Có tình trạng người nước ngoài đầu tư chui tại các địa bàn trọng yếu
Đào Loan
(KTSG Online) - Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong du lịch trong tình hình mới. Trong đó, đề cập đến tình trạng nước ngoài đầu tư chui tại các địa bàn trọng yếu về an ninh quốc phòng và yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch (BVHTTDL) chuẩn bị các điều kiện để phục hồi du lịch.
Du khách nước ngoài tại chợ nổi Cái Bè trước dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Ngọc Duy |
Đầu tư chui, tội phạm nước ngoài qua đường du lịch tăng
Theo Chỉ thị số 10/CT-TTg về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới, ngành du lịch Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ nhưng đã xuất hiện một số vấn đề.
Trong đó, cơ chế, chính sách pháp luật còn "kẻ hở" để các tổ chức, cá nhân nước ngoài và trong nước lợi dụng hoạt động vi phạm pháp luật, đặc biệt là tình trạng người nước ngoài mua bán, thuê mượn tư cách pháp nhân để đầu tư chui tại các địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh.
Công tác quản lý du khách nước ngoài vào Việt Nam và khách Việt đi nước ngoài còn hạn chế, bất cập khiến tội phạm nước ngoài vào Việt Nam qua đường du lịch tăng. Các hình thức phạm tội được ghi nhận là tổ chức đánh bạc, lừa đảo trên mạng, sản xuất, mua bán ma túy xuyên biên giới, xuất nhập cảnh trái phép...
Dự báo, trong thời gian tới sẽ có những hệ lụy về an ninh, xã hội và môi trường vì tình hình hình thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp và xu hướng mở cửa, thu hút đầu tư, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh để phát triển du lịch được đẩy mạnh khi đại dịch được kiểm soát.
Từ đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nhiều bộ, ngành, địa phương xử lý các vấn đề còn tồn tại, bao gồm phòng, chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế, rửa tiền, ô nhiễm môi trường; xử lý dứt điểm các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội tại các địa bàn trọng điểm về du lịch.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngăn chặn hoạt động của nước ngoài tác động vào nội bộ Việt Nam qua đường du lịch; phòng, chống tình trạng tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong lĩnh vực du lịch.
Thêm vào đó là rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan trong lĩnh vực du lịch để có thể tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và khách nước ngoài vào Việt Nam nhưng không để các loại tội phạm lợi dụng hoạt động du lịch để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Chẳng hạn, với vấn đề đầu tư chui và thuê mượn tư cách pháp nhân, người đứng đầu chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong quá trình thẩm định, cấp phép cho các dự án đầu tư du lịch có yếu tố nước ngoài, liên quan đến quốc phòng an ninh; hoạt động của nước ngoài trong góp vốn, đầu tư, sáp nhập doanh nghiệp và vấn đề mua, bán, thuê mượn tư cách pháp nhân để đầu tư chui.
Chuẩn bị để phục hồi du lịch
Trong chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu BVHTTDL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục rà soát, đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về du lịch.
Trong đó, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý ngành; kiến nghị các biện pháp quản lý khách du lịch, đặc biệt là khách tự do, khách được miễn thị thực cùng biện pháp quản lý các loại hình lưu trú, du lịch mới, kinh doanh tour du lịch "giá rẻ”.
BVHTTDL chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực...để phục hồi du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Bộ Ngoại giao sẽ là cơ quan chủ trì, đề xuất chính phủ áp dụng chính sách miễn thị thực phù hợp cho người nước ngoài vào Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý việc cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, trang trại du lịch...
Bộ này cũng phải xử lý những hành vi gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; xử lý các dự án đầu tư du lịch có nguy cơ cao phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến tài nguyên du lịch và đời sống xã hội.
Bộ Công Thương sẽ là cơ quan chủ trì trong việc tăng cường rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về thương mại điện tử của các thương nhân, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam trong lĩnh vực du lịch; các hình thức cung ứng dịch vụ xuyên biên giới trên môi trường trực tuyến, đại lý du lịch trực tuyến…
Mời đọc thêm:
Việt Nam nối lại đường bay đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan từ tháng 7 tới
Phuket mở cửa cho du khách đã tiêm vaccine, không yêu cầu cách ly
Chính phủ chi thêm 1.237 tỉ đồng mua, tiêm vaccine ngừa Covid-19