Lợi dụng ‘đẩy’ giá đất...
Đất thổ cư nhiều quận huyện ở Hà Nội như Đông Anh, Long Biên, Thanh Trì, Hà Đông... đang bị đẩy giá tăng cao, “nhảy múa” từng ngày, có nơi tăng gấp đôi. Sức "nóng" của đất khiến giới môi giới trong lĩnh vực nhà đất hiện này ở Hà Nội trong tình trạng "ăn, ngủ" cùng đất, nửa đêm còn có người hỏi mua đất...
Nguyên nhân nào khiến giá đất tại các quận, huyện của Hà Nội đồng loạt "lên đồng" như vậy?
Chia sẻ với PV Infonet, ông Đặng Văn Quang – Giám đốc Công ty Quản lý và Đầu tư Bất động sản Thái Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân tăng giá đất tại Hà Nội hiện nay, trong đó phải nói đến hiệu ứng lan toả, dây chuyền. Mặc dù không trực tiếp liên quan tới quy hoạch mới hoặc từ huyện lên quận... nhưng khi có thông tin giá đất ở những nơi đó tăng thì "đất của tôi" chắc cũng có giá trị hơn. Đôi khi bất động sản ở TP.HCM tăng thì Hà Nội cũng có xu hướng tăng và ngược lại.
Một nguyên nhân khác theo ông Quang, do lãi suất ngân hàng giảm khiến bất động sản trở thành một kênh đầu tư cạnh tranh hơn so với việc gửi tiền vào ngân hàng trong ngắn hạn.
Cùng với đó, đại dịch Covid-19 đã làm suy giảm niềm tin của giới đầu tư vào các cấu phần khác của nền kinh tế như sản xuất, du lịch, bán lẻ, các startup... Đặc biệt, đất nền với tâm lý của người Việt là không bao giờ mất giá - là một kênh trú ẩn cho những giai đoạn bất định.
“Sự làm giá, thổi giá dựa trên những tin đồn thất thiệt của một lực lượng môi giới ngày càng đông đảo, ngày càng chuyên nghiệp trên nền tảng của một môi trường kém minh bạch về thông tin, đặc biệt là thông tin quy hoạch đã hạ gục các nhà đầu tư phong trào, kém chuyên nghiệp.
Rồi những thông tin giả hoặc thông tin không được kiểm chứng đã vô tình hay cố ý phát tán qua các trang mạng xã hội cũng là một nguyên nhân tạo sóng cho đất tăng giá”, ông Quang nói.
Ông Quang cho rằng, các hành vi mua bán, môi giới bằng cách liên kết phát tán thông tin giả; qua đó tạo nên ‘sốt giá’ giả tác động xấu đến thị trường và xã hội.
Cũng chia sẻ với Infonet, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, thông thường các thông tin quy hoạch, thông tin về huyện nào đó sắp lên quận là những thông tin tích cực, nó sẽ giúp khu vực đó có đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị hiện đại, đồng bộ, thông mình... giúp khu vực đó có giá trị tốt hơn, chất lượng sống cao hơn. Điều này tác động đến giá đất tăng.
“Tuy nhiên, quy hoạch hay kế hoạch, thông tin... đều mang kỳ vọng về giá trị trong tương lai chứ không phải giá trị thực tại. Giá trị đất đai, bất động sản đều phải được đầu tư thật, giá tăng tỷ lệ thuận với số vốn đầu tư vào đó theo đúng dự án được phê duyệt.
Thế nhưng, quy hoạch sông Hồng hay huyện lên quận chỉ mới là quy hoạch, là thông tin chưa rõ ràng, cụ thể nên bị lợi dụng để ‘đẩy’ giá đất lên”, ông Đính nói.
Môi giới lợi dụng thông tin quy hoạch, huyện lên quận... để “đẩy’ giá đất lên. |
Giá đất Hà Nội liệu có giảm?
Ông Đính đặt câu hỏi: Tại sao những căn hộ tại các dự án đang bán ở khu vực đang xảy ra hiện tượng tăng giá đất thì giá bán không tăng; nhưng đất ngoài ruộng, ngoài vườn, đất trong dân bỗng dưng lại tăng giá?
Ông Đính cho rằng, việc tăng giá đất sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư sau này của các khu vực đó.
“Doanh nghiệp khi vào thực hiện dự án sẽ không dám làm nếu tính chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cao quá, do đó nếu đầu tư không có lợi thì họ sẽ rút ra. Từ đó, khu vực đó sẽ trở thành quy hoạch treo trong nhiều năm, giá trị sẽ lại tụt xuống giống như ở Mê Linh, Hoài Đức trước đây”, ông Đính nêu rõ.
Trước việc ‘thổi’ giá đất, ông Đính cho rằng, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương để rà soát, kiểm soát lại và xử lý các hiện tượng đang mua bán trái quy định pháp luật, khu vực không được phép cải tạo, chuyển đổi chức năng... Kể cả các khu vực tạo chợ mua bán bất động sản không đúng quy định cũng có thể xử lý.
“Nếu vào cuộc quyết liệt thì có thể sớm ổn định, giống như Vân Đồn (Quảng Ninh) hay Phú Quốc (Kiên Giang) trước đây. Đối với đất ruộng, đất nông nghiệp chắc chắn sẽ bị tụt giá nếu có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước.
Còn đất thổ cư trong dân, có sổ đỏ mà giai đoạn vừa rồi có sự tăng giá theo tỷ lệ bất hợp lý, sớm muộn sẽ có sự điều chỉnh giảm xuống, nhưng mức độ giảm giá sẽ thấp hơn các loại đất ngoài quy định như đất nông nghiệp. Quan trọng là tính sôi động của thị trường mất đi thì giá từ từ sẽ tụt xuống. Giá tăng mà giao dịch không có thì giá sẽ sớm quay trở lại cái giá ban đầu”, ông Đính nhận định.
Theo ông Đính, ở thời điểm giá đất đang cao thì những người có nhu cầu thực nên đợi thêm một thời gian nữa, chắc chắn giá sẽ được điều chỉnh hợp lý.
Minh Thư
Infonet
Xem thêm: nhc.26753138010401202-cod-tut-es-gnuc-noum-mos-hcid-oaig-ti-gnod-nel-ud-ion-ah-tad-aig/nv.zibefac