Tại hội thảo khoa học "Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa", sự xuất hiện của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa khiến không ít đại biểu trẻ ngồi dưới khán phòng vỗ tay reo hò, thán phục thế hệ cha ông đã lập nên chiến công vĩ đại trong lịch sử.
Những người lính đến tuổi hiếm, mái đầu bạc trắng gặp nhau rưng rưng xúc động, nắm chặt tay nhau kể về chuyện Điện Biên năm xưa, nhớ về những người đồng chí, đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.
Cuộc gặp thân tình với "anh Văn"
Gọi mình là "người lính già đầu bạc", ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng giọng nói vẫn hào sảng, âm vang, đại tá Nguyễn Hữu Tài - nguyên chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 trong chiến dịch Điện Biên Phủ - kể về những năm tháng chiến đấu gian khổ trên chiến trường với một tinh thần "quyết chiến, quyết thắng".
Người chiến sĩ Điện Biên hồi tưởng buổi gặp mặt đặc biệt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi được lệnh cùng Trung đoàn trưởng Hoàng Cầm về sở chỉ huy chiến dịch họp hội nghị sơ kết hai đợt chiến dịch vào khoảng đầu tháng 4-1954.
Tình hình bộ đội ta lúc ấy gặp nhiều khó khăn, sau nhiều ngày đêm kéo pháo vào, kéo pháo ra, xây dựng trận địa, bộ đội nhiều đêm không ngủ, ăn uống thiếu thốn nên thậm chí một số đã có biểu hiện tiêu cực, thiếu tin tưởng khi chiến dịch kéo dài.
Về dự hội nghị ngày đó, ông ấn tượng nhất là bài nói chuyện của Đại tướng Tổng tư lệnh, Chỉ huy trưởng chiến dịch đã phân tích những khó khăn và khuyết điểm của ta một cách sâu sắc, nhất là những khuyết điểm của một số đơn vị trong các trận đánh trên cao điểm phía đông.
Ai nấy đều thấm thía những khuyết điểm mà mình phạm phải, thấy rõ những phê bình, nhận xét nghiêm khắc là rất cần thiết để tiếp sức cho từng người hoàn thành nhiệm vụ.
Không chỉ bày tỏ ý chí thống nhất, lòng quyết tâm cao độ, hội nghị còn chỉ ra những nhiệm vụ cụ thể phải làm ngay như củng cố trận địa, đánh lấn, bắn tỉa, đoạt dù tiếp tế của địch, đào hào cắt sân bay, pháo kích và nhấn mạnh phải chăm lo bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần để bộ đội đủ sức chiến đấu dài ngày...
Sáng hôm sau, ông Tài cùng trung đoàn trưởng được làm việc với "anh Văn". Đại tướng niềm nở, tươi cười đón tiếp, hỏi kỹ các chi tiết về địa hình, đời sống của bộ đội.
Đại tướng đặc biệt quan tâm đến tình hình ăn uống, sức khỏe, nơi ăn của bộ đội trong công sự ở trận địa phòng ngự đồi D1. Làm việc xong, Tổng tư lệnh mời những người lính từ trận địa ở lại ăn cơm trưa.
"Bữa cơm thật tuyệt vời, không khí thân tình, cởi mở với cán bộ từ chiến trường trở về. Đó là khoảnh khắc rất vui vẻ và ấn tượng không thể quên đối với chúng tôi trong một chiến dịch gian khổ và ác liệt" - ông xúc động nhớ lại.
70 năm đã trôi qua, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa xúc động mong muốn hàng trăm năm sau, cũng có thể là hàng ngàn năm nữa, các thế hệ con cháu sẽ tiếp tục tìm hiểu về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu như chiến thắng ở Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ngày trước.
Nắm tay nhau nhớ lại năm xưa
Trở lại mảnh đất năm xưa, ông Hoàng Văn Bảy (93 tuổi, quê Diễn Châu, Nghệ An), từng tham gia Trung đoàn 174 ở chiến dịch Điện Biên Phủ, xúc động ôn lại những năm tháng chiến đấu gian khổ nơi chiến trường.
"Chúng tôi là chiến sĩ Điện Biên năm xưa cũng tự hào vì mình đã tham gia chiến đấu ở đây. Bao nhiêu bạn bè, đồng đội đã hy sinh, chúng tôi hôm nay có mặt ở đây là một điều quý giá" - ông Bảy bày tỏ.
Cạnh bên, đồng đội Nguyễn Hồng Thái (93 tuổi, quê Hải Phòng) cũng nhớ về những năm tháng nơi chiến hào gian khổ, hầm hào đầy nước, nhiều lúc cơm ướt nước mưa nhưng đã lập nên chiến công oanh liệt sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường.
70 năm sau, nhìn thấy chiến trường năm xưa "thay da đổi thịt" thành một Điện Biên khang trang, giàu đẹp, điều mà những người chiến sĩ Điện Biên năm xưa mong mỏi là giữ vững nền hòa bình, độc lập dân tộc cho con cháu mai sau.
"Mong muốn các cháu tiếp thu được khoa học tiên tiến, kiến thiết, xây dựng đất nước Việt Nam trở nên giàu mạnh, hùng cường" - ông Thái bày tỏ.
Giáo dục chiến thắng Điện Biên Phủ cho thế hệ trẻ
Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online, bà Võ Hạnh Phúc - con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp - kể lần nào trở về với Điện Biên Phủ, cảm xúc trong bà vẫn y nguyên, xúc động nhớ về lời dặn của Bác Hồ với cha là "phải dựa vào dân, có dân thì có tất cả".
Bày tỏ sự biết ơn đến các thế hệ anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ rằng điều cần thiết nhất là phải giáo dục về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chiến thắng của Quân đội ta cho thế hệ trẻ hôm nay với những bài học quý giá, sử dụng cách thức, hình thức tuyên truyền mới mẻ, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin để tạo nên niềm yêu thích trong các bạn trẻ.
Sáng 11-4, tại Điện Biên - mảnh đất ghi dấu chiến công 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu', diễn ra hội thảo khoa học cấp quốc gia 'Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa'.