Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (phải) và ông Phạm Minh Chính tại Quốc hội ẢNH Gia Hân |
Sau khi tốt nghiệp đại học xây dựng tại Romania, trong một thời gian dài ở các cương vị khác nhau, ông Chính là nghiên cứu viên trong lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật và môi trường.
Từ tháng 3.1991 tới tháng 11.1994, ông Chính là nhà ngoại giao, làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bucharest. Thời kỳ này, có nhiều biến động kinh tế, chính trị và xã hội của các nước Đông Âu, trong đó có Romania. Ông Chính có nhiệm vụ xem xét, đánh giá những chuyển biến này để phục vụ cho đường lối của Việt Nam.
Ông Chính cũng từng xuất bản các công trình nghiên cứu về tài chính, kinh tế, khoa học công nghệ và môi trường của cá nhân ông cũng như cùng với tác giả khác vào các năm 2008, 2009 và 2010.
Định vị lại Quảng Ninh
Trước khi được T.Ư luân chuyển giữ vị trí Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh vào tháng 8.2011, ông Chính là Thứ trưởng Bộ Công an, phụ trách lĩnh vực tài chính, khoa học, công nghệ và môi trường phục vụ công tác hậu cần kỹ thuật, và mang quân hàm trung tướng.
Trong thời gian giữ cương vị người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, ông Chính có nhiều chỉ đạo mang tính đột phá và để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong việc phát triển kinh tế, quy hoạch, chính trị và xã hội tại Quảng Ninh.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên bên hành lang Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên, nguyên Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội khoá XIV, cho biết bà đánh giá cao ông Phạm Minh Chính.
“Mỗi lần trở lại Quảng Ninh, mọi người đều nhắc tới dấu ấn của ông Phạm Minh Chính. Những dấu ấn ấy đã được ghi vào nghị quyết từ thời ông Phạm Minh Chính làm bí thư. Hiện nay, Quảng Ninh vẫn đi theo chủ trương, đường lối được xây dựng từ thời đó. Có thể nói, Quảng Ninh là một hiện tượng của khu vực phía Bắc về phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt từ kinh tế nâu sang kinh tế xanh”, bà Hải nói.
Cao tốc Hải Phòng - Hạ Long thúc đẩy mạnh mẽ giao thương giữa Quảng Ninh và các tỉnh vùng Bông ắc ẢNH Lã Hiếu Nghĩa |
“Trước đây môi trường ô nhiễm, nói đến Quảng Ninh là nói đến khói, bụi, than, nhưng nay có thể nói là rất sạch. Chúng tôi thấy đây là kinh nghiệm mà như tôi trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy cần phải học tập”, bà Hải cho biết thêm.
Điểm nổi bật nữa ở Quảng Ninh là có những hướng đi mới, thu hút và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân. Các công trình, kể cả các dự án phát triển hạ tầng giao thông nhằm “dẫn đường” cho các hoạt động kinh tế khác, có đóng góp của các doanh nghiệp dân doanh.
Phát huy tối đa lợi thế kinh tế biển, đổi mới cách thức khai thác tiềm năng du lịch và giao thương quốc tế. Kết nối hạ tầng giao thông với các tỉnh vùng Đông Bắc đã thay đổi diện mạo Quảng Ninh.
Tại Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính mạnh dạn chủ trương nâng cao tinh thần phục vụ của công chức và các cơ quan hành chính đối với người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, ông cũng là người mạnh dạn thử nghiệm mô hình nhất thể hoá hai chức danh Đảng và chính quyền ở cấp huyện và xã, nhằm nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về chính quyền điện tử và cải cách hành chính.
Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương có trung tâm hành chính công tập trung đầu tiên của cả nước, nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn. Tỉnh này cũng mời các chuyên gia nước ngoài xây dựng 7 quy hoạch chiến lược.
Hiện thu nhập bình quân đầu người của Quảng Ninh là hơn 6.500 USD, cao hơn 2 lần trung bình cả nước. Tỉnh cũng kéo điện lưới ra đảo tiền tiêu Cô Tô, đánh thức tiềm năng huyện đảo Vân Đồn…
Dấu ấn về tổ chức
Ông Phạm Minh Chính được T.Ư điều về giữ chức vụ Phó trưởng Ban Tổ chức TƯ, sau 3 năm, 244 ngày làm việc tại Quảng Ninh. Từ tháng 2.2016 tới nay, ông là Trưởng ban Tổ chức T.Ư.
Ông có nêu quan điểm kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền. Đồng thời, trong công tác tổ chức, ông Chính nhấn mạnh đến việc phải có chiến lược lâu dài.
Ông Phạm Minh Chính trò chuyện cùng một số đại biểu Quốc hội ẢNH Gia Hân |