Vai trò của kinh tế số
"Việt Nam cần có những tập đoàn kinh tế số mạnh nhưng phải kiểm soát bởi người Việt Nam", Chủ tịch NextTech Nguyễn Hòa Bình khẳng định trong buổi ra mắt hệ sinh thái Next360 ngày 31/3 vừa qua.
Ông Bình nhận định kinh tế số trong vòng 5 năm hay 10 năm nữa cũng sẽ là thành phần kinh tế chủ đạo của nền kinh tế. Tuy nhiên kinh tế số nguy hiểm ở chỗ sở hữu dữ liệu và hành vi thông tin của người tiêu dùng. Một ví dụ có thể thấy rõ nhất là gần đây Chính phủ Mỹ rất hạn chế những startup Trung QUốc phát triển mạnh sang nước họ nhằm bảo vệ thị trường.
Theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" do Google, Temasek và Bain công bố ngày 3/10/2019, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực: Thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.
Nền kinh tế số Việt Nam, cùng Indonesia, đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á với trung bình 38%/năm, so với 33% của cả khu vực tính từ năm 2015. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực. Việt Nam trở thành thị trường đón nhận nguồn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực (sau Indonesia và Singapore), với 600 triệu USD đầu tư từ năm 2018 đến nửa đầu năm 2019 so với tổng giá trị 350 triệu USD năm 2018 và 140 triệu USD của năm 2017.
Tháng 9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2025, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20% GDP, phát triển được một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.
Xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam
Để tạo ra được những tập đoàn kinh tế số mạnh, của người Việt theo chủ tịch NextTech các doanh nghiệp Việt phải liên kết với nhau, đầu tư, giúp đỡ lẫn nhau để tránh tương lai nền kinh tế số Việt Nam nằm trong tay người nước ngoài, bởi các doanh nghiệp nước ngoài điều khiển. Đây cũng chính là lý do mà NextTech và NextPay (nhánh fintech của tập đoàn này) liên tục đầu tư vào các startup Việt.
"Bản thân các doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn NextTech cũng đi đầu tư startup miễn là phù hợp với hệ sinh thái và chiến lược phát triển của các thành viên đó bao gồm NextPay. NextPay là nhánh về Fintech của NextTech dựa trên sự hợp nhất giữa công ty mPOS và Vimo. Nextpay là một trong những công ty fintech có hiệu quả cao nhất thị trường Việt Nam về mặt tài chính. Có nghĩa là NextPay hoạt động có tăng trưởng ở quy mô cao và có lợi nhuận tốt", shark Bình cho biết thêm.
Bên cạnh mục tiêu xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam, NextPay cho biết sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp vừa nhỏ và siêu nhỏ. Theo khảo sát của NextTech, cộng đồng doanh nghiệp này đang chiếm đến 96,7% số doanh nghiệp, đóng góp 40% GDP và giải quyết 60% việc làm tại Việt Nam lại chưa được hưởng nhiều thành quả từ tiến trình chuyển đổi số do ít kinh phí và sự thiếu tập trung phục vụ của các nhà cung cấp giải pháp vốn chú trọng nhiều đến khối Chính phủ và Doanh nghiệp vừa-lớn có ngân sách cao hơn.
Để khắc phục thực trạng đó nhằm thúc đẩy khái niệm Chuyển Đổi Số Toàn Diện (Transformation Inclusion), NextPay xây dựng Hệ sinh thái Next360 dành riêng cho đối tượng SME với gần 20 sản phẩm Chuyển Đổi Số trong 4 mảng nghiệp vụ chính, gồm bán hàng, quản trị doanh nghiệp, mảng thanh toán, mảng nguồn hàng và vốn.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị