Nếu bạn có lên internet trong 24 giờ qua, khả năng cao bạn đã đọc mẩu tin sốt dẻo này: Xiaomi bỏ ra 2 triệu NDT, tương đương 7 tỷ VNĐ để làm lại logo của mình. Hình ảnh dưới đây cho thấy 7 tỷ VNĐ của người có tiền có thể mua được gì.
Bạn có nhận ra sự khác biệt không?
Tạo tác của nhà thiết kế Nhật Bản nổi tiếng Kenya Hara - giáo sư của Đại học Mỹ thuật Musashino kiêm Chủ tịch Trung tâm thiết kế Nippon (NDC) ắt phải có giá trị lớn. Thế nhưng không ít cư dân mạng lên tiếng dạy Xiaomi tiêu tiền, cho rằng 7 tỷ VNĐ có thể mua được nhiều những thứ hàng hóa khác, ví dụ như 153,8 chiếc Mi MIX Fold phiên bản đắt nhất chẳng hạn.
Khó có thể đánh giá Xiaomi đã tiêu hoang, suy cho cùng thì màn quảng bá logo mới (và cả dòng điện thoại cao cấp mới nữa) thành công ngoài sức tưởng tượng. Người ta vốn biết tới một Xiaomi sản xuất điện thoại giá rẻ, nay ai cũng hay tin công ty Trung Quốc bỏ tới 7 tỷ đồng tiền “sắm” logo, hơn nữa còn có thể xuất xưởng loạt điện thoại gập hạng sang theo gót chiếc Galaxy Fold thời thượng của Samsung.
Câu chuyện Xiaomi bỏ tiền tỷ thiết kế logo mới làm tôi nhớ tới dự án “nâng cấp” ngành du lịch Scotland diễn ra hồi năm 2007.
Slogan cũ xuất hiện dưới sự chỉ đạo của cựu bộ trưởng du lịch Scotland là Jack McConnell.
Bộ trưởng đương thời của Scotland là Alex Salmond lên tiếng chỉ trích logo của ngành du lịch nước mình không chút sáng tạo, lại còn khiến vị thế quốc gia bị ảnh hưởng. Khẩu ngữ “Đất nước nhỏ bé tốt đẹp nhất thế giới - The Best Small Country in the World” của các quan chức tiền nhiệm không khiến ông rung động, Salmond chỉ trích "tại sao không gọi Scotland là đất nước tốt đẹp nhất thế giới luôn đi".
Chiến dịch cải tổ du lịch bắt đầu, với xuất phát điểm là khẩu ngữ mới: “Chào mừng tới Scotland”, đơn giản, dễ hiểu và chỉ tiêu tốn … 125.000 bảng Anh. Thời bấy giờ, số tiền khổng lồ này tương đương với 250.000 USD ở thời điểm bấy giờ. Tính theo tỷ giá hiện tại, cái logo đã tiêu tốn 317.125 USD, tức 7,3 tỷ VNĐ. Một cái giá không hề rẻ.
Nhưng không giống với Xiaomi, toàn bộ số tiền lớn không phải dành riêng cho việc thiết kế đâu. Theo khẳng định của bà Linda Fabiani, bộ trưởng kinh tế và văn hóa tại vị trong khoảng thời gian 2007-2009: “Không một đồng nào được dùng trong việc phát triển khẩu ngữ ‘Chào mừng tới Scotland’”.
Tại sao không khẩu ngữ đơn giản đã được dùng từ những năm ảnh còn đen trắng? Trong ảnh là giáo sư David Pattison, cựu bộ trưởng du lịch Scotland.
Chi phí chính của chiến dịch cải tổ khẩu ngữ nằm ở việc “thiết kế, in ấn và lắp đặt” slogan mới tại mọi cửa ngõ đất nước. Bộ trưởng khẳng định số tiền 125.000 bảng Anh được lấy hoàn toàn từ quỹ. Ngành du lịch vẫn là mũi nhọn kinh tế của Scotland từ bao đời nay, chẳng lạ lùng gì khi họ bỏ một số tiền lớn đến vậy để sửa slogan sao cho đơn giản và hiệu quả.
Còn về Xiaomi, một thương hiệu đồ dùng điện tử lớn vừa tung ra một loạt sản phẩm mới hòng đào sâu vào thị trường xa xỉ phẩm, chắc chắn không tiếc tiền làm lại logo - bộ mặt mới của mình.
Kim
Pháp luật & bạn đọc