Theo thống kê, tính đến ngày 10/1/2021, tiền sính lễ tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc trung bình là 250 nghìn tệ (tương đương 881 triệu đồng), trong khi đó 10 năm trước là 160 nghìn tệ (tương đương 564 triệu đồng).
"Các gia đình ở Giang Tây đều có thói quen tiết kiệm 'tiền lấy vợ' cho con trai từ rất sớm, nếu không đủ còn phải đi vay mượn. Ngược lại, nhà nào có con gái thì sẽ chẳng phải lo lắng đến vấn đề đó." - Giang Trù, 1 chàng trai đã lập gia đình ở Giang Tây cho biết.
Tình trạng vay mượn tiền sính lễ rất phổ biến ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc
Vào ngày 16/3/2021, Ngân hàng Cửu Giang (thuộc thành phố Cửu Giang, Trung Quốc) đã cho ra mắt 1 sản phẩm mới gây chú ý mang tên "Cho vay sính lễ". Trong đó, ngân hàng có thể cho khách hàng vay đến 300 nghìn tệ (tương đương 1,05 tỷ đồng), thời hạn tối đa 1 năm và lãi suất chỉ 4,9%. Đồng thời, khoản vay có thể được sử dụng cho những việc như đi hưởng tuần trăng mật, mua xe, mua đồ trang sức và các đồ gia dụng.
Chỉ trong 1 thời gian ngắn, gói sản phẩm mới ấy đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Tuy nhiên, đáp lại sự nồng nhiệt chào đón của khách, ngân hàng lại đưa ra thông báo "chưa chính thức ra mắt" vào ngày 18/3 và bày tỏ sản phẩm vẫn đang trong giai đoạn thiết kế và tính toán.
Giang Trù là 1 trong số rất nhiều những thanh niên phải đi vay mượn tiền để cưới vợ. Anh là người quê gốc ở tỉnh Giang Tây, sau khi trở thành "con nợ" bèn lập tức lên đường đến Bắc Kinh để làm việc kiếm tiền trả nợ sính lễ.
Ảnh minh họa
"Thu nhập ở Giang Tây rất thấp, trong khi đó áp lực nợ nần quá cao. Vì vậy, tôi chọn làm việc ở Bắc Kinh" - Giang Trù kể.
Sau khi đến Bắc Kinh, anh làm đủ mọi việc, sống theo phương châm "cần cù, siêng năng và tiết kiệm". Giang Trù cứ miệt mài làm việc cho tới 3 năm sau mới trả hết nợ.
Phí kết hôn giá trên trời
Tiền sính lễ ở tỉnh Giang Tây dao động từ 120 nghìn tệ (tương đương 423 triệu đồng) cho đến 888 nghìn tệ (tương đương 3,1 tỷ đồng).
"Nếu như điều kiện kinh tế kém, trình độ học vấn thấp và không có công ăn việc làm ổn định thì rất khó để lấy được vợ." - Giang Trù nói.
Chuẩn bị tiền sính lễ là 1 trong những phong tục của người Trung Quốc. Được biết, ngoài tỉnh Giang Tây, các tỉnh khác cũng có những yêu cầu nhất định. Ví dụ, tại tỉnh Tứ Xuyên số tiền phải chuẩn bị khoảng 60 nghìn tệ (tương đương 212 triệu đồng) đến 100 nghìn tệ (tương đương 353 triệu đồng). Tuy nhiên, so với mặt bằng chung thì tỉnh Giang Tây lại đòi tiền sính lễ cao hơn những nơi khác.
So với mặt bằng chung, yêu cầu sính lễ của tỉnh Giang Tây lại phong phú và nhiều hơn những tỉnh thành khách
Vấn đề sính lễ ở tỉnh Giang Tây đang gây tranh cãi khá nhiều, bởi có 1 số trường hợp nhà trai đưa sính lễ 300 nghìn tệ (tương đương 1,05 tỷ đồng) bị nhà gái trả về và đòi gấp 3 lần.
"Nhà gái có điều kiện càng kém thì sẽ thách cưới càng cao. Hoặc điều kiện nhà trai càng kém thì bị thách cưới cũng nhiều hơn." - Giang Trù phân tích.
Thông thường, sau khi nhà trai chuẩn bị đủ sính lễ thì nhà gái cũng phải chuẩn bị của hồi môn tương ứng. Những năm gần đây, do giá nhà đất tăng cao nên cũng có trường hợp 2 bên gia đình mua nhà chung và không yêu cầu các khoản thanh toán khác. Nhưng tại thị trấn Cám Châu, tỉnh Giang Tây lại phá vỡ sự cân bằng đó.
"Thị Trấn Cám Châu không hề có khái niệm của hồi môn đúng nghĩa. Nhà trai phải chịu trách nhiệm về chi phí tiệc cưới, mua nhà mua xe, còn nhà gái có chăng chỉ mang 3 chiếc chăn bông đến gia đình mới, coi đấy như là của hồi môn." - Giang Trù cho biết.
Áp lực kinh tế nặng nề khiến cho nhiều thanh niên tỉnh Giang Tây chọn ở 1 mình
"Xung quanh tôi có rất nhiều người từ 20-30 tuổi vẫn cô đơn. Trong đó, 1 số cố gắng kiếm tiền nhưng vẫn không đủ, 1 số từ bỏ ý định kết hôn. Ngoài ra, phong tục tặng sính lễ đã khiến cho người dân ở nơi đây trở nên bảo thủ và rất tiết kiệm." - Giang Trù tiết lộ.
