Đây là số liệu thống kê mới nhất mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố. Theo đó, tính đến tháng 12-2023, tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt 6,84 triệu tỉ đồng, còn tiền gửi của dân cư đạt 6,53 triệu tỉ đồng.
So với tháng 1-2023, tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng thêm hơn 1 triệu tỉ đồng, còn tiền gửi của dân cư tăng thêm 500.000 tỉ đồng.
Nếu tính về số tuyệt đối thì chưa bao giờ tiền gửi vào hệ thống ngân hàng lại tăng cao như vậy.
Xu hướng tiền gửi của người dân cũng như của doanh nghiệp "chảy" vào ngân hàng kể từ tháng 9-2022 đến nay. Tổng tiền gửi tháng sau luôn cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, ngay cả khi lãi suất tiền gửi thấp kỷ lục.
Hiện tại, lãi suất tiền gửi trên thị trường chạm đáy, như tại các ngân hàng nhóm Big 4 có vốn nhà nước, lãi suất tiền gửi từ đầu tháng 4 tiếp tục giảm.
Đơn cử tại Agribank, lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng là 4,7%/năm. Kỳ hạn 6 - 11 tháng là 3%/năm, 1,6%/năm áp dụng kỳ hạn 1 và 2 tháng.
Còn tại VietinBank, mức lãi suất cao nhất là 4,8%/năm áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng trở lên. Kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 24 tháng là 4,7%/năm. Kỳ hạn 1 đến dưới 3 tháng là 1,7%/năm, còn 3 đến dưới 6 tháng là 2%/năm; 6 đến dưới 12 tháng là 3%/năm.
Đáng chú ý, thị trường bắt đầu xuất hiện xu hướng tăng lãi suất ở một số ngân hàng cổ phần tư nhân.
Cụ thể, đối với khoản tiền gửi dưới 1 tỉ đồng tại VPBank, so với thời điểm gửi tiền, lãi suất huy động đầu tháng 4 tăng thêm 0,1-0,2%/năm, ở tất cả các kỳ hạn.
Thông tin về lãi suất, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết mặt bằng lãi suất thấp nhất trong 20 năm qua.
Tính đến hết tháng 3, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch mới phát sinh của hệ thống là khoảng 3%/năm, giảm 0,5%/năm so với cuối năm 2023.
Phải giảm lãi suất để người làm ăn có thể vay vốn ngân hàng - lời kêu gọi vang lên trong cả năm 2023, cuối cùng cầu đã được, ước đã thấy: lãi suất đã giảm sâu, cả lãi tiền gửi và lãi tiền vay.