Bạn đọc Pham Van Binh cho rằng: "Không nên áp dụng đại trà khiến nhiều người coi đây là một nghề để kiếm sống. Chỉ nên khuyến khích gửi các video tai nạn, kẹt xe hay những vụ vi phạm giao thông nghiêm trọng tới cơ quan chỉ huy cảnh sát giao thông.
Không nên khen thưởng bằng tiền, vì đây là ý thức và trách nhiệm của người dân".
"Chỉ nên trích thưởng đối với những vụ nghiêm trọng, số tiền phạt lớn. Vụ nào cũng trích thưởng thì sẽ có người lợi dụng, gửi những video giả mạo, gây khó cho cơ quan hữu quan" - bạn đọc Minh Trần bày tỏ.
Vì thế, theo bạn đọc có nickname Người dân, nếu trích thưởng cho người cung cấp hình ảnh vi phạm an toàn giao thông thì cũng cần đưa ra quy định xử phạt với người cung cấp thông tin sai, không đúng sự thật".
Độc giả Cong Do góp thêm ý kiến: "Cần có cơ chế để bảo vệ người dân cung cấp thông tin, không gây phiền hà cho họ và có kênh tiếp nhận thuận tiện.
Trích thưởng được thì tốt, nếu không thì hằng năm có chế độ khen thưởng cho những người cung cấp nhiều thông tin có giá trị để động viên, khuyến khích họ.
Động cơ chính của các camera chạy bằng cơm không phải để nhận thưởng từ cơ quan chức năng mà là mong trật tự giao thông ngày càng tốt hơn".
Đồng tình, bạn đọc Nguyễn Dũng đề xuất: "Mở kênh tiếp nhận thông tin vi phạm giao thông để người dân cung cấp (hình ảnh đi kèm ngày giờ, địa điểm cụ thể) là nhu cầu thiết yếu.
Việc khen thưởng không nhất thiết bằng tiền mà có thể là điểm thưởng nâng hạng trách nhiệm công dân thông qua một tài khoản điện tử. Điểm này có thể được quy đổi khi người dân làm các thủ tục hành chính có đóng phí".
Bạn đọc đề xuất như vậy về mô hình bắt vi phạm giao thông nhờ camera "chạy bằng cơm" đang được các tỉnh thành áp dụng hiệu quả.