"Việt Nam ủng hộ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia ven sông Mekong", ông Đoàn Khắc Việt - phó phát ngôn Bộ Ngoại giao - trả lời khi được một hãng thông tấn nước ngoài hỏi về kênh đào Funan Techo (Phù Nam Techo) ở Campuchia trong họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 11-4.
Theo ông Việt, Việt Nam cũng đồng thời coi trọng việc tăng cường hợp tác để quản lý, sử dụng khách quan và bảo vệ nguồn nước sông Mekong vì sự phát triển bền vững của khu vực, lợi ích của các quốc gia trong khu vực, tương lai của thế hệ mai sau và tình đoàn kết giữa các quốc gia ven sông Mekong.
Đại diện Bộ Ngoại giao kế đó cho biết phía Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh đào Phù Nam Techo.
"Việt Nam cũng đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, Ủy hội sông Mekong trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực", ông Việt nói thêm.
Theo truyền thông Campuchia, kênh đào Phù Nam Techo dự kiến dài 180 km, nối cảng sông Phnom Penh với vịnh Thái Lan ở tây nam Campuchia. Dự án này đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep.
Trước đây, dự án này mang tên Hệ thống giao thông và hậu cần sông Bassac (BRNLS). Tại phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Quốc hội Campuchia ngày 19-5-2023, dự án được đặt tên lại là "Kênh đào Phù Nam Techo".
Một tài liệu Campuchia trình lên Ủy hội sông Mekong vào tháng 8-2023 cho biết kênh Phù Nam Techo sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2028. Việc xây dựng dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2024, với chi phí ước tính khoảng 1,7 tỉ USD.
Theo thiết kế, kênh Phù Nam Techo sẽ rộng 100m ở thượng nguồn, 80m ở hạ lưu và có độ sâu nhất quán là 5,4m.
Hồi tháng trước, Thủ tướng Campuchia Hun Manet khẳng định kênh đào Phù Nam Techo sẽ mang lại lợi ích cho khoảng 1,6 triệu người sống dọc theo kênh và tạo ra nhiều lợi ích khác cho sự phát triển quốc gia, theo báo Khmer Times.
Dự án cũng được kỳ vọng sẽ thu hút các ngành công nghiệp và cơ sở vật chất khác đến khu vực, mang lại nhiều việc làm cho người dân địa phương sau khi hoàn thành việc xây dựng.
Ông Hun Manet cũng cho biết kênh đào Phù Nam Techo sẽ do các đối tác xây dựng Trung Quốc xây dựng theo hình BOT.
TTCT - Tham vọng tiến ra biển của Campuchia đã có người giúp, đó là Trung Quốc, với một dự án cực kỳ tham vọng.