Ảnh chụp công bố ngày 1-4 tại tang lễ Kyaw Min Latt - người bị các lực lượng an ninh bắn chết ở Dawei, Myanmar - Ảnh: REUTERS
Theo cơ quan đại diện của Việt Nam, tại nhiều địa phương của Myanmar xuất hiện một số "hành vi manh động" như gây nổ, đốt lốp xe, bắn đạn giấy cũng như thông tin sai lệch, thất thiệt trên mạng xã hội.
"Đại sứ quán đề nghị công dân và doanh nghiệp Việt Nam cần bình tĩnh theo dõi, tiếp tục chú ý đảm bảo an ninh, an toàn, tránh đi lại vào giờ giới nghiêm, đến các nơi đông người; tuyệt đối không tham gia biểu tình, không để xảy ra xô xát, mâu thuẫn với người bản địa và người nước ngoài khác; không tham gia bình luận, viết bài trên các trang mạng xã hội về tình hình Myanmar", thông báo ghi rõ.
Trước mắt, công dân cần chú ý khi đi lại, sinh hoạt và làm việc trong dịp nghỉ lễ tết té nước cổ truyền - Thingyan của Myanmar từ ngày 13 đến 19-4.
Theo Đại sứ quán, dù đã có kiến nghị và báo cáo Chính phủ, sau chuyến bay ngày 4-3, các đơn vị liên quan chưa có thông báo thời gian chuyến bay tiếp theo đưa công dân về nước.
"Việc sắp xếp chuyến bay đưa công dân về nước sẽ triển khai, nhưng phù hợp với tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam và nước sở tại, với năng lực tiếp nhận người tại các cơ sở cách ly. Khi có thông tin về chuyến bay, Đại sứ quán sẽ triển khai thông báo tới cộng đồng", thông báo nêu.
Trước đó, 390 công dân thuộc diện quy định của Chính phủ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhu cầu cấp bách đang mắc kẹt ở Myanmar, đã được đưa từ Yangon về Đà Nẵng trên chuyến bay ngày 4-3.
Đại sứ quán đã đề nghị các cơ quan chức năng của nước sở tại tiếp nhận hồ sơ xin gia hạn lưu trú và thị thực của 230 công dân Việt Nam cũng như có các biện pháp cần thiết để bảo vệ an toàn, an ninh cho công dân, doanh nghiệp Việt Nam.
"Đại sứ quán đề nghị các công dân chú ý liên hệ với văn phòng Cục Nhập cư (nơi công dân đăng ký) để làm thủ tục. Những công việc này công dân tự tiến hành thủ tục với giấy tờ của từng cá nhân. Đại sứ quán không làm giúp công dân việc gia hạn visa/phép lưu trú", thông báo lưu ý.
Nhằm chống dịch COVID-19, Myanmar sẽ duy trì giãn cách xã hội trên toàn quốc đến hết ngày 30-4.
Ngày 1-4, Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Đặng Đình Quý đã nêu quan ngại về tình hình bạo lực gia tăng ở Myanmar.
Khởi động tháng chủ tịch luân phiên của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định "tất cả các bên" ở Myanmar cần nhanh chóng ngồi lại với nhau để tránh bất ổn và đổ máu.
Cùng ngày, Hội đồng Bảo an đã ra tuyên bố nhất trí "lên án mạnh mẽ" những hành động bạo lực nhắm vào người biểu tình ôn hòa ở Myanmar.
"Các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình đang xấu đi nhanh chóng (ở Myanmar) và lên án mạnh mẽ việc sử dụng bạo lực nhắm vào người biểu tình ôn hòa và cái chết của hàng trăm dân thường, gồm phụ nữ và trẻ em", thông báo phát đi ngày 1-4 ghi.
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc đến ngày 31-3, đã có hàng trăm dân thường, bao gồm ít nhất 44 trẻ em, đã bị giết trong các vụ trấn áp người biểu tình trên toàn lãnh thổ Myanmar.
Tuyên bố cũng kêu gọi quân đội Myanmar ngừng việc giam giữ trẻ em, trong bối cảnh có những báo cáo nói rằng hơn 900 trẻ em và thanh niên đã bị giam giữ tùy tiện. Trong khi nhiều người đã được trả tự do, số khác khác vẫn bị bắt mà không được tiếp cận với cố vấn pháp lý.
TTO - Tháng chủ tịch luân phiên của Việt Nam được dự đoán sẽ đầy thách thức, khi rơi vào giai đoạn toàn cầu có nhiều điểm nóng xung đột, cụ thể là tình hình chính biến và biểu tình ở Myanmar.