Theo Hiệp hội Các nhà phân tích chứng khoán Nhật Bản, tính đến cuối tháng 1 năm nay, trong số khoảng 27.000 người có chứng chỉ Hội viên phân tích được công nhận (CMA) thì chỉ có 7,9% là phụ nữ. Trong khi đó, tính đến năm 2016, phụ nữ chỉ chiếm 9,0% trong số những người có bằng CFA (Chuyên viên phân tích tài chính được công nhận), một chứng chỉ quốc tế do Viện CFA của Mỹ cấp. Tỷ lệ này thuộc hàng thấp nhất thế giới và cách xa tỷ lệ 43% của Việt Nam.
Phụ nữ Nhật vẫn còn xuất hiện khá khiêm tốn trong lĩnh vực phân tích tài chính |
Rie Nishihara, từng làm việc tại Ngân hàng Nhật Bản trước khi bắt đầu với nghề phân tích tài chính vào năm 2012, cho biết cô cảm thấy công việc này phù hợp với mình và giúp cô có nhiều quyền quyết định chọn cách làm việc theo ý mình. Cô cũng cho rằng một tổ chức hay doanh nghiệp nên được đánh giá một cách khách quan, minh bạch bởi các chuyên gia phân tích tài chính hay các tổ chức đánh giá, xếp hạng thứ ba.
Trên thực tế, phụ nữ chỉ chiếm 5,2% các vị trí điều hành tại tất cả các công ty niêm yết của Nhật Bản tính đến năm 2019. Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản, cơ quan vận động hành lang cho giới kinh doanh có tiếng tăm nhất của nước này, đã đặt mục tiêu nâng con số đó lên hơn 30% vào năm 2030.
“Yếu tố lớn nhất ngăn cản phụ nữ Nhật phát triển sự nghiệp của họ chính là quan điểm bảo thủ trong xã hội cho rằng phụ nữ đi làm là ích kỷ”, Wakako Sato, nhà phân tích cấp cao của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities Co., giải thích thêm về sự mất cân đối giữa nam và nữ trong các vị trí quản lý cấp cao của các tổ chức ở Nhật.
Sato, năm nay 53 tuổi, là một trong sáu phụ nữ trong số 120 người được tuyển dụng tại Sumitomo Trust and Banking Co. vào năm 1992, khi các nhà tuyển dụng ở Nhật được chính phủ nước này yêu cầu “thực hiện các nỗ lực” nhằm tránh tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ trong vấn đề tuyển dụng theo luật cơ hội việc làm bình đẳng của Nhật. Chính phủ nước này cũng đã cấm phân biệt đối xử về giới trong việc làm theo một điều suật sửa đổi năm 1997.
Nhưng Sato cho biết cô còn gặp phải một rào cản khác từ gia đình. Bố mẹ Sato phản đối việc cô học đại học vì họ tin rằng điều đó sẽ làm giảm cơ hội kết hôn của cô. Họ cũng phản đối việc Sato chuyển từ quê nhà ở Okayama lên Tokyo làm việc. “Cha mẹ tôi nói với tôi rằng tôi không nên quay về quê nhà vì hàng xóm sẽ nhìn tôi một cách lạnh lùng. Tất nhiên, tôi thích công việc của mình và tôi cũng không có lý do gì để quay trở lại”, Sato nói.
Nhất Nguyên (theo Japan Times)