Sinh viên tham gia sự kiện do Trung tâm thực hành công tác xã hội tổ chức bên cạnh hoạt động tham vấn tâm lý hằng tuần - Ảnh: SPC
"Học sinh thích rời nhà để thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ. Nhưng vì chưa được giáo dục các năng lực xã hội nên nhiều bạn gặp khó khăn để thích ứng với cuộc sống ĐH và có thể dẫn đến những hành động hay các mối quan hệ tiêu cực.
TS Lê Minh Công
TS Lê Minh Công - phó trưởng khoa công tác xã hội, người thực hiện chương trình - nói: "Dự án có năm người gồm tôi và một số chuyên gia.
Họ đều có những công việc riêng nhưng cam kết dành thời gian hằng tuần hỗ trợ sinh viên. Chúng tôi chia lịch hằng tuần, một chuyên gia có thể tiếp khoảng bốn thân chủ mỗi buổi.
Trên thực tế, nhu cầu sinh viên đến những dịch vụ tham vấn tâm lý trả phí rất nhiều, có bạn kiên trì theo suốt 6-7 tháng.
Dự án tạo cơ hội cho các bạn tiếp xúc những nhà tham vấn tâm lý chuyên nghiệp hoàn toàn miễn phí. Những sinh viên trường khác như Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Khoa học tự nhiên... cũng tìm đến chúng tôi".
Đối tượng tìm đến đa dạng
* Quá trình tham vấn diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Đầu tiên là khảo sát và lượng giá. Sẽ có sinh viên chỉ cần một buổi nhưng có bạn cần đến ba buổi hoặc hơn mới lượng giá chính xác vấn đề gặp phải. Dựa vào đó, nhà tham vấn sẽ xây dựng các giả thuyết bệnh nguyên hay bệnh sinh rồi lên chiến lược trị liệu.
Nhìn chung, đối tượng tìm đến dự án khá đa dạng. Có bạn đang stress mang tính bệnh lý, có bạn gặp một số vấn đề sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm. Có bạn cơ thể không ổn làm ảnh hưởng đến tinh thần, thậm chí có bạn có cả ý nghĩ tự sát... Một số trường hợp mất từ 3-6 buổi để giải quyết, đôi khi cần đến 12 buổi hoặc lâu hơn với những ca phức tạp.
Chẳng hạn, chúng tôi đang trị liệu cho một sinh viên gặp rối loạn lo âu kèm theo nỗi sợ xã hội. Khi lượng giá, chúng tôi phát hiện thêm bạn bị tật nói lắp, phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Vì vậy, song song với việc điều trị, chúng tôi còn phải nhờ một chuyên gia hỗ trợ chỉnh âm miễn phí cho bạn ấy.
TS Lê Minh Công
* Mọi người thường ngại ngùng khi cho người khác biết về sức khỏe tâm thần của mình. Làm thế nào giúp sinh viên vượt qua nỗi e ngại ấy để mạnh dạn tìm đến dự án?
- Chúng tôi dành nhiều thời gian truyền thông về mục đích và khả năng hỗ trợ của mình. Chúng tôi cũng nói rõ cam kết bảo mật thông tin, nguyên tắc trung lập hay không đánh giá khi tham vấn. Vì vậy, sinh viên hiểu rằng đến với dự án đồng nghĩa làm việc độc lập với những nhà tâm lý chuyên nghiệp và có thể thoải mái bày tỏ chuyện riêng.
Thực ra, đâu đó hằng ngày sinh viên cũng nhận được tư vấn từ bạn bè, người thân. Tuy nhiên với những nhà tâm lý chuyên nghiệp, quá trình tham vấn được thực hiện trên các quy tắc khoa học, chuẩn mực và đạo đức. Chúng tôi sử dụng những chuyên gia có kinh nghiệm, bởi nếu người tham vấn không có chuyên môn, kết quả đôi khi phản tác dụng.
Quan tâm hơn đến sức khỏe thể chất
* Nhiều năm tiếp xúc với các bạn trẻ cả trong lẫn ngoài dự án, ông nhận thấy điều gì đáng lưu ý?
