Chỉ số tia cực tím trong ngày 30-3 - Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia
Nguy cơ ung thư da
Bác sĩ Đinh Hữu Nghị, trưởng phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Da liễu trung ương, cho biết tia UV được chia làm ba loại nhưng có hai loại ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong đó UVA gây lão hóa da, ung thư da, còn UVB gây sạm da, tăng sắc tố cho da.
"Tiếp xúc thời gian dài ngoài nắng mà không có cách chống nắng dễ gây đỏ da, bỏng nắng, tăng sắc tố da. Nếu tiếp xúc lâu dài, tia UVA có thể tác động vào nhân tế bào và gây ung thư tế bào đáy, tế bào vẩy… của da.
Những người làm công việc ngoài trời, có thời gian dài tiếp xúc với ánh nắng có nguy cơ ung thư da cao gấp 1,3 lần so với bình thường. Số người mắc ung thư da cũng có dấu hiệu tăng trong thời gian gần đây".
Theo số liệu của Bộ Y tế, ung thư da đứng hàng thứ 8/10 loại ung thư thường gặp nhất với tỉ lệ trung bình 2,9-4,5 ca/100.000 dân. Trung bình, tỉ lệ mới mắc ung thư da ở Việt Nam đối với nam là 3,2/100.000 dân và đối với nữ là 3,1/100.000 dân.
Ung thư da là căn bệnh nguy hiểm, với nhiều dạng và sự tiến triển của bệnh cũng rất phức tạp, khó lường. Bệnh nhân ung thư da thường được chỉ định phương pháp thông thường nhất là phẫu thuật cắt bỏ tổn thương. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được kèm xạ trị hỗ trợ.
Cũng theo số liệu của Bộ Y tế, những trường hợp có khả năng bị ung thư da cao hơn là người da trắng (hơn 200/100.000 dân), trong khi người da đen ít mắc nhất (dưới 10/100.000 dân).
Ngoài ra người lao động ngoài trời tiếp xúc nhiều với tia cực tím; người lao động tiếp xúc với hóa chất độc hại; người có các bệnh lý tiền ung thư da; người suy giảm miễn dịch (HIV, sau ghép tạng, dùng thuốc ức chế miễn dịch ở các bệnh nhân mắc bệnh tự miễn); người mắc các hội chứng di truyền như hội chứng Gardner, hội chứng Torres, hội chứng Bowen… là những trường hợp có nguy cơ ung thư da cao.
Che kín chưa hẳn an toàn
Để xác định thời điểm chỉ số UV nguy hiểm, có thể đứng dưới nắng và quan sát bóng của mình. Nếu bóng ngắn hơn chiều cao thật tương ứng với chỉ số UV cao và nếu cần ra nắng phải có các biện pháp chống nắng hiệu quả.
Nhiều người nghĩ mặc bộ áo chống nắng, gồm áo liền mũ và phần tay may vải dày hoặc dùng áo liền quần kín mít, đeo khẩu trang… sẽ bảo đảm giữ được da và tránh được các tác hại của tia cực tím.
Nhưng theo bác sĩ Quách Thị Hương Giang (Bệnh viện Da liễu trung ương), nếu áo chống nắng không đủ độ dày, màu sắc hoặc chất liệu không có hiệu quả trong việc cản tia UV, bôi kem chống nắng không đúng cách, không đủ liều lượng… thì việc chống nắng cũng không hiệu quả.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Tâm - phó trưởng khoa điều trị nội trú ban ngày Bệnh viện Da liễu trung ương, nên chọn áo chống nắng vải nilông hoặc polyester. Chất liệu nilông hoặc polyester sẽ chống nắng tốt hơn áo cotton hoặc tơ tằm. Thực tế nhiều người chọn áo chống nắng cotton dài tay cho thoáng nhưng khả năng chống nắng của vải thấp.
Về màu sắc, việc chọn áo chống nắng màu tối thì hiệu quả chống nắng cao hơn áo màu sáng do hấp thụ ánh nắng của màu sáng cao hơn. Ngoài ra nên mặc áo chống nắng thoáng, rộng sẽ giảm tác động ánh nắng lên da.
Nếu mặc áo bó không tạo ra khoảng cách giữa tia nắng và làn da, dễ gây cháy nắng. Việc bôi kem chống nắng nên chọn loại có quang phổ rộng, chỉ số chống lại tia UVB (SPF 30 trở lên) và UVA (PA+++) và bôi lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ hoặc sau khi tiếp xúc với nước để đảm bảo hiệu quả bảo vệ da…
Dự báo nắng nóng tiếp tục kéo dài đến đầu tháng 4 và mở rộng ra toàn bộ khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, nhiệt độ cao nhất từ 35-38oC, có nơi trên 40oC. Thời gian có nhiệt độ trên 35oC kéo dài từ 12h-16h mỗi ngày.
Hiện chỉ số tia cực tím cực đại trong ngày các tỉnh thuộc Bắc Bộ đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao. Các tỉnh thuộc Trung Bộ, Nam Bộ chỉ số UV cực đại đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao.
Theo chuyên gia Lê Thị Xuân Lan, bất kể vào mùa đông hay mùa hè, trời nắng hay mưa, trời râm hay nhiều bóng mát, tia cực tím vẫn hoạt động bình thường nhưng khi trời nắng thì tia cực tím nhiều hơn. Nếu trời nhiều mây thì các đám mây này có khả năng ngăn tia cực tím tác động trực tiếp đến mặt đất phía dưới.
Nhưng mây có kích thước nhỏ lại là thủ phạm khiến cường độ tia UV chiếu xuống mặt đất mạnh hơn. Chúng có khả năng phản xạ và khuếch tán tia cực tím. Mây màu sẫm thì ngăn tia cực tím tốt hơn mây màu sáng.
LÊ PHAN
Cách cái nóng giết ta
Những "con đường" cái nóng có thể xâm nhập và làm hỏng nội tạng chúng ta, cuối cùng là dẫn đến tử vong. Ảnh: Đại học Hawaii
Cơ thể con người phản ứng với nhiệt độ cao bằng cách tiết mồ hôi - hệ thống làm mát tự nhiên của chúng ta. Nhưng độ ẩm cao sẽ làm suy yếu quá trình này, bởi vì không khí xung quanh càng ẩm thì càng khó nhận thêm hơi nước bốc lên từ mồ hôi.
Đó là lý do tại sao môi trường nóng ẩm lại gây khó chịu hơn nhiều so với nóng khô. Hơn cả khó chịu, nóng và ẩm cùng một lúc có thể nguy hiểm cho sức khỏe.
Trong một nghiên cứu năm 2017, Camilo Mora (Đại học Hawaii) đã xác định được "27 cách giết chết một người của cái nóng".
Khi cơ thể ta phát hiện ra rằng nhiệt độ đang cao hơn bình thường, nó sẽ chuyển máu từ các hệ cơ quan bên trong đến da, do đó tản nhiệt ra bầu không khí xung quanh ta. Vì vậy da của một người đang nóng sẽ trở nên đỏ ửng.
Trong cái nóng cực đoan, cơ chế này có thể ngoài tầm kiểm soát, dẫn đến thiếu máu cục bộ hoặc lưu lượng máu chảy đến các cơ quan giảm thấp; hậu quả là các cơ quan quan trọng như não hoặc tim có thể bị tổn hại.
Ngoài ra, nhiệt độ cơ thể cao có thể gây chết tế bào, còn được gọi là "nhiệt độc tế bào". Độ ẩm cao sẽ làm các nguy cơ trên tồi tệ hơn, vì chúng ta sẽ không thể tiết mồ hôi hiệu quả để hạ nhiệt.
LÊ MY
TTO - Nghiên cứu của Mỹ mở ra hướng mới dùng tia cực tím khử khuẩn virus corona trong bệnh viện hoặc trên xe buýt, tàu điện ngầm.
Xem thêm: mth.78105718110401202-iougn-nik-ehc-ihc-gnohk-mit-cuc-ait-gnohc/nv.ertiout