Tính đến ngày 28/3/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.286,11 điểm, tăng 13,8% đến so với cuối năm 2023. Mức vốn hóa thị trường ước đạt 6,6 triệu tỷ đồng, tăng 12,2%. Tính chung quý I/2024, giá trị giao dịch bình quân đạt 22.529 tỷ đồng/phiên, tăng 28,2% so với bình quân năm 2023.
Năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo sẽ hưởng lợi từ hàng loạt các động lực mới. Đây là những động lực gì? Những động lực mới ảnh hưởng thế nào đến thị trường? Cơ hội của các nhà đầu tư là gì?
Thời báo VTV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Thông – Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán SSI để làm rõ các vấn đề này.
Ông Nguyễn Đức Thông – Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán SSI
Tăng tự tin để nâng hạng thị trường
Phóng viên VTV: Góc nhìn của ông về thị trường chứng khoán Việt Nam ở giai đoạn hiện tại cũng như kỳ vọng trong năm 2024? Đây có phải là thời điểm hiện tại để thị trường chứng khoán có những bước tiến trong năm nay?
Ông Nguyễn Đức Thông: Năm 2024 là một năm rất quan trọng với thị trường chứng khoán Việt Nam xét về góc độ vĩ mô.
Đáng chú ý, dòng tiền đang có nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường trong dài hạn. Hiện lãi suất ngân hàng đang khá thấp 4-5% tại một số ngân hàng lớn, nếu nhìn vào thị trường chứng khoán có thể thấy tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt của các công ty lớn, tỷ lệ ở mức khoảng 3-4%, có nghĩa là thay vì gửi tiền ngân hàng hoàn toàn có thể mua cổ phiếu bằng tiền mặt.
Thị trường chứng khoán còn rất nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường, ví dụ như hệ thống giao dịch KRX sắp đi vào hoạt động.
Khi KRX đi vào hoạt động hoàn toàn có thể xem xét một số sản phẩm đi vào hoạt động ngay như: Mua bán trong ngày, quyền chọn quyền mua quyền bán… Đây là những sản phẩm rất phổ biến tại các thị trường lớn.
Hiện có rất nhiều nhà đầu tư chưa ra quyết định đầu tư vì họ muốn khi mua xong hoàn toàn có thể bán ngay trong ngày nếu có vấn đề gì. Hoặc cho họ quyền được bán ngay trong ngày sẽ giúp sự tự tin của các nhà đầu tư vào thị trường tăng lên đang kể. Điều này sẽ giúp thanh khoản thị trường tăng từ đó việc huy động vốn cho nền kinh tế sẽ hiệu quả hơn nhiều
Bên cạnh đó, nếu thị trường chứng khoán được nâng hạng lên thị trường mới nổi, các quỹ lớn rất quan tâm đến thị trường mới nổi. Nếu được nâng hạng chắc chắn sẽ có một lượng lớn dòng tiền thụ động được dịch chuyển vào thị trường.
Theo ông Thông, năm 2024 là một năm rất quan trọng với thị trường chứng khoán Việt Nam xét về góc độ vĩ mô.
Phóng viên VTV: Chính phủ đang thể hiện quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025, ông đánh giá khả năng đạt được mục tiêu này? Sau khi trượt nâng hạng vào năm 2023, theo ông, thời điểm hiện tại đã có chuyển biến mới nào?
Ông Nguyễn Đức Thông: So với năm 2023, tôi thấy được sự quyết tâm ngày càng cao hơn của Thủ tướng Chính phủ trong quyết tâm nâng hạng thị trường. Đã có những thay đổi tại một số thông tư. Cùng với đó là rất nhiều cuộc làm việc với công ty chứng khoán với Uỷ ban Chứng khoán cũng như giữa các công ty chứng khoán với nhau để đưa ra một giải pháp toàn diện từ đầu đến cuối. Tôi khá hy vọng thị trường chứng khoán sẽ được nâng hạng vào năm 2025.
So với 2023, năm 2024 kỳ vọng hệ thống KRX sẽ đi vào hoạt động được xem là thay đổi lớn nhất trong năm nay.
Sau cú giảm năm 2022 và đầu năm 2023, thị trường chứng khoán đang ở một thời điểm thuận lợi hơn với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Năm 2024, tình hình kinh tế có thể chưa được như những năm trước song tôi thấy rằng xu hương kinh tế đang đi lên.
Phóng viên VTV: Theo ông, điều kiện mấu chốt nào giúp nâng hạng thị trường chứng khoán?
Cho phép các công ty chứng khoán làm bên ký quỹ hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài để giải quyết vấn đề thanh toán là một trong những điều kiện quan trọng. Từ tháng 8/2023, Uỷ ban Chứng khoán, các công ty thành viên đã rất nỗ lực giải quyết vấn đề này sớm bởi thực chất đây là việc có thể hỗ trợ thị trường. Nếu làm được đây sẽ là tiêu chí gần như quan trọng nhất để nâng hạng thị trường.
Ngoài ra, một trong những điểm cần làm là tăng sự tự tin của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Bất kể giải pháp gì thì mục tiêu của chúng ta là giúp nhà đầu tư nước ngoài tự tin vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Chúng ta cần những quy định một cách nhất quan và công bằng…
Đầu tư chứng khoán, khôn đâu đến trẻ?
Phóng viên VTV: Trở lại các vấn đề đầu tư, theo ông, trong năm 2024, thị trường sẽ được thúc đẩy bởi nhà đâu tư nước ngoài hay nhà đầu tư nội?
