Khoảng một tháng trở lại đây, giá tiêu tăng từ 51.000 - 52.000 đồng/kg lên 74.000 - 75.000 đồng/kg, khiến việc mua bán cọc gỗ, trụ gỗ trồng tiêu cũ tại các tỉnh Tây nguyên trở nên nhộn nhịp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn trụ cũ này chủ yếu là trụ gỗ thuộc các nhóm gỗ như cà chít vàng, căm xe được thu mua từ các vùng trồng tiêu lớn trước đây như Eahleo (Đắk Lắk), Chư Sê (Gia Lai).
Ông Hà Viết Hùng (ngụ xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) cho biết gia đình vừa đầu tư mua gần 500 trụ tiêu cũ với giá 85.000 - 90.000 đồng/trụ xẻ (loại trụ được xẻ từ trụ tròn) để dự kiến trồng xen canh trong rẫy cà phê của gia đình. Với những người có điều kiện thì có thể đầu tư trụ gỗ tròn với giá cao hơn nhiều, khoảng 400.000 - 450.000 đồng/trụ cao từ 4 - 4,5 mét. Nguồn cung trụ rất dễ dàng, chỉ cần gọi điện cho các thương lái để đặt hàng theo yêu cầu là có xe chở trụ tới tận nhà. Còn bà Nguyễn Thị Si (ngụ khu vực Thuận An, Đắk Mil) cũng đang ý định nếu giá tiêu tiếp tục tăng cao như hiện nay thì ngoài việc phục hồi vườn tiêu sẽ có kế hoạch trồng thêm vài trăm nọc khác. Khi giá tiêu tăng thì ngay cả tiêu lép cũng được thương lái thu mua với giá 20.000 đồng/kg.
Hiện nay, vấn đề lớn nhất đối với người trồng hồ tiêu tại các tỉnh Tây nguyên không phải là giá cả mà chủ yếu vẫn là dịch bệnh. Các chủ vườn cho biết họ sợ nhất là bệnh thối gốc, chết dây hay còn gọi là bệnh chết nhanh, chết chậm. Loại bệnh này một khi xuất hiện tại vườn sẽ làm chết hàng loạt nọc tiêu, trong khi đó việc phòng và trị bệnh rất khó khăn, tốn kém và thường không mang lại hiệu quả. Trên thực tế, bệnh thường chỉ xuất hiện trên các vườn tiêu từ 3 năm tuổi trở lên. Vào mùa mưa, nấm bệnh có thể xâm nhập được hầu hết tất cả các bộ phận của cây như lá, rể, thân, nhánh... đặc biệt là phần nằm trong đất và sát mặt đất.
Để phòng bệnh, nông dân thường phun hay tưới gốc một số loại thuốc đặc hiệu, thậm chí đã kết hợp các loại thuốc đặc hiệu với nhau trong quá trình phòng, chữa bệnh nhưng hiệu quả cũng còn hạn chế. Nhiều chủ vườn tại khu vực xã Đắk Ndrung (huyện Đắk Song) vẫn còn chưa "hoàn hồn" với cây tiêu, song khi giá tiêu tăng họ cũng thấy phấn khởi, tiếp tục nuôi hy vọng vào loại cây công nghiệp này.
Khoảng 5 - 6 năm trước, nhiều chủ vườn tại khu vực này thấy giá hồ tiêu cao nên đã mạnh dạn phá bỏ vườn cà phê chuyển sang trồng hồ tiêu nhưng sau bao năm chăm sóc, cây hồ tiêu cho thu bói thì giá cả lao dốc, nhiều vườn tiêu nhiễm bệnh rồi chết sạch, để lại cho người nông dân hàng đống nợ. Theo thống kê, chỉ riêng huyện Đắk Song có hơn 15.200ha hồ tiêu, chiếm phân nửa diện tích tiêu của tỉnh Đắk Nông nhưng đã có hàng ngàn ha tiêu bị nhiễm bệnh, gây thiệt hại nặng nề.
Trên thực tế, việc tái vườn còn gặp vấn đề về giống, để tìm nguồn giống hiện nay người nông dân thường tự tay tìm đến những vườn cây còn xanh tốt, chưa có dấu hiệu bị nhiễm bệnh để xin lươn tiêu về ươm trồng, tuy nhiên cách làm này cũng chỉ thực hiện cảm quan bằng mắt thường chứ không ai dám chắc chắn giống đảm bảo sạch bệnh. Chính vì lẽ đó mà nhiều vườn ươm không dám nhân giống tiêu do tâm lý của người nông dân rất lo ngại, không tin tưởng về nguồn giống.
Được biết, hiện diện tích và sản lượng hồ tiêu tại nhiều vùng trồng tiêu đã không còn nhiều song việc mở rộng diện tích trồng tiêu cũng không được khuyến khích. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong thời điểm giá hồ tiêu tăng bất thường như hiện nay, người nông dân không vì giá tăng mà mở rộng diện tích trồng hồ tiêu như những năm 2013 - 2014. Đặc biệt, không trồng hồ tiêu ở những diện tích có điều kiện thổ nhưỡng khí hậu không thích hợp. Những vườn tiêu tái canh cần tuân thủ quy trình sản xuất, phát triển bền vững đã được cơ quan khuyến nông các địa phương triển khai.
Với thời điểm tiêu tăng giá như hiện nay thì bài học về việc mở rộng diện tích hồ tiêu một cách ồ ạt trong những năm trước vẫn còn nguyên giá trị. Trong khi giá hồ tiêu thế giới tăng cao, nhiều vùng nguyên liệu đã "bất chấp" khuyến cáo để mở rộng diện tích, tạo nguồn cung toàn cầu quá lớn so với nhu cầu tiêu thụ.
Xem thêm: lmth.917901_ueit-oh-yac-iov-cab-hnad-hcir-cur-nad-gnon/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc