Một người dân bị đối tượng trộm chó cầm chĩa hù dọa khi phát hiện con chó nhà mình bị đối tượng trên dùng điện chích chết - Ảnh cắt từ camera nhà người dân ở huyện Củ Chi (TP.HCM) ghi lại sự việc xảy ra vào năm 2017
Vụ "ba thanh niên trộm chó chích điện làm chết chủ nhà" tại Long An mới đây một lần nữa làm dư luận đặt ra câu hỏi "Bao giờ hết nạn trộm chó?" vì tình trạng này đã gây mệt mỏi cho nhiều người trong thời gian dài.
Dân bức xúc, lẽ nào bất lực?
Vào tháng 1-2021, anh H. (ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) bị xịt hơi cay cũng như bị bắn nỏ điện tự chế vào người khi phát hiện hai thanh niên có biểu hiện trộm chó. Anh H. nhớ lại hôm ấy vào khoảng 3h30 sáng, khi nghe tiếng xe máy ở trước nhà kèm tiếng chó sủa, anh H. ra xem thì thấy hai thanh niên đi trên một xe máy, một trong hai người có nỏ điện tự chế.
"Họ giương cây nỏ về phía tôi, sau đó ném một vật không rõ là vật gì nhưng phát ra tiếng nổ kèm phát sáng" - anh H. kể.
Anh H. lấy tuýp sắt trong nhà ra chống trả thì hai thanh niên tiếp tục ném một vật gì đó phát ra tiếng nổ cũng như xịt hơi cay về phía anh H.. Anh H. bị một trong hai thanh niên bắn nỏ tự chế khiến mũi chĩa đâm trúng vùng mông. Trước khi rời đi hai thanh niên còn hăm dọa anh H. là "sẽ quay lại...". Anh H. tìm cách rút mũi chĩa ra nhưng không được nên nhờ người thân đưa đến bệnh viện.
Trong khi đó anh P. (ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) kể vào rạng sáng đầu tháng 3-2021, khi nghe tiếng chó sủa thì người thân anh P. phát hiện hai thanh niên đi xe máy đến trước nhà, người ngồi sau xuống xe cầm dụng cụ bắn điện tự chế bắn vào con chó đang xích. Con chó bị trúng điện bất tỉnh thì thanh niên này liền tháo xích đem con vật lên xe rồi tẩu thoát cùng đồng bọn.
Sự việc diễn ra trong khoảng 30 giây được camera nhà anh P. ghi lại. "Lúc đó người nhà tôi có la lên nhưng hai thanh niên trên vẫn thản nhiên trộm chó" - anh P. kể. Hơn một giờ sau, hai thanh niên trên tiếp tục đi xe máy rảo lại nhà anh P. định trộm cắp con chó còn lại trong chuồng. Khi đó người nhà anh P. phát hiện "cẩu tặc" liền tri hô, một số người dân lúc này chạy ra thì hai thanh niên trên mau chóng rời đi.
Trộm chó từ lâu đã gây bức xúc, phẫn nộ cho người dân khắp cả nước. Hẳn nhiều người còn nhớ những vụ dân làng vây đánh chết kẻ trộm chó ở Quảng Trị, Nghệ An, Bắc Giang vào năm 2012, 2013. Ngược lại, kẻ trộm chó cũng ngày càng manh động, sẵn sàng tấn công, giết chết chủ nhà khi bị phát hiện. Gần cả chục năm trời, việc xử lý nạn trộm chó vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Phải thay đổi luật để xử lý kẻ trộm chó
Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM), pháp luật hiện hành quy định: nếu tài sản trộm cắp có giá trị dưới 2 triệu đồng thì người trộm cắp sẽ bị xử phạt hành chính theo nghị định 167/2013. Trong trường hợp người này đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội... hoặc nếu tài sản trộm cắp có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì người trộm cắp có thể bị xử lý về tội trộm cắp tài sản.
Luật sư Mạch cho rằng hầu hết các vụ trộm chó, người vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính, rất ít khi bị xử lý hình sự bởi hiện nay cơ chế xác định giá trị của chó là dựa theo trọng lượng, nên rất ít trường hợp có giá trị đến 2 triệu đồng.
Những hành vi gọi là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì nhiều trường hợp tội phạm này diễn ra vào thời điểm vắng vẻ, không ai chứng kiến. Như vậy, việc xử lý hành vi trộm chó đa phần vẫn áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Song mức phạt như vậy là quá thấp, không đủ răn đe.
Theo luật sư Mạch, để ngăn ngừa, xử lý đối tượng trộm chó, cần phải nâng mức phạt thật cao đối với hành vi trên. Đồng thời, cần phải cụ thể hóa các quy định liên quan đến việc xác định giá trị của chó trong các vụ trộm. Bởi lẽ chó là tài sản đặc thù, không chỉ là vật nuôi đơn thuần mà còn có giá trị lớn về tinh thần đối với gia chủ.
