Công an TP.HCM đang thực hiện chuyển trụ sở trại tạm giam (nhà giam Chí Hòa) sang trụ sở trại tạm giam mới ở huyện Củ Chi.
Trại tạm giam Chí Hòa hiện hữu ở phường 2, quận 10 (TP.HCM), ngày nay còn được gọi là nhà giam Chí Hòa hay nhiều người gọi là nhà tù Chí Hòa, nhà tù Bát Quái.
Nhà giam Chí Hòa là một trong 28 công trình, địa điểm và là công trình duy nhất trên quận 10 thuộc loại hình lịch sử nằm trong Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020 (ban hành theo Quyết định số 923/QĐ-UBND ngày 7-3-2017 của UBND TP.HCM). Chính vì thế, “việc đối xử với công trình vào danh mục kiểm kê di tích sẽ như đối xử với di tích đã được xếp hạng” - ông Hoàng Nghị, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở VH&TT TP.HCM, cho biết.
Nhà giam Chí Hòa nhìn từ trên cao. Ảnh: WIKIPEDIA
Sau khi trại tạm giam của Công an TP.HCM chuyển sang huyện Củ Chi, số phận nhà giam Chí Hòa sẽ ra sao vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Tuy nhiên, những người quan tâm đến số phận các công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử của TP.HCM sẽ không ai mong muốn công trình này bị mất đi, mà mong nó sẽ nằm trong một hướng quy hoạch với sự tôn trọng quá khứ và tiếp tục phát triển cùng không gian xanh, hạ tầng tốt… |
“Sinh hoạt như một tòa chung cư vĩ đại”
Theo hồ sơ từ Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020, nhà giam Chí Hòa đã từng giam giữ các chiến sĩ cộng sản, sinh viên, trí thức… đấu tranh cho công cuộc thống nhất đất nước qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Theo Địa chí Văn hóa TP.HCM (tập III - Nghệ thuật) thì “Khám Chí Hòa ngày trước do Nhật giúp Pháp xây dựng vào năm 1943. Tòa nhà cao như một cao ốc nhiều tầng, mặt ngoài tường bê tông vây kín, trên một mặt bằng hình bát giác, mở ra sân trong chia ô theo từng khu vực phòng giam, với hành lang chạy quanh, song sắt chắc chắn. Nhà tù có thể chứa từ 2.000 đến 7.000 tù nhân, sinh hoạt như một tòa chung cư vĩ đại. Tòa nhà không có giá trị về mặt thẩm mỹ nhưng cũng xin ghi lại đây để biết một loại hình kiến trúc hành chính khác”.
Theo quyển Khắc họa chân dung tử tù, giai đoạn năm 1858 đến năm 1975, Tập I: Một số chiến sĩ cộng sản bị kết án tử hình, bị giam giữ qua nhiều nhà tù… trong đó có khám Chí Hòa. Đặc biệt, ở đây ngoài chính trị phạm sắp thi hành án tử thì là nơi tạm giam những chính trị phạm với mức án từ 15 năm đến chung thân trước khi lưu đày đi Côn Đảo.
Trong quyển Những ngày tù ngục, tác giả Hàn Song Thanh và Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ chủ biên, mô tả khám Chí Hòa và các sự kiện tại đây: “Mãi đến năm 1950, khám Chí Hòa xây hoàn tất. Bắt đầu từ đó, thực dân Pháp bỏ khám Catina. Tất cả tù nhân ở Catina được chuyển sang Chí Hòa… Lầu 1 có bốn phòng để giam chị em chính trị phạm…”. Khám Chí Hòa là nơi đã từng giam cầm và xử tử Nguyễn Văn Trỗi năm 1964. Thời điểm giam cầm Nguyễn Văn Trỗi, nhà giam này mang tên Nha cảnh sát khám Chí Hòa.
Cổng vào khu trại giam Chí Hòa. Ảnh: PV
Kết nối không gian xanh Chí Hòa - Kỳ Hòa
Nhà giam Chí Hòa hiện là công trình sở hữu công nhưng với dấu ấn đặc biệt của công trình về lịch sử, kiến trúc, văn hóa, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: “Nếu đổi nhà tạm giam sang khu vực khác thì nên sử dụng nhà giam Chí Hòa như công trình công cộng tạo phúc lợi cho người dân”.
Theo đánh giá của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: “Về mặt giá trị kiến trúc, công trình này khá đặc biệt vì kiến trúc nhà giam nhưng là hình thái kiến trúc đặc biệt từ thời Pháp với vật liệu, thi công mang dấu ấn lịch sử.
Bố cục nhà giam tương truyền theo mẫu hình bát quái, có yếu tố phong thủy… điều này cần nghiên cứu lại; nhưng phải xác nhận đây là công trình đặc biệt có nét đặc sắc riêng. Dạng như thế này có thể không phải là di tích nhưng là một phần góp phần cho phát triển kiến trúc đô thị của TP.HCM.
Vì thế, nó có thể không phải bảo tồn nguyên trạng mà bảo tồn có chỉnh trang, chuyển đổi mục đích sử dụng, có thể là bảo tàng hay gì đó như chúng ta có khu nhà giam Côn Đảo. Xa hơn như nhà tù Alcatraz trên đảo Alcatraz ở San Francisco đã được biến thành hòn đảo du lịch mà nhà giam là điểm đến thu hút du khách”.
Nhật Bản biến nhà tù cổ nhất thành khách sạn Nhà tù Nara (tỉnh Nara, Nhật Bản) là nhà tù có lịch sử lâu đời nhất tại Nhật Bản, được xây dựng trong thời Minh Trị (năm 1901) và được đưa vào hoạt động từ năm 1909 cho đến năm 2017. Từ sau khi đóng cửa, không còn chức năng nhà giam, nhà tù Nara được công nhận là di sản lịch sử của Nhật Bản. Và sau khi được công nhận di sản, nhà tù đang được chuyển đổi công năng thành khách sạn nhằm phát triển du lịch tỉnh Nara mà vẫn giữ được quần thể kiến trúc này. Bởi suốt từ năm 2018 đến nay, Nhật Bản đang chú trọng việc bảo tồn phát triển nhiều công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử của thời kỳ Minh Trị và biến nó trở thành những điểm đến mới. Năm tòa nhà bằng gạch đỏ với kiến trúc Roman của nhà tù Nara sẽ được cải tạo thành khách sạn cao cấp có khả năng chống động đất và dự kiến sẽ hoạt động vào năm nay. Kinh phí đầu tư cải tạo nhà tù thành khách sạn dự kiến trị giá 15 tỉ yen (hơn 3.100 tỉ đồng). |
Bên cạnh đó, nhà giam Chí Hòa là một trong những nơi hiếm hoi trong lòng TP.HCM còn không gian để có thể thêm nhiều không gian xanh cho khu vực nội ô.
“Từ trước năm 1975, trải dài khu vực Chí Hòa đến Kỳ Hòa là không gian xanh lớn liên hoàn. Dù hiện tại một số không gian bị xâm lấn nhưng chúng ta vẫn có thể chỉnh trang nguyên không gian này thành trung tâm công cộng cho mọi người phù hợp theo hướng phát triển xanh, giảm sử dụng xe cá nhân trong trung tâm… Cùng đó, ngoài yếu tố văn hóa, kiến trúc cũng cần phải nhìn nhận giá trị phi vật thể của nhà giam Chí Hòa, xem xét trong lịch sử có những nhân vật nào từng bị giam giữ tại đây, đó là sự ghi nhận lại một phần lịch sử của TP.HCM” - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói.