Thời báo Hoàn Cầu đăng ảnh mô tả thế đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ - Ảnh: Global Times
"Đây là lúc để cứng rắn với Trung Quốc và cách hành xử của họ trong hệ thống thương mại toàn cầu.
Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss nói với các đồng minh trong cuộc gặp với những người đồng cấp nhóm G7 ngày 31-3, trong đó đề cập các cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công nghệ, sử dụng lao động cưỡng bức...
Thất bại tại Alaska khiến hi vọng tái khởi động lại quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Joe Biden đã tan biến. Thay vào đó, các liên minh mới do Mỹ dẫn đầu đang nhanh chóng hình thành.
Gây sức ép về "nguồn gốc virus"
Trung Quốc ngày 30-3 đối mặt với một liên minh hùng hậu do Mỹ dẫn dắt trong vấn đề điều tra nguồn gốc dịch COVID-19. Sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bác bỏ khả năng virus corona thoát ra từ phòng thí nghiệm trong báo cáo điều tra về nguồn gốc dịch bệnh, Mỹ cùng 13 đồng minh đã cùng lên tiếng bày tỏ lo ngại.
"Nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế về nguồn gốc SARS-CoV-2 (virus corona gây bệnh COVID-19) đã bị trì hoãn đáng kể và thiếu sự tiếp cận toàn diện với các dữ liệu thô ban đầu" - tuyên bố chung của 14 nước viết.
Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cũng đưa ra nhận định tương tự, cho rằng đánh giá của các chuyên gia chưa đủ rộng. Phương Tây đòi mở các cuộc điều tra mới, trong đó các chuyên gia độc lập được phép tiếp cận đầy đủ "tất cả vật chủ con người, động vật, dữ liệu môi trường, nghiên cứu và nhân sự trong giai đoạn đầu của dịch".
Đáp lại, Trung Quốc khẳng định các cáo buộc này là vô căn cứ bởi các chuyên gia trong và ngoài nước này đều tiếp cận nguồn dữ liệu như nhau.
"Theo luật Trung Quốc, một số dữ liệu không thể lấy đi hoặc chụp lại, nhưng chúng tôi đã cùng nhau phân tích ở Vũ Hán, ai cũng có thể thấy cơ sở dữ liệu, tư liệu" - ông Liang Wannian, quan chức y tế Trung Quốc tham gia cuộc nghiên cứu, giải thích.
Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu tỏ ra gay gắt hơn với chỉ trích Mỹ và phương Tây "có động cơ chính trị" khi tìm cách đổ lỗi cho Bắc Kinh.
Phương Tây cần cẩn trọng?
Mỹ ngày 30-3 tung ra báo cáo nhân quyền chỉ trích thẳng các hành động "diệt chủng" của Trung Quốc ở Tân Cương, đồng thời lên án việc Trung Quốc thông qua cải cách bầu cử Hong Kong.
"Chúng tôi cực kỳ lo ngại những thay đổi trong hệ thống bầu cử ở Hong Kong đi ngược với nguyện vọng của người dân ở Hong Kong và bác bỏ tiếng nói của họ đối trọng chính quyền của mình" - Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ.
"Chúng ta đang hướng tới một trật tự lưỡng cực và một cuộc Chiến tranh lạnh mới giữa "kẻ tốt" và "kẻ xấu". Đã xuất hiện một liên minh thiêng liêng giữa các nền dân chủ đối với các vấn đề về Tân Cương, Hong Kong và nhân quyền ở Trung Quốc" - Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hong Kong, mô tả.
Như tổng thống Mỹ đã tuyên bố sau khi nhậm chức, chính quyền của ông đang tập hợp các đồng minh làm đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, thay vì đơn phương hành động và gây chiến thương mại như thời người tiền nhiệm Donald Trump.
Theo nhà phân tích chính trị độc lập tại Trung Quốc Hua Po, ngay cả khi Mỹ và các đồng minh có lợi ích khác nhau thì "họ đều thống nhất về vấn đề nhân quyền"; "đó là biểu tượng của sự đoàn kết" tạo thành chính sách bủa vây Trung Quốc trên các mặt trận chiến lược, công nghệ và thương mại, ông Po nhận định.
Nhà bình luận Gideon Rachman của Financial Times cũng cho rằng khác với thời ông Trump, sự đối đầu về ý thức hệ giữa Trung Quốc và phương Tây đang quay trở lại dưới thời ông Biden.
"Sự cạnh tranh về công nghệ một lần nữa lại là trung tâm của sự đối đầu giữa các siêu cường. Trong cuộc Chiến tranh lạnh đầu tiên, đó là công nghệ hạt nhân và cuộc chạy đua không gian. Các đối thủ siêu cường ngày nay tập trung vào viễn thông 5G và trí tuệ nhân tạo" - ông Rachman bình luận.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao kỳ cựu Mỹ Henry Kissinger cảnh báo Washington cần cẩn trọng để tránh đẩy thế giới vào thời kỳ nguy hiểm như sau Thế chiến 2, bởi Trung Quốc hiện tại đã lớn mạnh và khó chấp nhận trật tự do Mỹ dẫn đầu.
"Nếu chúng ta không đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về quan điểm đó, chúng ta sẽ ở trong tình huống như trước Thế chiến thứ nhất ở châu Âu. Bây giờ còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với lúc đó" - ông nói.
Mỹ công khai tập hợp lực lượng
Trong cuộc phỏng vấn trên báo La Stampa của Ý đăng ngày 30-3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp tục cáo buộc Trung Quốc tìm cách phá hoại trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt và không "chơi theo luật" được thiết lập trong giai đoạn hậu Thế chiến 2.
Cho rằng quan hệ với Bắc Kinh có thể có lúc đối đầu hay hợp tác nhưng "có một mẫu số chung chính là cần giành lợi thế khi đối đầu với Trung Quốc, bắt đầu bằng những liên minh và hợp tác vững chắc", ông Blinken nhấn mạnh. Trước đó, có mặt tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ), ngoại trưởng Mỹ cũng phất cờ kêu gọi tập hợp liên minh chống Trung Quốc và Nga, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và hạ tầng.
TTO - Ngày 31-3 chính quyền Mỹ tái khẳng định Hong Kong đã mất quyền tự trị khỏi Trung Quốc và cam kết sẽ gây sức ép với Bắc Kinh vì đã phá vỡ tình trạng đặc biệt của thành phố này.
Xem thêm: mth.41332847010401202-pe-yav-yat-gnouhp-ib-couq-gnurt/nv.ertiout