Việc xác định giá trị chó bằng trọng lượng như hiện nay là không hợp lý, cần có phương án xác định giá trị của vật nuôi dựa vào chủng loại và các giá trị chúng mang lại để có hành vi xử lý thích đáng. Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền cho người dân về việc xử lý người trộm chó thay vì tự ý hành động và xử lý loại tội phạm này.
Dụng cụ bắn điện tự chế mà đối tượng dùng để trộm cắp chó - Ảnh: NGỌC KHẢI
Tiêu thụ chó "gian" sẽ bị phạt
Bên cạnh việc điều chỉnh quy định để xử lý kẻ trộm chó, các chuyên gia cũng cho rằng cần phải giải quyết triệt để từ các cơ sở giết mổ đến nhà hàng, quán ăn bán thịt chó.
Mới đây, vào rạng sáng 1-4, tổ công tác Công an quận 12 (TP.HCM) tuần tra phát hiện hai người đàn ông nghi trộm chó đưa chó đến một căn nhà không số ở khu phố 4, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM để bán. Công an ập vào kiểm tra, phát hiện hàng chục con chó đã bị giết mổ nằm la liệt dưới sàn. Hiện cơ quan chức năng đang lấy lời khai hai người đàn ông nghi trộm chó.
Đồng thời, UBND P.Trung Mỹ Tây đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông P. - người trong nhà không số - về hành vi sử dụng kho, thiết bị bảo quản sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và đưa đi tiêu hủy toàn bộ số chó đã phát hiện.
Bình luận về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng một trong những biện pháp ngăn chặn tận gốc vấn nạn trộm chó là làm sao để "đầu nậu không dám mua, kẻ trộm chó có hàng mà không bán được".
Đồng quan điểm, luật sư Võ Đan Mạch cũng cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ chó mèo, phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở hoạt động chui. Điều này một mặt nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa hạn chế tối đa nơi tiêu thụ cho những đối tượng muốn thực hiện các hành vi trái pháp luật như đánh bả chó, trộm chó.
Đối với các cơ sở có phép, các quán ăn, nhà hàng, các cơ quan chuyên môn cần tăng cường hoạt động kiểm tra định kỳ, đột xuất liên quan đến công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, xử lý thật mạnh tay các cơ sở giết mổ, buôn bán thịt chó không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các quy chuẩn về an toàn thực phẩm.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM): Luật hóa cấm thịt chó, tại sao không?
Rất nhiều nước trên thế giới hiện nay đã có quy định cấm ăn thịt chó như các nước ở châu Âu, Ấn Độ, Mỹ, Úc... Tại Đài Loan đã thông qua đạo luật về bảo vệ động vật vào tháng 4-2017, trong đó cấm mọi hành vi giết mổ, ngược đãi chó mèo. Hành vi giết mổ, ngược đãi chó mèo bị phạt rất nặng, tương đương gần 1,5 tỉ đồng.
Vấn nạn trộm chó, ăn thịt chó... chúng ta đã nói suốt 10 năm nay và để hòa nhập với thế giới nên luật hóa việc cấm ăn thịt chó. Một khi đã thành điều cấm thì chúng ta mới có cơ sở xử lý và sẽ không còn người bán thịt chó, không có cơ sở giết mổ chó, tự nhiên sẽ không còn nạn trộm chó.
PGS.TS Trương Văn Vỹ (giảng viên xã hội học tội phạm ĐH Quốc gia TP.HCM): Cần nghĩ đến việc tăng nặng hình phạt
Hành vi trộm cắp chó từ lâu đã gây bức xúc lớn cho nhiều người dân vì với nhiều người, chó là con vật nuôi thân thiết. Hành vi trộm cắp chó có thể được xem là khởi nguồn gây ra những hậu quả đáng tiếc, trong đó có những vụ việc người dân khi phát hiện kẻ trộm đã bị kẻ trộm tấn công đến mức tử vong. Cơ quan chức năng nên xem xét điều chỉnh chế tài xử lý cụ thể đối với hành vi trộm cắp chó theo hướng tăng nặng hình phạt để từ đó tăng sức răn đe, ngăn ngừa.
TTO - Bị phát hiện, truy đuổi, đối tượng trộm chó ném đá và dùng bình xịt hơi cay chống trả cảnh sát giao thông.
Xem thêm: mth.19415741220401202-nam-ad-ohc-mort-noc-neihn-gnoud-iht-ohc-tiht-na-mac-auhc/nv.ertiout