Nào là trà sữa hành lá, trà sữa cá kho/cá chiên, trà sữa ớt trái, cà phê vịt quay, trà sữa hột vịt lộn rau răm, hồng trà thịt kho...
Mới đây còn có thêm mì tôm cúc vạn thọ gia nhập vào "gia đình" FoodTok. Không chỉ tồn tại trên không gian mạng, một số món đã được bán "ngoài đời", ở một số tỉnh thành.
FoodTok chỉ những người/kênh "có ảnh hưởng" trong lĩnh vực ẩm thực trên kênh TikTok. Phần nhiều trong số chủ kênh không am hiểu về ẩm thực nhưng lại tạo ra những clip nhảm nhí, vô bổ, thậm chí độc hại nhưng bằng một cách nào đó vẫn có sức lan tỏa trên mạng, làm nên một trào lưu kỳ dị.
Trong số những món trên có những món được "du nhập qua màn hình" từ Trung Quốc, có những món do các FoodTok Việt nghĩ ra nhằm mục đích câu view là chính.
Bạn tôi kể ở bên Trung, những món ăn hay những trào lưu ẩm thực dạng này bị xếp vào "ẩm thực đen tối" và nhà nước không khuyến khích phát triển. "Rồi dân mình có ai dám uống mấy thứ đó không?", "Sao không học cái hay mà toàn học những cái không hay?" bạn tôi một thôi một hồi.
Ông Chiêm Thành Long - phó chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam - nói với Tuổi Trẻ về phương diện ẩm thực, những món ăn dạng này là "lệch chuẩn, bất hợp lý".
Đáng nói, nó lại đánh vào lòng hiếu kỳ, tò mò của một bộ phận giới trẻ rồi truyền tai nhau tham gia thử thách. Hôm bữa đọc báo về các món ăn này, ông cũng giật mình. Bởi nghệ thuật ẩm thực có chuẩn của nó.
Muốn biến tấu, sáng tạo cũng phải dựa trên nền tảng vốn có. Còn như hiện tại thì... không rõ dựa vào đâu. Thật khó hiểu! Ông cũng nói những trào lưu nhất thời này sẽ chóng tàn.
Ông Long chỉ ra ba nét độc đáo của ẩm thực Việt Nam. Một là, có nguyên liệu lẫn gia vị có nguồn gốc trong tự nhiên.
Hai là, các món ăn thường kết hợp với gia vị mang tính dược liệu để tạo ra sự cân bằng trong cơ thể. Ba là, ẩm thực Việt Nam tinh tế nhưng không cầu kỳ, cách chế biến tùy cơ ứng biến nhưng vẫn ngon, hợp lý và hấp dẫn.
Vậy những trào lưu đó có ảnh hưởng gì? Sẽ có người chín bỏ làm mười; còn những ai yêu văn hóa, yêu ẩm thực và xem nó như một tài sản "bất khả xâm phạm", biến tướng thì sẽ cật lực lên án. Bởi lẽ, trong thế giới mạng thật - giả, tốt - xấu lẫn lộn đó, có những sự thật, có những bản dạng tốt đẹp "chỉ biết ngậm đắng nuốt cay" như cách ông Chiêm Thành Long trả lời.
Trong cuốn 100 triệu năm thực phẩm, TS nhân chủng học gốc Việt Stephen Le đặt ra một vấn đề: "Tổ tiên chúng ta đã ăn gì và tại sao điều đó lại quan trọng với chúng ta ngày nay?".
Gary Paul Nabhan - "một trong những tác giả chuyên viết về thức ăn quan trọng nhất mà chúng ta từng có" - đã trả lời thông qua cuốn Thức ăn, gen và văn hóa.
Ông viết: "Chúng ta là kết quả những gì tổ tiên ta đã ăn và uống. Trong chuyến du hành gắn với ẩm thực và tiến hóa này... quê cha đất tổ của chúng ta không hề là một nơi xa thăm thẳm nào cả, thay vào đó nó nằm ẩn trong các gen và cách lựa chọn thức ăn có liên quan đến văn hóa của chúng ta".
Với một nền văn hóa ẩm thực vững chắc, có thể ta không dễ bị xiêu lòng bởi trà sữa hành lá, trà sữa hột vịt lộn rau răm, cà phê vịt quay... hay bất cứ xu hướng ẩm thực kỳ quặc nào.
Có điều, trong bối cảnh mà dư luận Internet phá vỡ khuôn khổ dư luận truyền thống, sự lan truyền chủ đích của những FoodTok về một thứ văn hóa "ẩm thực đen tối" cũng chẳng phải là một thứ tốt đẹp gì hoặc tạo ra những ngộ nhận, nhầm lẫn. Ít nhất là với những "kẻ ngoại cuộc", những du khách đang thăm thú nền ẩm thực này.
Văn hóa lại bao la và văn hóa cũng như mã gen, có thể được chỉnh sửa, viết lại, thay đổi bất cứ lúc nào.
Những ngày qua, mạng xã hội khuấy đảo khi hàng loạt món ăn kỳ quặc ra đời như trà sữa hành lá, cá chiên… vì sao quán ăn bán bất chấp dù bị 'ném đá' tơi tả.