"Nhiều người nói tôi hết thời, hát không ra hơi. Tôi đọc được nhận xét là tôi nghèo nên mới mở nhà hàng kinh doanh. Nhưng tôi nghĩ mọi thứ do cơ duyên, là ông trời cho tôi một nghề khác", Zing dẫn lời NSƯT Kim Tử Long cho biết.
Thời kỳ đỉnh cao của nghề, một lần có người nói rằng anh sẽ có thêm một nghề tay trái trong vòng hai năm tới.
"Tôi không tin, bởi nghĩ bản thân chỉ có nghề hát để kiếm sống", Kim Tử Long nói.
"Sau đó, gia đình tôi bán căn nhà ở đường Nguyễn Tất Thành. Một tuần sau, có người gọi điện hỏi mua lại căn nhà tôi vừa mua ở đường Nguyễn Tri Phương giá cao hơn. Tôi bán và lời được 10 cây vàng. Tôi mua căn nhà khác giá 110 cây vàng, chuẩn bị xây dựng thì lại có người gọi điện hỏi mua ngay căn ấy với giá 150 cây vàng. Khoảng hơn 1 năm, vô tình tôi trở thành cò đất, cò nhà".
Nhờ kinh doanh bất động sản, Kim Tử Long nhanh chóng giàu có, nắm trong tay khối tài sản lớn.
"Những năm 2000, tôi từng cầm trong tay 1.000 cây vàng", anh chia sẻ với báo giới.
Năm 2000 là thời kỳ đầu của giai đoạn nóng và sốt bất động sản. Mở đầu năm 2000, giá nhà đất bắt đầu biến động, tiếp đó giá cả tăng nhanh liên tục và đạt đỉnh cao vào khoảng quý II năm 2001 sau một thời gian dài bình lặng.
Nhiều chuyên gia nhận định, giá bất động sản của Việt Nam giai đoạn này ở mức đắt nhất thế giới, cao hơn cả một số thành phố lớn của các nước công nghiệp phát triển.
"Việt Nam thời điểm đó được ví như "con hổ" kinh tế trong tương lai gần, với chỉ số GDP bình quân đầu người đạt mức 396 USD (GDP/người của Lào: 328 USD, GDP/người của Campuchia: 283 USD) vào năm 2000".
Nguồn: World Bank.
"Theo dòng chảy của nền kinh tế và những chính sách vĩ mô của Chính phủ, thị trường bất động sản cũng trải qua nhiều thăng trầm: Bắt đầu chuyển mình vào năm 2000 và bùng nổ vào giai đoạn 2001-2002, với tăng trưởng GDP lần lượt đạt 6,79% năm 2000 và 6,89% năm 2001", ông Neil Macgregor - Giám đốc điều hành của Savills Việt Nam – nhận định về thời kỳ này trong một bài viết hồi năm ngoái.
Vị lãnh đạo cao nhất của Savills Việt Nam cho biết giá cả và giao dịch trong những năm này đều tăng cao trong khi bất động sản trở thành kênh đầu tư thu hút rất nhiều tầng lớp tham gia. Với 2 cơn sốt nhà đất vào các năm 2001-2003 và 2007-2008, giá nhà đất tăng lên nhiều lần, hoàn toàn vượt khỏi tầm với của những người có thu nhập từ thấp đến trung bình tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM.
Năm 2000, Luật Doanh nghiệp ra đời, Luật đầu tư nước ngoài tiếp theo vào 2001. Người đầu tư đánh giá chủ trương cho Việt kiều mua nhà và ban hành giá đất mới sẽ có triển vọng cho thị trường nhà đất nên nhiều người đầu tư mua đất khắp nơi ở vùng ven. Theo ước tính của Viện Kinh tế TPHCM, lượng đầu tư này đạt đến khoảng 6 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ có đất được mua chứ không có công trình hay nhà ở nào được xây dựng. Vì vậy, cho thấy cơn sốt lần này chủ yếu là nhu cầu ảo, giá ảo chứ không phải giá trị thật.
Quay trở lại câu chuyện kinh doanh của Kim Tử Long, không chỉ "đá sân" sang bất động sản, anh còn đá sang cả mảng F&B.
Việc kinh doanh nhà hàng cũng là cơ duyên khi trò chuyện với một người làm nghề môi giới nhà đất. Thể thao Văn hóa dẫn lời nghệ sỹ Kim Tử Long cho biết: "Một ngày, anh bạn đó giới thiệu cho tôi một mặt bằng khá tốt. Tôi tò mò nên đến gặp chủ nhà, người ta ái mộ nên giảm giá thuê cho tôi từ 120 triệu đồng xuống còn 90 triệu đồng. Tôi có máu liều, thuê mặt bằng nhưng vẫn chưa nghĩ ra mình sẽ làm gì với nó, kinh doanh cái gì. Mở quán cơm thì bình dân quá, rồi nhớ ra ở nhà, con cái thích ăn đồ nướng nên quyết định bán món này".
Anh lên mạng để học cách kinh doanh và mở nhà hàng sau đó 2 tháng, cái tên "Quá đã" ra đời. Lần đầu tiên trong đời đi hát, Kim Tử Long quyết định làm thêm nghề tay trái, cái tên "Quá đã" thể hiện cảm xúc, niềm hạnh phúc của Kim Tử Long, niềm vui của thực khách khi bước ra khỏi quán.
Hiện tại, NSƯT Kim Tử Long làm chủ hai nhà hàng buffet, một quán cà phê và một spa.
Bình An
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị