói tại cuộc họp báo cùng ông Kishida.
Chương trình Artemis của NASA đang tập trung vào việc đưa con người lên Mặt trăng lần đầu tiên sau hơn 50 năm, với mục tiêu thiết lập sự hiện diện ở Mặt trăng trước khi thực hiện sứ mệnh ở sao Hỏa. Trước đó, từ năm 1969 - 1972, chương trình Apollo của Mỹ đã đưa 12 người Mỹ lên Mặt trăng, theo AFP.
Việc đề nghị người Nhật tham gia sứ mệnh của NASA được xem như cột mốc đánh dấu mới trong quan hệ hợp tác an ninh Mỹ - Nhật.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ca ngợi động thái từ phía Mỹ, cho đây là một thành tựu lớn, đồng thời cho hay Tokyo sẽ đóng góp một xe tự hành vào sứ mệnh của NASA.
Tuyên bố về hợp tác không gian nêu trên là một phần trong nỗ lực thắt chặt quan hệ hợp tác ở các lĩnh vực quan trọng giữa hai đồng minh Mỹ và Nhật Bản.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh này, Mỹ và Nhật đã ký khoảng 70 thỏa thuận về hợp tác quốc phòng, bao gồm nâng cấp cấu trúc chỉ huy quân sự của Mỹ tại Nhật, tạo điều kiện thúc đẩy phối hợp với các lực lượng Nhật trong kịch bản có khủng hoảng.
Theo ông Biden, quân đội hai bên cũng hợp tác với Úc để phát triển một mạng lưới phòng thủ tên lửa mới.
Việc tăng cường hợp tác quốc phòng của Tokyo và Washington được cho bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như nguy cơ xung đột vũ trang thực tế lớn hơn.
Phát biểu về tình hình an ninh, ông Kishida nói: "Những nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng thông qua vũ lực và cưỡng ép chắc chắn không thể chấp nhận được, bất kể đó là gì".
Mỹ muốn "rót" 2,5 tỉ USD giúp ngành quốc phòng Philippines
Ngoài hợp tác song phương, chuyến đi của thủ tướng Nhật Bản đến Mỹ lần này gây chú ý khi ông sẽ dự cuộc họp thượng đỉnh ba bên hiếm hoi giữa lãnh đạo Nhật với Mỹ và Philippines.
Ngay trước cuộc gặp này, Reuters cho biết hai thượng nghị sĩ Mỹ đã giới thiệu một dự luật lưỡng đảng nhằm cung cấp 2,5 tỉ USD cho Philippines củng cố quốc phòng trước căng thẳng ở Biển Đông.
Dự luật trên do cựu đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Bill Hagerty (Đảng Cộng hòa) và Tim Kaine (Đảng Dân chủ) thúc đẩy, trong đó yêu cầu 500 triệu USD mỗi năm hỗ trợ Philippines cho 5 năm tài khóa tới 2029, thuộc chương trình tài trợ quân sự nước ngoài FMF.
Phần còn lại sẽ chi cho việc hiện đại hóa ngành quốc phòng của Philippines, bao gồm phòng thủ bờ biển, hỏa lực tầm xa, phòng không tích hợp, an ninh hàng hải, tình báo, trinh sát, cũng như các hệ thống máy bay có và không người lái...
Dự luật này sẽ cần ngoại trưởng Mỹ phối hợp với Bộ Quốc phòng đệ trình lên kế hoạch chi tiêu của Quốc hội.
Ông Hagerty khẳng định việc hợp tác sâu sắc với Philippines rất quan trọng trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng.
Trước đó, trao đổi với phóng viên về chuyến đi Mỹ, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản sắp tới sẽ có một thỏa thuận duy trì an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Theo quân đội Trung Quốc, lực lượng này ngày 7-4 đã tiến hành các cuộc "tuần tra tác chiến" tại Biển Đông, cùng ngày các nước Philippines, Mỹ, Nhật Bản và Úc tổ chức diễn tập quân sự chung trong khu vực.