Kỳ vọng nhu cầu phục hồi nhanh, OPEC+ nhất trí tăng dần sản lượng dầu
Khánh Lan
(KTSG Online) - Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh dẫn đầu là Nga (hay còn gọi là nhóm OPEC+) nhất trí tăng dần sản lượng dầu trong những tháng tới khi họ đặt cược ở mức thận trọng về đà hồi phục nhu cầu trong mùa hè tới nhờ nền kinh tế toàn cầu bật dậy mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng Covid-19.
OPEC và các nước đồng minh nhất trí tăng dần sản lượng dầu trong những tháng tới. Ảnh: Business Today |
OPEC+ tự tin hơn về triển vọng nhu cầu dầu
Sau cuộc họp trực tuyến hôm 1-4, nhóm OPEC+ cho biết họ đồng ý tăng sản lượng hơn 2 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7. Theo đó, nhóm liên minh 23 nước của OPEC+, dẫn đầu là Saudi Arabia và Nga, sẽ tăng sản lượng 350.000 thùng/ngày trong tháng 5 và tiếp tục tăng sản lượng thêm ở mức tương tự vào tháng 6 và cuối cùng, tăng thêm 441.000 thùng/ngày nữa vào tháng 7.
Ngoài ra, Saudi Arabia sẽ rút dần một cam kết riêng, tự nguyện giảm 1 triệu thùng/ngày bằng cách tăng dần sản lượng dầu thêm 1 triệu/ngày trong vòng 3 tháng tới. Hồi đầu ngoái, OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu ở mức kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày để ứng phó cú sụp đổ nhu cầu do tác động của đại dịch Covid-19. Mức cắt giảm này nới lỏng dần về mức 7,2 triệu/ngày vào tháng 1-2021. Ngoài ra, Saudi Arabia tự nguyện giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 2-2021.
Với thỏa thuận mới, mức cắt giảm sản lượng dầu của OPEC và các nước đồng minh so với trước đại dịch sẽ lùi về mức khoảng 6 triệu thùng/ngày trong 3 tháng tới.
Khi giá dầu thô duy trì ổn định ở trên mức 60 đô la Mỹ/thùng, OPEC và các nước đồng minh đang chịu áp lực bơm nhiều dầu hơn để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế toán cầu đang đang tăng tốc phục hồi. Vào đầu tuần này, giới phân tích vẫn kỳ vọng OPEC + sẽ kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu khoảng 8 triệu thùng/ngày hiện nay, bao gồm mức giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/này.
Tuy nhiên giờ đây, Saudi Arabia, nước lãnh đạo trên thực tế của OPEC và các đồng minh, cảm thấy tự tin hơn về đà phục hồi vững chắc của nhu cầu dầu khi các nước như Mỹ mở rộng nhanh chóng các chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19.
“Có những sự cải thiện rõ nét ngay cả những ngành chịu tác nặng nề trong đại dịch như hàng không”, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Abdulaziz bin Salman nói tại phiên khai mạc cuộc họp trực tuyến của nhóm OPEC+ hôm 1-4.
Song ông cho rằng tăng sản lượng dầu trở lại quá nhanh sẽ rất rủi ro vì kinh tế toàn cầu vẫn chưa phục hồi đầy đủ.
Phó Thủ tướng Nga, Alexander Novak cho rằng OPEC+ phải thích ứng với xung lực của thị trường, không cho phép giá dầu tăng quá nóng hoặc nguồn cung dầu thiếu hụt nghiêm trọng. Ông kỳ vọng tồn kho dầu toàn cầu sẽ trở về mức bình thường trong vòng 2-3 tháng tới.
Thị trường dầu vẫn thắt chặt khi kinh tế toàn cầu tăng tốc
Các nước tiêu thụ dầu thô lớn bao gồm Mỹ và Ấn Độ đã hối thúc OPEC+ kiểm soát giá dầu vì lo ngại giá dầu đắt hơn có thể gây áp lực lạm phát trên khắp thế giới giữa lúc giá cả các hàng hóa khác cũng đang tăng mạnh. Dù tiêu thụ dầu ở châu Âu vẫn yếu ớt khi Pháp, Đức, Ý gia hạn hoặc áp đặt lệnh phong tỏa mới do số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở các nước này trỗi dậy, mức tiêu thụ dầu đang tăng nhanh ở Mỹ và Trung Quốc.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, Jennifer Granholm đã gọi điện cho người đồng cấp Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman ngay trước thềm cuộc họp của nhóm OPEC+ để nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực hợp tác quốc tế đễ bảo đảm nguồn năng lượng có giá hợp lý và đáng tin cậy cho người tiêu dùng.
Giới phân tích dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ bật dậy mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay. “Nếu bạn nhìn vào nửa cuối năm nay với nhu cầu toàn cầu có thể tăng thêm 4-5 triệu/thùng ngày, tôi nghĩ rằng tình trạng thắt chặt trên thị trường dầu sẽ tái xuất hiện”, Neil Beveridge, nhà phân tích dầu khí ở Công ty nghiên cứu Bernstein Research , nhận định. |
Phil Flynn, nhà phân tích ở Công ty Price Futures Group nói rằng OPEC+ ghi nhận thế giới sẽ cần nhiều dầu hơn khi nền kinh tế Mỹ tái mở cửa nhưng mức tăng sản lượng của họ rất khiêm tốn. Do vậy, nếu nhu cầu dầu phục hồi mạnh mẽ, thị trường dầu vẫn thắt chặt, ông cho hay.
“OPEC+ nhất trí tăng hạn ngạch sản lượng ở mức thận trọng. Thỏa thuận này hỗ trợ cho giá dầu nhưng cũng giúp tránh nguy cơ giá dầu tăng vọt khi nhu cầu cải thiện”, Ann-Louise Hittle, Phó Chủ tịch hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, nói. Bà dự báo nhu cầu dầu của Mỹ sẽ phục hồi mạnh mẽ trong quí 3 tới và nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 6,2 triệu thùng/ngày trong năm 2021.
Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu ở Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy, nói rằng thỏa thuận tăng dần sản lượng dầu trong những tháng tới cho thấy nhiều nhà sản xuất dầu trong nhóm OPEC+ đang mất kiên nhẫn vì họ không thể chấp nhận một số nước như Nga được phép tăng sản lượng trong những tháng trước, trong khi họ vẫn tuân thủ cắt giảm sản lượng.
Bà nhận định: “Mức tăng sản lượng dần dần của OPEC+ có thể không tác động bất lợi cho thị trường dầu, đặc biệt là khi nhu cầu dầu trong tháng 6 và tháng 7 dự kiến cũng tăng”. Thị trường dầu đón nhận tin OPEC+ tăng sản lượng dầu khiêm tốn với thái độ lạc quan.
Kết thúc phiên giao dịch hôm 1-4, giá dầu Tây Texas (WTI) ở New York tăng 3,53%, lên mức 61,45 đô la/thùng, còn giá dầu Brent ở London cũng tăng 3,4%, lên mức 64,86 đô la/thùng.
Theo Bloomberg, CNBC