Thời gian qua, thông tin từ huyện lên quận, quy hoạch khu đô thị, xây cầu, làm sân bay, cao tốc… đã được các “cò” đất, đầu nậu lợi dụng thổi giá đất, tạo sốt đất ở nhiều địa phương.
Mới đây, chia sẻ với báo chí, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần có công cụ thuế để điều tiết thị trường bất động sản (BĐS), tránh xảy ra sốt đất, gây hệ lụy lớn đến kinh tế - xã hội.
Đánh thuế khu vực sốt đất
Một đại biểu Quốc hội phân tích: Tại nhiều khu vực, các mảnh đất gia tăng lợi thế địa tô do được Nhà nước đầu tư về hạ tầng, thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Do đó, bản chất của việc gia tăng giá trị của đất khu vực đó là do Nhà nước nên Nhà nước phải thu hồi chênh lệch lợi thế địa tô.
Đại biểu lấy ví dụ ở một số nước định ra mức thuế cao để điều tiết giá trị gia tăng thêm của các khu đất. Việt Nam nên nghiên cứu ban hành một loại thuế đánh vào việc thay đổi giá trị của đất do lợi thế địa tô. Việc đánh thuế mạnh có thể dùng để kiểm soát sốt đất.
“Chúng ta tạo ra một chính sách thuế tốt để người mua hay đầu cơ sẽ không hưởng lợi từ việc đó, thay vì thả nổi như hiện nay, mới xử lý được vấn đề” - vị này nói.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc kênh thông tin Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam, cũng cho rằng công cụ thuế có thể được dùng để siết đầu cơ BĐS.
Cách thứ nhất là đánh thuế cố định khi mua căn nhà thứ hai, phương án này đã được rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Thứ hai, đánh thuế lũy tiến từ căn nhà thứ hai, có nghĩa là nếu một cá nhân sở hữu càng nhiều căn nhà thì mức thuế áp dụng sẽ tăng dần dựa theo số nhà sở hữu. Ví dụ căn nhà thứ hai là 3%, căn nhà thứ ba là 5%...
Phương án thứ ba là có thể đánh thuế lũy tiến tùy theo giá trị của căn nhà từ căn nhà thứ hai trở lên. Thứ tư là phương án tăng thuế chuyển nhượng BĐS khi chuyển nhượng từ hai lần trở lên.
“Phương án thứ năm là đánh thuế trên giá trị gia tăng hằng năm. Với hình thức đánh thuế cho phần gia tăng hằng năm sẽ hạn chế được đầu cơ nắm giữ BĐS và tích lũy tài sản. Tuy nhiên, để áp dụng hình thức này ở Việt Nam thì vẫn còn nhiều việc cần phải làm” - ông Tuấn phân tích.
Một nhóm môi giới bất động sản giới thiệu sản phẩm với khách hàng trong đợt sốt đất Bình Phước hồi tháng 2. Ảnh: LÊ ÁNH
Cần quản lý giao dịch
Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều chuyên gia thì công cụ thuế là áp dụng chung cho cả nước, không chỉ một số khu vực. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính kinh tế, cho rằng sử dụng đánh thuế để trị sốt đất chỉ mới giải quyết phần ngọn. Phải tìm hiểu, xác định được nguyên nhân gốc của tình trạng sốt đất mới có giải pháp hiệu quả.
Theo ông Thịnh, sốt đất xảy ra ở nhiều nước chứ không riêng Việt Nam. Một số lý do dẫn đến sốt đất là đất đai có hạn mà dân số ngày càng tăng; các kênh đầu tư như chứng khoán, trái phiếu rủi ro cao hơn nên nhà đầu tư thích BĐS; thông tin quy hoạch đã tạo cơ hội cho đầu cơ, đầu nậu thổi giá đất…
Để giải quyết tận gốc, ông Thịnh cho rằng cần có chính sách vĩ mô quản lý dòng chảy của tiền, làm sao thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tiền phải chảy vào sản xuất. Như vậy, cần xem xét điều chỉnh lãi suất huy động phù hợp theo thị trường, lãi suất cũng phải hợp lý để hỗ trợ sản xuất. Như vậy dòng tiền không bị cuốn về BĐS để dẫn đến sốt đất.
Việc đánh thuế căn nhà thứ hai, ông Thịnh cho rằng không hợp lý với thực tế vì người có căn nhà thứ hai chưa hẳn đã là người giàu. Ví dụ một căn nhà đứng tên nhiều người, họ đứng tên nhưng nhà diện tích nhỏ, hoặc căn nhà thứ hai giá trị thấp, chỉ vài chục mét vuông trong khi người có một biệt thự vườn hàng ngàn mét vuông thì không bị đánh thuế.
“Để trị sốt đất, về lâu dài cần chính sách địa phương quản lý chặt chẽ các giao dịch chuyển nhượng BĐS, đảm bảo không thất thu thuế” - ông Thịnh nói.
Đồng tình, chuyên gia thuế Trần Xoa cũng cho rằng nếu áp thuế cho từng khu vực sẽ không đảm bảo tính công bằng, chưa kể phát sinh tiêu cực, không minh bạch. Việc thất thu thuế hiện nay một phần là do người mua và người bán bắt tay nhau, khai sai giá trị tài sản chuyển nhượng. Vì vậy, cơ quan chức năng phải quản lý được các giao dịch chuyển nhượng, đúng giá trị BĐS, đảm bảo phải nộp thuế đầy đủ.
Bộ TN&MT chỉ đạo kiểm soát giao dịch ảo, thổi giá Bộ TN&MT vừa gửi công văn đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất. Bộ đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở TN&MT và các sở, ngành liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án BĐS, nhất là BĐS hình thành trong tương lai. Bên cạnh đó, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới BĐS đảm bảo tuân thủ đúng quy định. Việc công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch phải thực hiện để người dân nắm được thông tin, tránh để giới đầu cơ lợi dụng nhằm đẩy giá đất. Bộ TN&MT cũng đề nghị các cơ quan cần thực hiện nghiêm quy định về đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất… để thu thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá BĐS. Ngoài ra cần đẩy mạnh việc tuyên truyền các quy định về đầu tư đất đai, kinh doanh BĐS. UBND các tỉnh, TP có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 31-5. |