Bên cạnh một số chủ nuôi chó, mèo vốn có ý thức trước giờ về chuyện nuôi thú cưng sao cho không ảnh hưởng cộng đồng, một số bạn trẻ cũng đã thay đổi dần những thói quen không tốt khi nuôi thú cưng.
Nhiều người thừa nhận một phần do… sợ thú cưng của mình bị đội tuần tra bắt đi và phải lên phường đóng phạt để chuộc về.
Chủ chó dần ý thức hơn
Là một người yêu chó, mèo và đang nuôi một chú chó poodle hơn 1 tuổi, anh Đức Thành (ở quận Gò Vấp, TP.HCM) nói sau khi xem trên mạng hình ảnh chó thả rông ở phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) bị đội chuyên trách bắt, anh thấy lo sợ và bắt đầu thay đổi hành vi nuôi chó.
Trước kia, mỗi lần mang chó ra ngoài đi chơi, anh thường chỉ bỏ vào lồng, đến nơi cho chó chạy loanh quanh trong tầm mắt chứ không đeo dây xích hay rọ mõm. Còn hiện tại, thói quen không tốt đó đã được thay đổi.
Chú chó nhỏ của anh được đeo dây xích khi vui chơi ở nơi công cộng. Việc dọn vệ sinh sau khi chó xả ra đã được anh tuân thủ từ trước đến nay.
"Đeo rọ mõm thì khi nào tới nơi quá đông người mình mới cho đeo, còn bình thường cứ dắt dây đi, giữ trong tầm tay mình là được", anh Thành nói.
Anh cho biết nếu dẫn đến quán ăn, quán cà phê đồng ý cho mang thú cưng vào thì anh cũng sẽ để chó trong ba lô (loại dành cho chó) chứ không mang ra ngoài, bởi biết sẽ ảnh hưởng tới môi trường ăn uống của người xung quanh.
Chị Ngọc Trang (27 tuổi, ở quận 7) cho biết từ sau Tết tới giờ, chị nhận thấy một số nơi trước kia người ta hay dẫn chó, mèo ra chơi như phố đi bộ Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng… giờ giảm cũng khá nhiều, tất nhiên khó có thể chấm dứt triệt để chuyện này.
"Chung cư tôi ở sau vụ chủ nuôi 19 con chó ở chung cư bị lên án gay gắt vì thiếu ý thức, nhiều cư dân cũng bắt đầu biết sợ, quản lý chó, mèo chặt hơn", chị Trang nhận định.
Muốn người ta không ghét thú cưng, người nuôi phải có ý thức
Nuôi một chú chó shiba khoảng 10kg ở căn hộ chung cư gần hai năm nay, chị Trang cho biết từ khi nuôi, vợ chồng chị đã chuẩn bị sẵn những thứ cơ bản để việc nuôi chó không làm ảnh hưởng đến người khác.
Chú chó tên Bi này có kích thước hơi to nên mỗi lần dẫn ra ngoài chơi, đến một nơi công cộng nào đó, chị luôn cho Bi đeo dây xích và rọ mõm để dắt đi. "Tôi bị ám ảnh chuyện suýt té xe vì một con chó bất ngờ chạy qua đường, nên rất kỹ chuyện đeo xích cho nó", chị nói.
Ở chung cư, chị cũng dẫn Bi đi thang máy riêng theo quy định, và chú chó cũng được tiêm ngừa dại cùng các loại bệnh khác. Và may mắn, Bi ít sủa nên cũng hạn chế được việc làm ồn đến các căn hộ xung quanh.
Là người yêu động vật, nhất là chó, mèo, chị Trang cho biết mình cũng khó chịu khi ra đường thấy chó chạy lung tung khắp nơi, không rọ mõm. Có chủ còn "hồn nhiên" tới mức để chó đi vệ sinh xong dắt đi, mặc kệ "sản phẩm" của con vật nằm trơ ra đó bốc mùi hoặc có người giẫm phải.
Do đó, lúc nào dẫn chó ra đường, vợ chồng chị cũng mang theo bịch ni lông và khăn giấy để dọn dẹp sau khi chó nhà mình đi vệ sinh xong, nếu đi chơi xa sẽ cho cún cưng mặc tã.
Nuôi hai chú mèo Anh lông ngắn, chị Ngọc Diệp (36 tuổi, quận Bình Thạnh) chỉ cho mèo chạy chơi loanh quanh trong sân nhà do nhà cũng khá rộng. Dù thương mèo, chị tuyệt đối không cho chúng vào phòng ngủ. Mỗi lần vuốt ve hay cho ăn xong, chị đều rửa tay bằng xà phòng.
Nếu có khách đến nhà, chị sẽ đưa mèo vào chuồng nhốt lại để tránh làm người khác khó chịu, nhất là những người dị ứng lông mèo. Dẫn ra ngoài chơi, chị cũng bỏ vào lồng và không để mèo chạy lung tung.
"Mình thương chó, mèo, nhưng dù sao nó cũng là động vật nên không thể vì thương mà coi ngang hàng với người", chị Diệp nói. Theo chị, chủ nuôi muốn mình lẫn thú cưng không bị xã hội ghét bỏ, lên án thì người nuôi phải có ý thức để không làm ảnh hưởng tới cộng đồng.
"Nuôi chó như trại nuôi heo trong khu dân cư là xem thường môi trường sống, làm ảnh hưởng đến những người xung quanh, không thể chấp nhận được".