Kênh đào Suez là một trong số nhiều "nút thắt cổ chai" của dòng chảy kinh tế thế giới bên cạnh kênh đào Panama (kết nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương), eo biển Hormuz (nối vịnh Ba Tư với vịnh Oman), eo biển Malacca (nối biển Đông và Ấn Độ Dương).
Áp lực hơn bao giờ hết
Sự cố tắc nghẽn tại kênh đào Suez cảnh báo thế giới về tầm quan trọng của những đoạn đường biển chiến lược hay các vị trí án ngữ trong vận tải biển quốc tế, đồng thời kích hoạt thảo luận về việc đa dạng hóa các tuyến đường biển chiến lược. Những tuyến đường qua kênh đào Suez, kênh đào Panama, eo biển Malacca hay eo biển Hormuz đều có khả năng trở thành điểm đối đầu địa chính trị do có vị trí chiến lược quan trọng.
Kể cả khi không có một con tàu nào có chiều dài bằng với tòa nhà Empire State 102 tầng chắn ngang, những điểm nóng này vẫn đang phải gánh chịu nhiều áp lực hơn bao giờ hết. Với chiều dài 900 km, eo biển Malacca là một trong những tuyến đường biển đông đúc nhất thế giới, nối châu Á với Trung Đông và châu Âu, là nơi đi qua của khoảng 40% hàng hóa trong thương mại toàn cầu. Mỗi năm có khoảng 100.000 lượt tàu thuyền di chuyển qua eo biển này. Ở vị trí hẹp nhất gần Singapore, eo biển Malacca rộng 2,7 km, tạo ra một nút thắt cổ chai tự nhiên với nguy cơ va chạm giữa các tàu, tàu mắc cạn hay rò rỉ dầu.
Dự án mở rộng kênh đào Panama về phía Đại Tây Dương cho phép các tàu lớn hơn qua lại Ảnh: REUTERS
Kênh đào Panama với chiều dài 80 km đi qua khu vực hẹp nhất của quốc gia Trung Mỹ Panama, kết nối giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Con kênh này là tuyến đường của 5% hàng hóa trong thương mại toàn cầu và có 14.000 lượt tàu thuyền đi qua trong năm 2020. Kênh đào Panama không có những rủi ro địa chính trị nhưng đại dịch Covid-19 và điều kiện thời tiết bất lợi đã gây ra nhiều ách tắc trong những tháng gần đây, làm cản trở hành trình của nhiều tàu container và nguồn cung khí đốt từ khu vực bờ Vịnh Mexico thuộc Mỹ.
Chứng kiến làn sóng siêu tàu hàng không ngừng tăng lên, một số địa điểm đã được mở rộng để tăng công suất. Hồi năm 2015, kênh đào Suez được kéo dài thêm 35 km và nạo vét lòng kênh để cho phép những tàu lớn hơn có thể đi qua. Một năm sau, kênh đào Panama cũng hoàn tất mở rộng và đủ lớn để 79% các tàu chở hàng đi qua so với tỉ lệ 45% trước đó.
Ít ai có thể ngờ rằng chỉ 1 con tàu có thể làm tê liệt một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới trong gần một tuần như sự cố của siêu tàu Ever Given. Hơn thế nữa, những gián đoạn trong tương lai trên các tuyến thương mại hàng hải đòi hỏi không chỉ cần cẩu, máy đào và tàu kéo để giải quyết. Các chính phủ và doanh nghiệp cần chuẩn bị cho những kịch bản tồi tệ hơn.
Giải pháp xa xôi
Đối với những hàng hóa như dầu, vận chuyển bằng đường ống là lựa chọn thay thế hợp lý. Cụ thể, đường ống dẫn dầu ở Ai Cập vận chuyển dầu giữa biển Đỏ và Địa Trung Hải. Tuy nhiên, không phải tất cả hàng hóa đều có thể được vận chuyển qua đường bộ một cách dễ dàng như vậy.
