Doanh nghiệp gỗ cao su đẩy mạnh sản phẩm tinh chế
Nam Bình
(KTSG Online) – Theo kế hoạch của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, dù không có sự biến động lớn về sản lượng sản xuất nhưng doanh thu của các doanh nghiệp trực thuộc vẫn tăng 30% và lợi nhuận trước thuế tăng 40% trong giai đoạn 5 năm tới. Có được điều này nhờ các doanh nghiệp thành viên chuyển hướng sang phát triển các sản phẩm tinh chế thay vì chỉ xuất khẩu gỗ thô, ván ép, phôi gỗ...
Kín đơn hàng đến hết tháng 6
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Thanh Được, Giám đốc Công ty cổ phần Gỗ Dầu Tiếng thông tin, năm 2020, sản lượng gỗ ván ghép tấm, phôi cao su giảm tương ứng 8% và 19%. Thế nhưng, sản lượng sản phẩm gỗ tinh chế của doanh nghiệp này đạt đến 138% kế hoạch năm, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2019.
Đẩy mạnh sang sản xuất các sản phẩm gỗ tinh chế, sản phẩm nội thất cao cấp phục vụ xuất khẩu tới các thị trường như Mỹ, Úc, Anh... cũng là định hướng phát triển của doanh nghiệp này.
Theo ông Được, nhà máy sản xuất các sản phẩm nội thất của doanh nghiệp hiện đã tận dụng hết 100% công suất. Trong thời gian tới, để đảm bảo doanh thu, lợi nhuận và ổn định việc làm cho người lao động, doanh nghiệp này đang lập dự án xây dựng thêm một nhà máy sản xuất các sản phẩm gỗ tinh chế trên diện tích 10ha tại nông trường Đoàn Văn Tiến (thuộc xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương).
“Hiện nhà máy sản xuất tới đâu, xuất khẩu đến đó và đơn hàng đã kín đến hết tháng 6 năm nay", ông Được thông tin.
Bà Lê Thị Xuyến, Tổng giám đốc Công ty Chế biến gỗ Thuận An (trái) giới thiệu sản phẩm gỗ nội thất với khách hàng. Ảnh: Nam Bình |
Tại Công ty Chế biến gỗ Thuận An, bà Lê Thị Xuyến, Tổng giám đốc công ty cũng thông tin, nhờ chuyển hướng đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm nội thất cao cấp, doanh nghiệp này đã nhận được số lượng đơn hàng dồi dào ngay từ đầu năm 2021.
Theo bà Xuyến, hiện số lượng đơn hàng đã vượt gần 30% công suất của nhà máy. Khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn hoành hành, nhiều người làm việc tại nhà nên có nhu cầu trang trí nội thất, làm mới không gian sống… Gỗ Thuận An nhờ đáp ứng được các nhu cầu về sản phẩm nội thất và nhanh chóng phát triển kênh bán hàng online nên đã có thêm được rất nhiều khách hàng mới.
Hiện các sản phẩm của gỗ Thuận An chủ yếu đi những thị trường cao cấp như Mỹ (chiếm đến 40% sản lượng sản xuất), Anh (15%) và phần còn lại là các thị trường khác.
Tại buổi giới thiệu về Vietnam Furniture Matching Week - Tuần lễ giao thương quốc tế ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ hồi giữa tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) thông tin, năm 2020 Việt Nam đã vượt qua Ba Lan, Đức, Ý để vươn lên vị trí thứ 2, chỉ sau Trung Quốc, trong tốp các quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới.
Đại diện HAWA cho rằng, tín hiệu tốt cho ngành gỗ là nếu như 3 năm trước, các nhà mua hàng thế giới khi xếp lịch đến tìm hiểu nơi sản xuất thường sẽ chọn tới Trung Quốc trước, sau đó mới đến Việt Nam thì hiện nay đã ngược lại.
Nguyên nhân là nhờ doanh nghiệp Việt gần đây có sự thay đổi rất lớn về mẫu mã và phong cách bán hàng, đồng thời bắt kịp những tiêu chuẩn xuất khẩu và chủ động marketing sản phẩm. Sắp tới, trong tháng 4 này, HAWA sẽ tổ chức một số sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại online giúp doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng mới.
Tập trung đầu tư vào gỗ tinh chế
Theo đánh giá của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), xuất khẩu gỗ cao su đang có nhiều tiềm năng, triển vọng và lợi thế để phát triển. Đây là lĩnh vực có biên lợi nhuận khá tốt, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam và các nước đang thắt chặt chính sách đóng cửa rừng, nhu cầu về sản phẩm sản xuất từ gỗ cao su sẽ tăng vì đây là nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp.
Mặc dù vậy, cái khó của các doanh nghiệp gỗ là diện tích rừng cao su ngày càng giảm, trong tương lai không xa, nguồn gỗ cao su cung cấp cho sản xuất, chế biến cũng sẽ không còn.
Như tại Bình Dương, ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Cao su Dầu Tiếng, cho hay hiện nay công ty đang quản lý khoảng 29.000ha cao su nhưng đến năm 2030, diện tích này sẽ được thu hẹp còn khoảng 15.000ha hoặc ít hơn để dành đất cho phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Khi đó, diện tích vườn cây cao su thanh lý hằng năm sẽ giảm mạnh, nguồn cung gỗ cao su cho các nhà máy sẽ thiếu hụt.
Ông Huỳnh Tấn Siêu, Trưởng ban công nghiệp của VRG cho rằng, để giữ được mức tăng trưởng cho doanh nghiệp khi nguồn nguyên liệu đầu vào ngày càng hạn chế, mục tiêu của VRG trong 5 năm tới là tăng gấp đôi sản phẩm tinh chế so với hiện nay thay vì chỉ sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm gỗ thô.
Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty CP gỗ Dầu Tiếng (Bình Dương). Ảnh: Nam Bình |
Theo đó, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị, quan tâm công tác quảng bá sản phẩm. Công tác nghiên cứu sản phẩm mới cũng sẽ chú trọng sáng tạo cả không gian nội thất, tạo ra giải pháp cho khách hàng thay vì chỉ chú trọng vào một số sản phẩm riêng biệt. Đây cũng là xu hướng mới của ngành gỗ hiện nay.
“Trong 5 năm tới, các nhà máy tinh chế gỗ sẽ được đầu tư với quy mô lớn trên nền các nhà máy hiện có, hoặc mở rộng quy mô, mua lại các doanh nghiệp đã có thương hiệu trên thị trường...”, ông Siêu nói về kế hoạch phát triển các nhà máy chế biến sâu sản phẩm gỗ thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Ngoài ra, VRG cũng dự định sẽ hình thành một khu công nghiệp với quy mô lớn chuyên về ngành chế biến gỗ tại khu vực Đông Nam bộ trong thời gian tới. Khi đó, các nhu cầu về nhà cung ứng dịch vụ logistic, bộ phận thiết kế chuyên nghiệp... sẽ được cung cấp để các doanh nghiệp gỗ trong khu vực có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Xem thêm: lmth.ehc-hnit-mahp-nas-hnam-yad-us-oac-og-peihgn-hnaod/680513/nv.semitnogiaseht.www