Chiều 10/4, tại TAND tỉnh Quảng Ninh, ông Ca khai khi doanh nhân Đước nằm trong tầm ngắm điều tra của Công an Quảng Ninh, Ngọc Anh (vợ ông Đước) đã đến gặp, "kêu khóc rất nhiều", nói đi nói lại nhờ "anh cứu em".
Do ông Đước đang bỏ trốn, ông Ca khai rất mong gặp nhưng không được và cũng không thể liên lạc. "Tôi coi như em, muốn gọi Đước về để tư vấn khắc phục hậu quả và đưa đi đầu thú. Tất cả đã sẵn sàng nhưng tôi đợi mãi Đước không về", ông Ca trình bày tại phiên tòa.
Qua Ngọc Anh, ông Ca biết sai phạm của Đước là mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, nên nói muốn cứu thì gia đình phải bồi hoàn tiền chiếm đoạt của nhà nước và thêm khoản tiền nữa đề phòng phát sinh.
"Tôi nói với Ngọc Anh rất kỹ, không hề bảo mang tiền chạy tội và không bảo mang tiền đến nhà tôi", ông Ca khai và khẳng định "không gặp ai để tác động hay chạy tội".
Nhớ rõ vợ chồng Đước bốn lần mang tiền đến nhà song ông Ca khai không yêu cầu làm vậy. "Ngọc Anh mang tiền đến không báo trước, không nói rõ tiền gì và bao nhiêu. Số tiền đó để trong nhà hơn một tháng mà tôi không biết cụ thể. Sau này khi giao nộp, cơ quan công an kiểm đếm, tôi mới biết đó là 35 tỷ đồng", ông Ca trình bày.
Ban đầu, ông nghĩ Đước vắng nhà nên Ngọc Anh mang tiền đến gửi nên không nói gì. "Cái sai của tôi là chủ quan, nghĩ đây là tiền khắc phục hậu quả. Tôi không ý thức gì về việc này nên thành mặc nhiên tôi chấp nhận chạy tội cho Ngọc Anh. Tôi không có ý đồ chiếm đoạt số tiền. Nếu tôi kiên quyết thì không như vậy", ông Ca nói.
Khi HĐXX, VKS hỏi vì sao khi Ngọc Anh đến đòi tiền lại không trả, ông Ca cho hay cô này "ngồi gần bao tiền mà có nói gì đâu", nếu nói thì "mừng quá, trả lại ngay".
Còn Ngọc Anh khai do luôn tôn trọng ông Ca nên không có ý kiến, khi bị đuổi về thì "buồn lắm".
Khi nghe ông Ca phủ nhận yêu cầu đưa tiền chạy án, ông Đước bộc phát cảm xúc, khua chân múa tay và lớn giọng, dù trước đó kêu mệt mỏi. Bị cáo này đánh giá lời khai của cựu giám đốc Công an Hải Phòng là "vô cùng phi lý", nếu ông Ca không yêu cầu thì gia đình mình đã không rút tiền từ ngân hàng. "Tự dưng tôi cầm tiền mang về mà không có việc gì thì có phải là điên đâu", ông Đước trình bày.
Bị cáo Đước khai nếu không vì đưa tiền cho ông Ca đã không phạm thêm tội Hối lộ với mức án nặng hơn rất nhiều hành vi mua bán trái phép hóa đơn VAT. "Có một người anh dám làm không dám nhận, khiến tôi bây giờ sống không được, chết không xong. Nếu anh ấy tư vấn tôi đầu thú thì đã không ra cơ sự thế này. Tôi buồn lắm. Anh Ca nói không lừa nhưng đó là lừa đảo hoàn toàn vợ chồng tôi. Cho tôi xin lại số tiền chắt chiu từ bé tới giờ", bị cáo Đước nói.
Theo bị cáo 53 tuổi, hai gia đình quen biết đã khoảng 19 năm. Khi nhà ông Ca có công việc, ông Đước đều phụ giúp, được coi như anh em. Chính vì vậy, khi xảy ra biến cố, Ngọc Anh mới tìm cựu giám đốc Công an Hải Phòng nhờ "chạy tội".
Khi chủ tọa hỏi bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có đúng hay không, ông Ca nói "không dám kết luận", nhiều lần khẳng định "không ngụy tạo tình tiết để đòi tiền", không thỏa thuận "chạy tội".
Trước câu hỏi từng là giám đốc công an, thủ trưởng cơ quan điều tra thì có nhận thức được hành vi của mình như cáo trạng nêu là đúng không, nếu không muốn chiếm đoạt thì sao không tìm cách trả lại, ông Ca từ chối trả lời.
Ông Ca cho hay "nhiều lời khai của nhân chứng là không đúng". Ông không có ý chiếm đoạt tài sản, dù thừa nhận việc "nhận tiền là sai, giữ tiền là sai".
Trước đó, trong phần xét hỏi về các tội danh Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, trốn thuế, vợ chồng bị cáo Đước và các đồng phạm đều thừa nhận nội dung cáo trạng là đúng.
Hôm nay, vợ chồng bị cáo Đước nhiều lần than mệt, đau đầu, không nhớ về sai phạm và từ chối trả lời câu hỏi của luật sư, VKS, tòa án.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục làm việc.
Lê Tân
Xem thêm: lmth.4172374-ahn-gnort-tad-me-nad-gnod-yt-53-ev-ion-ac-uuh-od-gnout-ueiht-uuc/ten.sserpxenv