- Theo nghiên cứu, khoảng 20-25% người trong các nhóm cộng đồng gặp vấn đề sức khỏe tâm thần và 5% bị rối loạn tâm thần. Đồng nghĩa nếu một trường ĐH 1.000 sinh viên thì khoảng 250 bạn nhiều khả năng gặp vấn đề sức khỏe tâm thần và 50 bạn chịu rối loạn tâm thần.
Đó mới là các con số hiện hữu, chưa nói tới tiềm ẩn trong tương lai. Ở tuổi sinh viên, những chuyện liên quan đến những cảm xúc mới, những mối quan hệ mới và định hướng phát triển bản thân cũng khiến các bạn phải suy nghĩ nhiều hơn.
Ngày nay, nhiều bạn trong những năm phổ thông không được giáo dục về các năng lực xã hội, mà chủ yếu tập trung vào học kiến thức. Khác với ở Mỹ, học sinh được giáo dục nhiều về năng lực xã hội, hiểu được cảm xúc, cái tôi của mình và kết nối cái tôi đó với cộng đồng.
* Theo ông, sinh viên có thể rèn luyện những gì để có được một sức khỏe tâm thần tốt?
- Trước tiên, nên dành thời gian nhìn lại bản thân để hiểu chính mình. Chúng ta thường được giáo dục để quan sát cái bên ngoài nhiều mà ít để ý đến cái tôi bên trong. Thứ hai, cần có chiến lược quản lý stress tích cực.
Thời sinh viên, bạn nên đặt mục tiêu phấn đấu từng năm và tuân theo đó. Nhiều bạn lãng phí thời gian, cứ để ngày tháng trôi đi, nhìn lại thấy mình không làm được gì, đâm ra buồn chán, tiêu cực...
Nên tìm một vài bạn tâm giao, sẵn sàng ở bên chia sẻ khi gặp căng thẳng. Kết nối xã hội cũng rất cần thiết, sinh viên nên dành thời gian ngoài việc học cho nhiều công việc có ích như luyện tiếng Anh, hoạt động tình nguyện, tham gia Đoàn - Hội, nhờ vậy tạo được nguồn năng lượng tích cực.
Cuối cùng, cần quan tâm đến sức khỏe thể chất như ăn ngủ đầy đủ và siêng tập thể dục thể thao. Trong những lần tôi nói chuyện với sinh viên chiến lược chống đỡ stress, chỉ 30% bạn tham gia nói rằng mình có tập thể dục thể thao, con số này còn khá khiêm tốn.
* Với những sinh viên có ý nghĩ tự sát, các chuyên gia trong dự án thường tiếp cận như thế nào?
- Khi tham vấn, chúng tôi nhận thấy những xung động mang ý nghĩ tự sát ở nhiều sinh viên khá lớn, nhất là những bạn từng gặp sang chấn tâm lý như bị xâm hại tình dục, bạo hành... Các bạn có thể trầm cảm, tự đánh giá bản thân thấp kém hoặc không thể thoát khỏi các ý nghĩ tiêu cực.
Gặp những trường hợp này, chúng tôi cần lượng giá cụ thể. Nếu các ý nghĩ mạnh mẽ thậm chí kèm theo hành động, chúng tôi có thể thông báo cho gia đình hoặc nơi bạn đang sinh sống nhằm để mắt. Tiếp đó, chúng tôi sẽ xây dựng lộ trình để tham vấn đường dài cho tới khi sức khỏe tâm thần của bạn ấy tốt hơn.
TTO - Hơn 900.000 sĩ tử sắp sửa bước vào kỳ thi THPT Quốc gia quan trọng. Năm nay trước tình hình dịch COVID-19, các em sẽ được nhận tư vấn tâm lý mùa thi, mô hình gia sư 'Một sinh viên hỗ trợ một thí sinh' bằng hình thức trực tuyến.
Xem thêm: mth.60951348030401202-neiv-hnis-ohc-ihp-neim-yl-mat-nav-ut/nv.ertiout