Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo cuối cùng của Chính phủ nhiệm kỳ này - Ảnh: VIỆT DŨNG
Mở đầu họp báo thường kỳ tháng 3 của Chính phủ tối 31-3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết hôm nay Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ, là phiên họp cuối cùng trước khi Chính phủ kiện toàn các thành viên mới. Cuộc họp thảo luận về định hướng phát triển kinh tế - xã hội và các nội dung quan trọng khác.
Tình hình 3 tháng đầu năm 2021 đã có sự khởi sắc, thị trường tín dụng tăng trưởng, tổng mức huy động vốn tăng 42%, thu hút vốn FDI đạt mức cao và lần đầu tiên ở mức dương kể từ khi dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài tăng 6 lần, doanh nghiệp thành lập mới tăng, thu ngân sách tích cực… Trong khó khăn, Chính phủ vẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội cho người dân.
"Với kết quả đạt được, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao tăng trưởng Việt Nam, như HSBC dự báo Việt Nam tăng 7%, IMF dự báo Việt Nam tăng 6,5% và lạm phát dưới 4%, Việt Nam đứng thứ 5 châu Á về chỉ số hạnh phúc. Việt Nam cũng đạt được nhiều kết quả tích cực về công tác quốc phòng an ninh, đối ngoại, các hoạt động xã hội, không khí khởi sắc…", ông Mai Tiến Dũng nói.
Tuy vậy, ông Dũng nhấn mạnh các vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới là số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể tăng trên 20%, vận tải hành khách giảm, tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm, tai nạn giao thông nghiêm trọng… Đặc biệt là hiện tượng sốt đất ở nhiều địa phương và khu vực, tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế nếu không quản lý tốt các hệ thống tín dụng…
Tín dụng bất động sản tăng nhanh hơn tín dụng cho nền kinh tế chung
Thông tin về tình hình tín dụng vào bất động sản, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho rằng thời gian gần đây, bất động sản khá nóng và giá cả có chiều hướng tăng lên ở một số địa phương. Nguyên nhân được chỉ ra là tình trạng một số đối tượng cơ hội tung thông tin không chính xác dựa vào công tác điều hành giá cả, thuế đất, quy hoạch để kiếm chênh lệch, lợi nhuận đầu tư.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: Tín dụng bất động sản tăng nhanh hơn tín dụng cho nền kinh tế nói chung - Ảnh: VIỆT DŨNG
"Thời gian gần đây, dư nợ cho vay bất động sản của ngành ngân hàng tăng 2,13%, cao hơn tốc độ tăng tín dụng là 2,04%. So với năm ngoái thì tín dụng đang tích cực, tín dụng bất động sản tăng nhanh hơn tín dụng cho nền kinh tế nói chung - ông Tú thông tin - Chỉ một vài tổ chức tín dụng cho vay nhanh hơn so với mức bình thường trước đây".
"Theo đó, đối tượng kinh doanh bất động sản gồm đầu cơ bất động sản, phân khúc thị trường cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng và đầu tư, khả năng thanh khoản và hiệu quả trong tương lai không cao là đối tượng mà chúng tôi kiểm soát chặt chẽ, có chế tài trực tiếp và gián tiếp.
Lĩnh vực tín dụng đầu tư giúp thanh khoản sản phẩm hàng hóa tiêu dùng bất động sản, như nhà ở cho người thu nhập thấp, phân khúc thị trường nhà giá rẻ, phục vụ tiêu dùng xây dựng vẫn được giao cho ngân hàng thương mại triển khai", ông Đào Minh Tú khẳng định.
Quy hoạch điện VIII 'mở và linh hoạt'
Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định quy hoạch điện "mở và linh hoạt", "không nêu tên dự án cụ thể" - Ảnh: VIỆT DŨNG
Báo Tuổi trẻ đã đặt câu hỏi "Chính phủ nhiệm kỳ này có thông qua dự thảo quy hoạch này hay không? Có tính toán kỹ lưỡng các yếu tố đảm bảo để khi thực hiện không phải trả giá đắt như Quy hoạch VII hoặc vỡ quy hoạch ĐMT trước đây?"
Trả lời về vấn đề này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: "Về cơ cấu nguồn, Quy hoạch VIII sẽ phát triển đa dạng hơn, dành ưu tiên cao cho năng lượng tái tạo, với cơ cấu và phân bổ hợp lý hơn từng khu vực và từng miền, không phụ thuộc vùng miền nào. Hạn chế tối đa nguồn gây ô nhiễm, ảnh hưởng môi trường, thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế về nguy cơ chống biến đổi khí hậu".
Theo ông Hải, "điểm mới trong quy hoạch có tính mở và linh hoạt, được tiếp thu trên cơ sở ý kiến góp ý của các chuyên gia. Vì vậy, quy hoạch chỉ đưa ra danh mục dự án quan trọng quốc gia, là những dự án ưu tiên đầu tư của ngành điện, tập trung xem xét trong giai đoạn quy hoạch 2021 - 2030 và tính tới đến năm 2045.
Riêng đối với năng lượng tái tạo, năng lượng mới, Quy hoạch điện VIII chỉ đưa ra tổng công suất dự kiến phát triển thêm và phân bố không gian theo vùng, địa phương, không đưa tên các dự án cụ thể".
"Quá trình lựa chọn danh mục các dự án cụ thể sau này sẽ được Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương rà soát, nghiên cứu đưa vào kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chúng tôi đã trình Chính phủ và tôi kỳ vọng Quy hoạch điện VIII được phê chuẩn và ban hành ngay trong nhiệm kỳ Chính phủ lần này" - ông Hải nhấn mạnh.
TTO - Trước hiện tượng giá đất ở một số địa phương tăng đột biến gây nên hiện tượng sốt đất ảo, Bộ Tài nguyên - môi trường đề nghị các tỉnh quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, công khai thông tin quy hoạch.
Xem thêm: mth.84001429113301202-et-hnik-or-iur-na-meit-tad-tos-ol-uhp-hnihc/nv.ertiout