250 học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân đã làm dự án STEAM và đem sản phẩm ra trưng bày, rao bán tại Ngày hội STEAM do nhà trường tổ chức ngày 11-4. Ngày hội có hơn 2.000 học sinh khối 10, 11, 12 tham gia.
Tùy từng khả năng cũng như lĩnh vực mình yêu thích, mỗi nhóm học sinh sẽ thực hiện một loại sản phẩm khác nhau như robot cảm biến, máy phát điện, robot "chúc mừng sinh nhật", xe vượt chướng ngại vật bằng lập trình Ardunio để tham gia hội thi xe Ardunio, làm tinh dầu, nước rửa tay khô, xà bông, robot dò đường…
Tại Ngày hội STEAM, các học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân còn thực hiện kế hoạch tiếp thị khá ấn tượng cho sản phẩm của mình.
Không chỉ bằng clip, poster, mà các em còn trực tiếp giới thiệu và tìm mọi cách để mời gọi phụ huynh, giáo viên, bạn bè mua sản phẩm.
Đặc biệt, Ngày hội STEAM còn ra mắt hai sản phẩm AI của các học sinh lớp 10. Đó là phần mềm dự đoán các trận đấu bóng đá của nhóm học sinh Ngọc Triển, Lê Minh, Khánh Toàn ở lớp 10A3; phần mềm nhận diện trang phục thể dục của nhóm học sinh Minh Huy, Chí Dũng ở lớp 10A11. Đây là những học sinh đã tham gia lớp học cơ bản về AI từ đầu năm học 2023-2024.
Được biết Trường THPT Bùi Thị Xuân triển khai giảng dạy AI cơ bản cho học sinh từ đầu năm học 2023-2024. Lớp học AI cơ bản có 3 giai đoạn: lập trình, giới thiệu giải pháp, mô hình từ AI và làm dự án.
"Từ 156 học sinh đăng ký học AI cơ bản, qua 2 giai đoạn đầu, đến giai đoạn làm dự án thì chỉ còn 28 học sinh đủ đam mê và năng lực để thực hiện sản phẩm AI. Ngày hội STEAM hôm nay mới có 2 dự án AI hoàn thành, các dự án còn lại vẫn đang thực hiện" - ban giám hiệu Trường THPT Bùi Thị Xuân thông tin.
Dự án STEAM là một cách học đi đôi với hành
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết: "Học sinh làm các dự án STEAM là một cách học đi đôi với hành theo đúng định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Từ lý thuyết đã được học trên lớp, các em học sinh vận dụng và tích hợp kiến thức khoa học để làm ra các sản phẩm mang hơi thở của thời đại. Đây là lần đầu tiên nhà trường tổ chức Ngày hội STEAM, không chỉ tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm mà còn giúp các em phát triển kỹ năng, hình thành phẩm chất, năng lực…" - ông Phú nói.
Chị Hoàng Phương Nga tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH FPT. Nhận thấy giáo dục STEAM mang lại nhiều lợi ích cho học sinh, chị đi du học ở Mỹ để nghiên cứu sâu về lĩnh vực này.