Thứ nhất, “Triều đại Việt” muốn nhân danh “hậu duệ” của các bậc tiền nhân để vực dậy đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Việt Nam (VN) đã và đang có những bước tiến lớn. Sau hơn bốn thập niên thống nhất đất nước, VN đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện; mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa đến với trên 230 thị trường…
Chúng ta đã thiết lập quan hệ, làm ăn với tất cả quốc gia có yêu cầu cao và được xem là “khó tính” nhất như Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản. Rất nhiều chính trị gia, chuyên gia hay người dân các nước khi đến VN đều có chung nhận định rằng VN đang vươn mình mạnh mẽ và đang gặt hái được nhiều thành tựu đáng khen ngợi như hiện tại.
Năm 2020, khi thế giới lao đao vì dịch bệnh COVID-19, VN tiếp tục có những bước tiến tích cực: Vừa lọt tốp quốc gia chống dịch hiệu quả nhất thế giới, vừa thành công trong “vai trò kép” - ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chủ tịch ASEAN. Theo hãng định giá thương hiệu Brand Finance (Anh), năm 2020 VN vươn lên là “thiên đường sản xuất mới” của Đông Nam Á; có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới. Báo chí phương Tây nhận định VN là quốc gia hiếm hoi tăng trưởng dương (2,9%) và là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới với “vai trò kép”.
Thứ hai, “Triều đại Việt” muốn lật đổ chế độ chính trị hiện nay để thay thế bằng thể chế do họ tự lập ra. Trong khi đó, thế giới đều công nhận sự hiện diện và đóng góp ngày càng quan trọng của VN trong nhiều thập niên qua, vốn được vận hành bằng thể chế hiện nay. Lãnh đạo các quốc gia, trong đó có Mỹ, qua nhiều lần tiếp xúc với VN đã khẳng định: Tôn trọng sự khác biệt chính trị; tìm cách vượt qua những thách thức từ sự khác biệt để cùng VN xây dựng mối quan hệ bền vững; không áp đặt các mô hình quản trị xã hội với VN.
Thứ ba, “Triều đại Việt” muốn nhắm vào những hạn chế còn tồn tại ở VN để kích động lật đổ chính quyền. VN trên con đường phát triển vẫn còn nhiều vấn đề mà ngay cả lãnh đạo Nhà nước cũng nhận thức và tìm cách giải quyết, bao gồm tham nhũng, lãng phí, nâng cao đời sống người dân, bình đẳng giới… Tuy nhiên, không một quốc gia nào hoàn hảo cả. Chính Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đến thăm VN vào năm 2016 cũng khẳng định như vậy.
Những hạn chế của bất kỳ quốc gia nào cũng cần được xem xét, giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật. Tuyên truyền thuyết âm mưu, giết chóc, lật đổ… như “Triều đại Việt” đã chủ trương thực hiện tuyệt nhiên không phải cách giải quyết cấp tiến nhằm xây dựng đất nước, mà chính xác đó là: Khủng bố!