Ông Nguyễn Đức Thông: Theo tôi, thị trường Việt Nam chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân, nên dòng vốn chủ đạo vấn đến từ những nhà đầu tư nội, dòng tiền của nhà đầu tư này vẫn còn rất nhiều. Điều quan trọng là tăng sự tự tin cho họ vào thị trường.
Và dòng vốn từ các nhà đầu tư ngoại có thể hỗ trợ điều này. Dù dòng vốn ngoại vào Việt Nam năm 2024 có thể không nhiều nhưng nó sẽ là chất xúc tác lớn cho vòng vốn nội đổ vào thị trường.
Thế hệ Gen Y hay Z đang xuất hiện rất nhiều những nhà đầu tư xuất sắc.
Phóng viên VTV: Năm 2023, một thống kê thú vị của TopBrokers cho thấy, các nhà đầu tư thành công hàng đầu chủ yếu đến từ thế hệ im lặng (Silent Generation, sinh trước năm 1945) và thế hệ ngay sau đó là Baby Boomer (bùng nổ dân số, sinh từ 1946 - 1964). Trong khi thế hệ Y hoặc Z (sinh từ 1997 - 2012) không có nhà đầu tư nào lọt vào tốp đầu dựa trên giá trị danh mục đầu tư. Bạn lý giải gì về điều này, phải chăng gừng càng già càng cay?
Ông Nguyễn Đức Thông: Thế hệ nào cũng có những nhà đầu tư giỏi. Thế hệ Gen Y hay Z đang xuất hiện rất nhiều những nhà đầu tư xuất sắc. Tuy nhiên chắc chắn một điều, các nhà đầu tư trẻ phải học rất nhiều từ các nhà đầu tư lớn tuổi khi họ góc nhìn lâu năm với thị trường
Ngay như bản thân tôi rất thích đọc những bức thư mà Warren Buffett gửi đi hàng năm. Các nhà đầu tư lớn tuổi đã trải qua tất cả những thăng trầm của nền kinh tế. Họ thấy được những điều mà nhà đầu tư trẻ không thấy.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư trẻ có lợi thể là việc áp dụng được công nghệ rất nhanh. Công nghệ là yếu tố sẽ quyết định việc đầu tư có thành công hay không. Nếu muốn làm được việc gì đó hiệu quả chỉ có cách áp dụng công nghệ.
Phòng viên VTV: Là người từng làm việc tại các định chế tài chính lớn như Goldman Sachs hay Morgan Stanley và nay là tại SSI, ông so sánh thế nào về cách thức đầu tư cũng như khẩu vị của nhà đầu tư Việt so với tại các nhà đầu tư nước ngoài?
Ông Nguyễn Đức Thông: Nhà đầu tư ở đâu cũng như vậy. Sự khác biệt lớn nhất là nhà đầu tư tại Việt Nam thiếu nhiều sản phẩm để đầu tư. Nhà đầu tư cá nhân ở nước ngoài hay Việt Nam cũng như nhau. Nhà đầu tư nước ngoài cũng có mức độ chấp nhận rủi ro rất cao và tại thị trường Việt Nam cũng vậy.
Tâm lý nhà đầu tư ở đâu cũng như vậy. Chỉ có khác là nhà đầu tư nước ngoài có nhiều sản phẩm hơn. Còn tại Việt Nam chỉ có một số sản phẩm nhất định.
Khẩu vị đầu tư cũng không khác nhau nhiều bởi tâm lý con người ở đâu cũng như vậy.
Điểm khác nằm ở cấu trúc thị trường, như ở Mỹ, đại đa số thành viên tham gia vào thị trường chủ yếu là các định chế tài chính, một phần nhỏ là nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong khi tại Việt Nam, đại đa số tham gia giao dịch là nhà đầu tư nhỏ lẻ, một phần nhỏ là đến từ các định chế tài chính.
Ông Nguyễn Đức Thông – Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán SSI để làm rõ các vấn đề này trả lời phóng viên VTV Online
Phóng viên VTV: Một trăn trở lớn với nhiều nhà đầu tư là nên lướt sóng hay đầu tư dài hạn? Với thị trường Việt Nam, ông có lời khuyên gì với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư là nhân viên văn phòng tìm đến chứng khoán như một kênh để kiếm thêm thu nhập?
Ông Nguyễn Đức Thông: Với bản thân tôi, danh mục đầu tư bao giờ cũng chia làm hai phần gồm dài hạn (ít nhất 1-2 năm) và ngắn hạn. Với dài hạn, các khoản đầu tư dài hạn tôi luôn duy trì nó dù có bất cứ chuyện gì xảy ra với thị trường, trừ khi có những thay đổi lớn về vĩ mô. Phần đầu tư này, tôi không bao giờ mua thêm hay bán thêm.
Với danh mục đầu tư ngắn hạn, tôi hướng tới mục tiêu dành lợi nhuận nhờ sự lên xuống của thị trường. Nếu muốn làm việc này, bạn phải theo dõi thị trường rất sát. Nếu không có thời gian, nhà đầu tư nên dành tỷ trọng ở mức độ thấp.
Một nhà đầu tư đến từ văn phòng thì không nên lúc nào cũng dành 100% cho các khoản đầu tư dài hạn hay ngắn hạn mà hãy nên kết hợp. Hãy đa dạng danh mục đầu tư của mình. Nhân viên văn phòng nên dành tỷ trọng cho khoản đầu tư dài hạn nhiều hơn bởi những khó khăn về mặt thời gian. Các nhà đầu tư nên dành tỷ trọng 70% dài hạn – 30% ngắn hạn hoặc 60% dài hạn - 40% ngắn hạn là hợp lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.47260040111404202-nah-iad-yah-gnos-toul-4202-naohk-gnuhc-ut-uad/et-hnik/nv.vtv