Phá dỡ và đô thị hóa cũng là 1 trong những nguyên nhân làm tăng giá nhà đất ở các thành phố cấp quận và huyện. Trong khi đó, hiện nay kết hôn lại yêu cầu phải có nhà trong quận, đó cũng là nguyên nhân khiến giá nhà tăng lên. Giá nhà ở thị trấn Cám Châu rơi vào khoảng 1,3 triệu tệ (tương đương 4,6 tỷ đồng) cho một căn rộng 120m2 với 4 phòng ngủ và 1 phòng khách.
Tại sao tiền sính lễ lại cao như vậy?
Có 4 lý do chính khiến tiền sính lễ ngày càng bị đẩy giá lên cao: Nơi càng nghèo, tiền sính lễ càng cao; mất cân bằng giới tính khiến hôn nhân trở thành "thị trường" của phụ nữ; tỉ lệ di cư không đồng đều khiến cho việc phân bổ giới tính bị mất cân bằng, và sự khác biệt giữa đi xem mắt với yêu đương tự do.
"Cơ chế định giá" sính lễ ở Giang Tây không rõ ràng
Trên Zhihu (website hỏi đáp của Trung Quốc), có người từng tính như sau: "Gia đình đã nuôi tôi 25 năm. Mỗi năm tốn 20 nghìn tệ (tương đương 70,6 triệu đồng), vì vậy yêu cầu sính lễ 500 nghìn tệ (tương đương 1,7 tỷ đồng) không hề nhiều chút nào."
Có người còn nói: "Cách đây 1 thời gian, tôi có nghe bố tôi kể rằng 'giá sàn' cho sính lễ ở tỉnh Giang Tây là 160 nghìn tệ (tương đương 565 triệu đồng)."
1 cư dân mạng khác bày tỏ quan điểm: "Giang Tây ban đầu không yêu cầu sính lễ cao đến vậy. Đời bố mẹ tôi về cơ bản làm nghề giết mổ lợn đã được coi là giàu có. Cho đến năm 2011, tiền sính lễ bắt đầu 'bùng nổ' và đến năm 2016 leo thang lên cao chót vót."
Ảnh minh họa
Giang Trù cho biết, phụ nữ đã "qua 1 lần đò" vẫn thách cưới được với giá cao đang là hiện tượng không hiếm thấy ở tỉnh Giang Tây.
"Tôi có 1 người anh họ đi xem mắt, đối phương đã qua 1 đời chồng và còn mang theo đứa con 1 tuổi đến. Anh tôi đưa ra mức 200 nghìn tệ (tương đương 700 triệu đồng) nhưng bị người phụ nữ đó từ chối. Khi về nhà hỏi ra mới biết là do chị ấy 'kén chọn' không thích anh họ tôi." - Dương Liễu, 1 người trong tỉnh Giang Tây kể.
Sau đám cưới, nai lưng làm để trả nợ
Đi đôi với vấn đề sính lễ ở Giang Tây cao, thì sức mạnh kinh tế của nơi đây có đủ đáp ứng hay không?
Theo số liệu thống kê vào năm 2020 thì Giang Tây không phải là 1 tỉnh giàu có. Giang Tây chỉ đứng thứ 15 trong số 31 các tỉnh thành của Trung Quốc. Đồng thời, trong số 24 tỉnh được Hiệp hội thống kê phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Trung Quốc năm 2020 công bố, thu nhập bình quân đầu người của người dân tỉnh Giang Tây chỉ đứng thứ 15.
Vào ngày đính hôn, người đàn ông sẽ lấy 1 cái bàn lớn hoặc giường để rải tiền và quà rồi đặt ở giữa, người phụ nữ có địa vị nhất trong gia đình (thường là bà ngoại) sẽ "sàng lọc" sính lễ
"Thử làm 1 phép tính như sau, 1 gia đình bắt đầu tiết kiệm từ khi khi con trai chào đời đến lúc kết hôn năm 22 tuổi được khoảng 600 nghìn tệ (tương đương 2,1 tỷ đồng). Nếu con trai ra ngoài làm việc, kiếm được 6.000-7.000 tệ mỗi tháng (tương đương 21-24 triệu đồng), làm việc trong suốt 5 năm và tiêu pha dè sẻn có thể để ra được 300-400 nghìn tệ (tương đương 1,05-1,4 tỷ đồng). Nhưng đấy chỉ là trên lý thuyết." - Giang Trù nói.
Vào tháng 6/2020, thị trấn Nghi Xuân, tỉnh Giang Tây đã ban hành văn bản nhằm khống chế sính lễ giá cao. Trong đó có quy định quà cưới không được vượt quá 99 nghìn tệ (tương đương 350 triệu đồng), tiệc không quá 10 bàn, mỗi bàn không quá 380 tệ (tương đương 1,3 triệu đồng).
"Thực tế khi cưới hỏi, nhà gái vẫn đòi sính lễ cao và chẳng cơ quan pháp luật nào điều tra việc đó." - Giang Trù thẳng thắng chia sẻ.
Ngoại trừ các quy định của địa phương. Bộ luật Dân sự Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 cũng áp dụng các hạn chế đối với "lạm phát sính lễ". Điều 1042 của Bộ luật Dân sự này quy định rằng không được đẩy phí kết hôn lên cao, đồng thời nếu 2 bên chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc có làm thủ tục kết hôn nhưng chưa chung sống với nhau thì vẫn được quyền yêu cầu trả lại tiền sính lễ.
Tuy nhiên, các quy định của Bộ luật Dân sự có rất ít ảnh hưởng đến tỉnh Giang Tây, bởi yêu cầu sính lễ là phong tục đã tồn tại lâu đời ở nơi đây.
Nguồn: QQ
Nguyên Dũng TT
Tri thức trẻ