Bất ổn chính trị và xung đột vũ trang cũng là lý do thúc đẩy việc tìm kiếm tuyến đường thay thế. Năm 2019, trong cuộc nội chiến ở Yemen, phiến quân Houthi đối chọi với liên minh do Ả Rập Saudi dẫn đầu đã bắt giữ một con tàu của Ả Rập Saudi ở biển Đỏ. Bờ biển của Yemen nằm trong eo biển Bab al-Mandeb hẹp, nơi chứng kiến 10% tổng lượng xăng dầu thế giới qua lại. Các eo biển này cũng là mục tiêu tấn công của cướp biển Somalia. Trong những năm gần đây, khoảng 1/2 số vụ cướp biển trên thế giới xảy ra ở bờ biển Somalia hoặc Indonesia, nơi các con tàu đi qua eo biển Malacca.
Tàu chở dầu mang cờ Hàn Quốc bị các tàu Iran bắt giữ ở eo biển Hormuz khi Mỹ - Iran leo thang căng thẳng hồi tháng 1 năm nay Ảnh: TASMIN NEWS AGENCY
Trong trường hợp biến đổi khí hậu khiến băng tan ở Bắc cực giúp tuyến đường biển Bắc trở nên khả thi thì lại đe dọa các eo biển khác. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra thường xuyên hơn. Vào năm 2016, một đợt khô hạn kéo dài ở Trung Mỹ đã buộc cơ quan quản lý kênh đào Panama đưa ra các hạn chế về độ sâu, khiến một số tàu lớn không thể đi qua trong khi mực nước biển dâng cao đe dọa các cảng biển.
Eo biển Hormuz, cửa ngõ trung chuyển dầu thô thế giới hiện vẫn trong vòng xoáy căng thẳng Mỹ - Iran. Chỉ vài giờ sau cuộc không kích của Mỹ giết tướng Iran Qassem Soleimani hồi tháng 1-2020, giá dầu thô thế giới tăng vọt. Với chiều dài chưa đến 170 km, điểm hẹp nhất rộng 33 km, eo biển Hormuz là tuyến vận tải quan trọng bậc nhất của ngành năng lượng thế giới khi các tàu chở dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đều phải đi qua đây. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ước tính năm 2018, mỗi ngày khoảng 21 triệu thùng dầu, trị giá gần 1,2 tỉ USD, được vận chuyển qua eo biển Hormuz, gần bằng 1/3 lượng dầu thế giới. Ngoài ra, lượng xăng vận chuyển qua eo biển này chiếm khoảng 21% tổng nhu cầu tiêu thụ của thế giới. Theo Reuters, bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào giữa Mỹ và Iran tại Trung Đông cũng khiến dòng chảy dầu qua eo biển Hormuz bị gián đoạn, tác động tiêu cực tới ngành năng lượng và kinh tế toàn cầu. Dù vậy, các quốc gia hiện có rất ít lựa chọn nào khác ngoài eo biển Hormuz.
"Hô biến" kênh thành cầu
Chính phủ Thái Lan đang thúc đẩy kế hoạch xây dựng cầu cạn gồm các tuyến đường cao tốc và đường sắt nối hai cảng nước sâu ở biển Andaman và vịnh Thái Lan. Dự án đặt mục tiêu giúp miền Nam Thái Lan trở thành tuyến đường chính cho hàng hóa và dầu đi từ Ấn Độ Dương và vịnh Ba Tư đến Thái Bình Dương. Tuyến đường được xem là giải pháp thay thế nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn so với việc vận chuyển qua eo biển Malacca. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Saksayam Chidchob hồi tháng 3 cho biết địa điểm của dự án sẽ được công bố vào tháng 6. Thông báo trên cho thấy chính phủ Thái Lan có thể đã từ bỏ kế hoạch đào kênh Kra - dự kiến dài 120 km, sâu 30 m và rộng 400 m - vốn gây tranh cãi.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-4
Xuân Mai
NLĐ
Xem thêm: nhc.39065308030401202-tek-ued-gnoud-neyut-cac-zeus-oad-hnek-ut-gnos-yad/nv.zibefac