Hôm 23/3, tàu container siêu trường siêu trọng Ever Given - có hành trình từ Trung Quốc đến Rotterdam (Hà Lan), đã bị mắc cạn tài Kênh đào Suez. Sự cố này đã khiến một trong những tuyến hàng hải quan trọng và đông đúc bậc nhất thế giới rơi vào cảnh tắc nghẽn. Sau 6 ngày với những nỗ lực giải cứu, con tàu hơn 220.000 tấn đã nổi trở lại và đưa đến hồ Great Bitter để kiểm tra. Theo đó, Kênh đào Suez đã được khai thông trở lại.
Do ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải, các nhóm chuyên gia, điều tra viên bao gồm luật sư hàng hải, thành viên ban quản lý kênh đào, kỹ sư và chuyên gia về vấn đề bồi thường đã được cử đến hồ Great Bitter vào sáng ngày 30/3. Trưởng nhóm đều tra Sayed Sheasha cho biết nguyên nhân xảy ra sự cố sẽ được đưa ra sau khi họ đánh giá khả năng di chuyển trên biển, việc thuyền trưởng xử lý tình huống như thế nào.
Theo Giám đốc Cơ quan quản lý Kênh đào (SCA) - Osama Rabie, nếu cuộc điều tra diễn ra suôn sẻ và đạt được thỏa thuận chung về số tiền bồi thường, con tàu có thể đi tiếp mà không gặp bất kỳ vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu các thỏa thuận bồi thường gặp bất đồng dẫn đến những vụ kiện tụng, thì con tàu này cũng 3,5 tỷ USD hàng hóa sẽ phải ở lại Ai Cập.
Trước đó, ông Rabie phát biểu trước truyền thông rằng Ai Cập có thể sẽ yêu cầu bồi thường gần 1 tỷ USD do sự cố của tàu Ever Given. Theo vị quan chức này, con số trên là ước tính sơ bộ tổng thiệt hại liên quan đến phí giao thông, những khoản phí bị mất trong tuần bị ùn ứ, tổn thất đối với con kênh trong quá trình nạo vét để giải cứu con tàu bị kẹt, cùng chi phí trang thiết bị và nhân công.
Ngoài ra, số tiền trên cũng bao gồm chi phí cho quá trình điều tra nguyên nhân vụ việc từ sau ngày con tàu được giải cứu. Ông cũng cho rằng vụ tắc nghẽn vừa rồi đã ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Ai Cập.