Các chuyên gia của Chứng khoán KB Việt Nam dự báo thị trường chứng khoán sẽ diễn biến phức tạp với các nhịp rung lắc, tăng/giảm đan xen trong quý II. Tuy nhiên, xu hướng trung hạn của thị trường là tăng, tương đồng với sự khởi sắc của nền kinh tế, tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất được dự báo khó có thể tăng mạnh.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng được đánh giá sẽ hưởng lợi trực tiếp từ sự phục hồi của nền kinh tế.
VN-Index hướng đến mốc 1.250 điểm
Trong quý I, VN-Index đã 3 lần thất bại khi nỗ lực vượt mốc cản tâm lý 1.200 điểm trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các yếu tố hỗ trợ trong nước, mặt bằng giá cổ phiếu đã phục hồi đáng kể, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trong khi môi trường đầu tư bên ngoài nhiều biến động.
Theo KB Việt Nam, các nhịp rung lắc nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới khi mà vùng cản quanh 1.200 điểm vẫn còn tiềm ẩn 1 lượng lớn áp lực cung chốt lời giá cao trong khi nguồn vốn cho vay margin tại các công ty chứng khoán vẫn duy trì sát mức tối đa.
Dù hoạt động mua đuổi vùng giá cao tiềm ẩn các rủi ro ngắn hạn, KB Việt Nam cho rằng bất cứ nhịp điều chỉnh sâu nào của thị trường đều là cơ hội để tích luỹ cổ phiếu cho danh mục đầu tư trung- dài hạn với mục tiêu chỉ số VN-Index hướng đến mốc 1.250 điểm trong quý II.
Các yếu tố rủi ro, dù được đánh giá chưa ở mức cảnh báo có thể đảo chiều xu hướng tăng của thị trường, vẫn cần được theo dõi chặt chẽ, bao gồm: áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài lớn do lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng cao cùng với xu hướng hồi phục của đồng USD; việc phân phối vaccine COVID-19 ở châu Âu đang bị trì hoãn; rủi ro lạm phát và lãi suất trong nước bật tăng; làn sóng COVID-19 lần thứ 4.
Những ngành được dự báo “thăng hoa” trong quý II
Đầu tiên, KB Việt Nam điểm danh nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản.
Hoạt động kinh doanh của 2 nhóm này chịu ảnh hưởng lớn bởi tăng trưởng GDP.
Với ngân hàng, nợ tái cấu trúc sẽ suy giảm cùng với việc trích lập sẽ không quá lớn khi mà các doanh nghiệp khôi phục dần hoạt động sản xuất sau dịch. Đi cùng với đó, triển vọng tín dụng của toàn ngành ngân hàng được dự báo khởi sắc giúp hồi phục nền kinh tế.
Với bất động sản, KB Việt Nam cho rằng tín dụng bất động sản sẽ diễn biến khởi sắc khi nhu cầu vay mua nhà tăng lên cùng với việc nhiều dự án mới dần được gỡ bỏ vướng mắc về thủ tục.
Nhóm hàng không, dịch vụ hàng không, du lịch được kỳ vọng hồi phục nhờ việc đẩy nhanh triển khai tiêm chủng vaccine giúp kiểm soát dịch bệnh COVID-19; đồng thời Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu tính khả thi của “hộ chiếu vaccine”.
Nhóm vật liệu xây dựng (thép, đá…) được hưởng lợi nhờ đẩy mạnh đầu tư công và nhu cầu thép từ Trung Quốc gia tăng khi nền công nghiệp Trung Quốc bắt đầu mở rộng trở lại; và ngành thép của Trung Quốc đang phải chịu kiểm soát về vấn đề ô nhiễm môi trường chặt chẽ hơn.
Nhóm cổ phiếu hàng hóa (gạo, cao su, cà phê…) khởi sắc nhờ nhu cầu tiêu thụ hàng hoá có dấu hiệu được cải thiện trong các tháng đầu năm từ cả thị trường nước ngoài (xuất khẩu quý I ước tăng 22% yoy), và thị trường trong nước (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2021 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước). Nhóm cổ phiếu hàng hóa cũng được xem là một loại tài sản bảo vệ nhà đầu tư trước rủi ro lạm phát.
Xem thêm: odl.191598-ii-yuq-gnort-aoh-gnaht-oab-ud-coud-oan-hnagn-ueihp-oc/et-hnik/nv.gnodoal