Ngay từ tên gọi của tuyên bố chung Mỹ - Nhật là "Đối tác toàn cầu cho tương lai" cũng mang nhiều hàm ý. Nội dung của nó đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ nhất mà hai nước có được cho tới nay, cũng như mối quan hệ song phương sâu rộng nhất lịch sử kể từ khi họ trở thành đồng minh sau Thế chiến thứ hai.
Hơn 70 thỏa thuận hợp tác
Ở hàm ý thứ nhất, chuyến thăm là cột mốc xác nhận quá trình chuyển đổi của Nhật Bản từ một cường quốc khu vực thành một quốc gia có ảnh hưởng toàn cầu.
Điều này không phải mới khi Nhật Bản luôn "sát cánh" với chính sách đối ngoại của Mỹ ở các điểm nóng khác nhau trên thế giới.
Tuy nhiên, tuyên bố chung lần này chính thức thể hiện cam kết của Nhật tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ hơn các hoạt động của Mỹ trên toàn cầu, cũng như can dự nhiều hơn vào các xung đột toàn cầu trong tương lai.
Thủ tướng Kishida tuyên bố: "Ngày nay thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn hơn bao giờ hết.
Nhật Bản sẽ chung tay với những người bạn Mỹ của chúng tôi và cùng nhau, chúng tôi sẽ dẫn đầu trong việc giải quyết các thách thức của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới, đồng thời không ngừng phát triển mối quan hệ".
Thời gian qua, Nhật Bản đã đảm nhận vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga cũng như viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza, những khu vực cách xa Nhật Bản. Đáp lại, ông Biden khen ngợi ông Kishida vì đã hỗ trợ Mỹ ở Ukraine, xây dựng lại mối quan hệ với Hàn Quốc... và nói "ông bạn đã biến tất cả những điều này thành có thể".
Hàm ý thứ hai đánh dấu mối quan hệ Mỹ - Nhật đã nâng một bước theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Điều này không chỉ thể hiện theo số lượng các thỏa thuận hai bên đã ký lên tới con số hơn 70, mà còn cả về nội dung.
Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, tuyên bố: "Nó vượt xa (khái niệm) an ninh. Đó là kinh tế. Đó là công nghệ. Đó là sự phát triển cơ sở hạ tầng. Và đó là ngoại giao".
Bản liệt kê hơn 70 hạng mục được công bố kèm với tuyên bố chung gồm nhiều lĩnh vực quan trọng.
Chúng bao gồm các điểm chính như cam kết thay đổi cơ cấu lực lượng của Mỹ tại Nhật Bản để cải thiện cách thức hợp tác giữa hai nước, thỏa thuận cho phép các công ty Nhật xử lý việc sửa chữa lớn cho tàu chiến, thành lập "hội đồng công nghiệp quân sự" để đánh giá nơi hai nước có thể cùng sản xuất vũ khí phòng thủ nhằm cải thiện hợp tác, nâng cấp mạng lưới liên lạc quốc phòng và kết nối các khả năng phòng không giữa Mỹ, Úc và Nhật để chống lại các mối đe dọa trên không và tên lửa.
Ông Kishida cho biết: "Sự hợp tác giữa hai nước chúng ta gắn kết với nhau bởi các giá trị và cam kết chung đã trở thành hợp tác toàn cầu với phạm vi và chiều sâu bao trùm cả không gian bên ngoài và biển sâu". Hai bên cũng đã đồng ý hợp tác mới trong lĩnh vực không gian và hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và năng lượng sạch.
Thế giới sẽ phân cực hơn?
Hàm ý thứ ba là dù không đề cập tới Trung Quốc, Nga hay Triều Tiên, nhưng sự nâng cấp toàn diện liên minh Mỹ - Nhật ít nhiều sẽ gây lo ngại cho các quốc gia này.
Tổng thống Biden tuyên bố: "Chúng tôi đã thảo luận hôm nay để cải thiện sự hợp tác và hoàn toàn là về phòng thủ và sự sẵn sàng. Nó không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào hay mối đe dọa nào đối với khu vực".
Những lời nhấn mạnh bản chất "phòng vệ" của tuyên bố chung dường như khó trấn an cũng như tạo được niềm tin với các quốc gia trên. Điều này khó tránh khỏi cuộc đua củng cố liên minh hay cạnh tranh "tập hợp lực lượng" ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong thời gian tới.
Thế giới chắc chắn sẽ trở nên phân cực hơn khi các nước dẫn dắt ở các nhóm cố gắng sử dụng ưu thế sức mạnh kinh tế, tài chính, công nghệ, quân sự và quốc phòng để thiết lập liên minh và đối tác.
Tổng thống Biden cho biết Mỹ và Nhật sẽ tạo ra một cấu trúc quốc phòng mở rộng với Úc, tham gia các cuộc tập trận quân sự ba bên với Anh và tìm cách để Nhật tham gia một liên minh với Úc và Anh do Mỹ lãnh đạo.
Một cấu trúc liên minh ba bên khác bao gồm Mỹ, Nhật, Philippines cũng đang dần hình thành.
Hàm ý với khu vực
Dấu mốc lịch sử trong việc nâng cấp quan hệ Mỹ - Nhật được kỳ vọng sẽ giúp Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida nâng cao uy tín chính trị ở trong nước trong khi họ cố gắng giải quyết các vấn đề ngày càng phức tạp trên chính trường thế giới.
Ngược với tham vọng cao trên chính trường quốc tế, cả ông Biden lẫn ông Kishida luôn có tỉ lệ ủng hộ của cử tri tương đối thấp trong phần lớn nhiệm kỳ của mình.
Riêng ông Biden thì đang cố gắng chiến thắng trước đối thủ Donald Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới để có thể tiếp tục chính sách đối ngoại nhằm duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế.
Các thỏa thuận vẫn đang còn trên giấy với đầy những hứa hẹn, nhưng viễn cảnh về các liên minh đối chọi nhau ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì đã dần hiện diện.
Phát biểu trước các nghị sĩ lưỡng viện Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản cảnh báo sự sụp đổ của Ukraine có thể gây ra cuộc khủng hoảng mới ở Đông Á.