vĐồng tin tức tài chính 365

Kẻ cứu rỗi hay tội đồ?

2021-04-02 11:12

Kẻ cứu rỗi hay tội đồ?

Nguyễn Vũ

(KTSG) - Ngành sản xuất âm nhạc nay hầu như dựa vào các dịch vụ “streaming” như Spotify, Apple Music để sống sót khi người nghe không còn thói quen ra tiệm mua đĩa CD về bỏ vào máy để thưởng thức nữa nhưng giới nghệ sĩ ngày càng phản đối các dịch vụ này vì cho rằng chúng đang “bóp hầu nặn họng” họ đến đồng thu nhập cuối cùng.

Theo Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Mỹ, doanh số album ở dạng đĩa CD đã sụt giảm đến 97% kể từ đỉnh cao vào năm 2000, năm 2020 chỉ có 31,6 triệu album được bán ra tại Mỹ, chiếm chưa đầy 4% doanh thu của ngành âm nhạc. Trong khi đó doanh thu từ dịch vụ “streaming”, tức nghe nhạc trực tuyến tăng 83%, đạt mức 10,1 tỉ đô la vào năm 2020; trong đó riêng Spotify và Apple Music đã chiếm đến 7 tỉ đô la.

Mặc dù chỉ là nơi trung gian, các nơi này hớt ngay 30% doanh thu, 70% còn lại chia nhỏ cho rất nhiều người, từ các hãng băng đĩa đang nắm quyền khai thác rồi mới đến nhạc sĩ, ca sĩ. Hiện nay Spotify có trong tay chừng 7 triệu nghệ sĩ có tác phẩm trên nền tảng của họ nhưng chỉ có chừng 13.000 người được Spotify chia trả từ 50.000 đô la trở lên mỗi người trong một năm.

Chính vì thế, vào giữa tháng 3, Liên đoàn các nhạc sĩ và nhân viên ngành âm nhạc đã tổ chức hàng chục cuộc biểu tình trước trụ sở Spotify ở 31 thành phố khắp thế giới để phản đối, đòi hỏi nơi này phải minh bạch hơn trong việc kinh doanh và áp dụng mô hình chi trả dựa vào người dùng. Họ cũng đã thu thập hơn 28.000 chữ ký của các nghệ sĩ và những nhân vật khác trong ngành âm nhạc ủng hộ đòi hỏi của họ.

Tại buổi lễ trao giải Grammy năm nay, người dẫn chương trình Trevor Noah đã nói nửa đùa nửa thật trong tiếng cười đồng tình của đồng nghiệp: “Trong cái thế giới streaming mới này, nếu một nghệ sĩ sáng tạo ra đĩa đơn hoàn hảo, được tải về nghe hàng tỉ, tỉ lần, đem về cho họ đâu chừng 2 hay 3 đô la gì đó”.

Thật ra với Spotify hay Apple Music, rất nhiều ca sĩ, nhạc sĩ có được một nguồn thu ổn định hàng tháng mà trước đó họ không thể có được vì các tác phẩm của họ đã phát hành từ lâu, không còn trên thị trường nữa. Với nhiều ca sĩ ở các nước mà công nghiệp âm nhạc chưa phát triển, Spotify và Apple Music là kênh đưa âm nhạc của họ đến tay người hâm mộ một cách nhanh nhất, chất lượng nhất và ít tốn kém nhất. Tuy nhiên, người thua thiệt vẫn là số đông nghệ sĩ không nổi tiếng ở mức độ như Beyonce. Họ giận dữ vì nguồn thu của họ qua streaming còn lại rất ít ỏi so với các hình thức kinh doanh khác trước đây.

Theo tờ Business Insider, Spotify trả cho nghệ sĩ 0,0033 đô la mỗi lần có người nghe nhạc của họ, tức phải có chừng 250 lượt nghe thì người nghệ sĩ này mới thu về 1 đô la. Các dịch vụ streaming khác trả cao hơn như Apple Music, đâu chừng 0,012 đô la mỗi lượt nghe.

Công thức tính toán của các dịch vụ này cũng đơn giản: họ cộng hết tiền thu từ người nghe có trả phí, tiền quảng cáo rồi chia cho tổng số lượt nghe. Ví dụ, tháng đó có 100 triệu lượt nghe và Billie Eilish chiếm đến 10 triệu lượt thì cô ca sĩ này sẽ được chia 10% tổng mức chi trả của Spotify. Vì thế các nghệ sĩ được ưa chuộng có mức thu nhập rất cao, bất kể người nghe là ai, tập trung ở khu vực nào.

Từ đó mới nảy sinh một nghịch lý: các fan của Billie Eilish chẳng hạn, nghe nhạc của cô suốt ngày, nghe hết tiền phí họ trả hàng tháng, ăn thâm qua phí người khác trả nhưng không nghe Billie Eilish. Cho nên rất có thể xảy ra tình huống người nghe ở Thái Lan trả tiền cho người nghe ở Mỹ để Spotify chi cho các ca sĩ nổi tiếng như Taylor Swift trong khi phần chi cho ca sĩ Thái teo tóp lại.

Từ đó mới có đề xuất mô hình chi trả dựa vào người nghe, tức ví dụ một người trả hàng tháng 9,99 đô la và chỉ nghe một ca sĩ ít nổi tiếng nào đó thì cả 9,99 đô la này (trừ phí hoa hồng) phải thuộc về người ca sĩ kia. Theo một nghiên cứu, các bài hát từ các ca sĩ được ưa chuộng nhất chỉ chiếm 0,4% kho nhạc của Spotify nhưng chiếm đến 9,9% tiền do Spotify chia; còn nếu áp dụng mô hình dựa vào người nghe thì tỷ lệ đó chỉ còn 5,4%.

Tỷ lệ chi trả của Spotify cũng thay đổi theo thời gian, năm 2014 họ trả bình quân 0,0052 đô la/lượt, hai năm sau giảm còn 0,0043 đô la và đến năm 2017 chỉ còn 0,0039 đô la/lượt stream. Spotify cũng tính mức chi trả tùy vào vị trí địa lý của người nghe. Ví dụ theo iGroove, người nghe ở Mỹ trả 0,0035 đô la cho mỗi lượt nghe còn người nghe ở Ý sẽ trả 0,0019 đô la.

Dù phản đối, các nghệ sĩ khó lòng tẩy chay Spotify hay Apple Music vì các nền tảng này đã trở thành nơi quen thuộc của mọi người khi họ muốn nghe nhạc. Ngay cả Taylor Swift tuyên bố nghỉ chơi với Spotify vào năm 2014 sau khi ra mắt album “1989” thì đến năm 2017 phải quay về “mái nhà xưa”. 

Xem thêm: lmth.od-iot-yah-ior-uuc-ek/930513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kẻ cứu rỗi hay tội đồ?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools