Giờ đây, Quốc hội đã chuyển sang “ngôi nhà thứ ba” với tòa nhà mới khang trang, hiện đại. Trước đó, sau khi Hội trường Ba Đình được dỡ bỏ, trong thời gian chờ xây dựng tòa nhà mới, Quốc hội có 5 năm “ở tạm” tại Hội trường Bộ Quốc phòng. Dù ở hội trường nào, địa điểm nào thì báo chí vẫn luôn được quan tâm để có trung tâm hay phòng riêng hoạt động, được các vị đại biểu Quốc hội trao gửi quan điểm, chính kiến, nhất là những vấn đề thời sự nóng bỏng, những vụ việc thu hút dư luận.
Nhớ ngày còn hoạt động ở Hội trường Ba Đình, báo chí được Văn phòng Quốc hội bố trí ở phòng kính hình chữ nhật, nằm cách Hội trường bởi vườn hoa. Mỗi khi Quốc hội nghỉ giải lao, anh chị em báo chí di chuyển qua vườn hoa chỉ mấy chục bước chân nên kịp thời “ém” ở hành lang, chờ đại biểu ra “truy vấn”.
Do sảnh Hội trường khá hẹp nên nhiều đại biểu ra khu vực ngoài hành lang uống nước, không có ghế mà ngồi tạm ở kệ bê-tông ốp đá. Nhiều hôm, đi qua cái kệ này để vào phòng họp mà đại biểu phải chờ đến nửa tiếng, ấy là bởi các phóng viên quá miệt mài với những ý tưởng, vấn đề nóng mà đại biểu cũng không nỡ dừng lại trước sự săn đón quá tận tình ấy của báo giới.
Hội trường Ba Đình ngày đó lối lên xuống nhanh gọn nên nhiều phóng viên nhận thấy việc phỏng vấn trong sảnh không thuận tiện thì mời đại biểu ra khuôn viên, tìm một chiếc ghế đá trống. Không gian phỏng vấn ở ghế đá, lại được tỏa mát bởi bóng xà cừ phía ngoài thực yên tĩnh và không bị “đụng” bởi những cuộc phỏng vấn của người khác, đại biểu khác.
Thế nên, có lúc chuông báo hết giờ giải lao đã vang lên khá lâu nhưng phóng viên vẫn nấn ná hỏi thêm, đại biểu thấy nhà báo tận tình quá thì cũng nể nhưng sau vài ba lần đứng dậy khỏi ghế đá mà câu hỏi vẫn chưa hết, đại biểu đành thẳng thắn “khất cuộc hỏi” đến hôm sau.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa XIV Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí tham dự kỳ họp Quốc hội. |
Trung tâm thông tin của Quốc hội có bộ phận chuyên trách gỡ băng. Khi internet chưa phổ cập, việc bóc băng vẫn chủ yếu làm thủ công rồi lưu file, in ra giấy. Bởi vậy, thảo luận buổi sáng thì tầm 15-16h chiều sẽ có bản bóc băng. Người của Trung tâm thông tin thường ước lượng phóng viên rồi in tầm trăm bản, ôm một chồng quá vai xuống phòng báo chí.
Quả thực, khó có thể hình dung cảnh chờ đợi lúc ấy, chúng tôi vẫn nói với nhau là anh em phóng viên chờ cô nhân viên Trung tâm báo chí như chờ mẹ đi chợ về. Khi tất thảy đang mong ngóng thì bóng cô nhân viên xuất hiện phía Trung tâm đi về phòng báo chí, tất thảy đều đứng dậy, chạy nhanh ra cửa. Người một bản nhưng nhiều người không muốn bỏ lỡ cũng nhận hộ cho đồng nghiệp vài bản nữa, thế là chồng tài liệu bóc băng chỉ vài chục giây đã hết sạch. Chuyện chờ đợi đó chấm dứt khi sau này Trung tâm đưa thông tin, dữ liệu lên hệ thống điện tử của Văn phòng Quốc hội.
Lại nói về ghi âm thảo luận và phỏng vấn, chiếc máy ghi âm bằng băng, đĩa to như viên gạch là vật bất ly thân của cánh phóng viên. Dạo đó, ai cũng lỉnh kỉnh sẵn máy nhưng việc ghi âm bằng băng đĩa trong điều kiện người trả lời nói giữa mấy chục phóng viên, tiếng xì xào khiến âm thu được nhiều khi cũng “tậm tịt”. Chưa kể, để tránh bị chen ngang, nhiều nhà báo tìm cách lách qua lách lại để kề máy vào cổ người phía trước, mặt hăm hở vì ghi được từ đầu, đến khi gỡ băng mới tá hỏa vì pin hết từ lâu mà không hay biết! Với nhiều đại biểu, trả lời báo chí với sự cởi mở, thẳng thắn vốn là phong cách của họ và ngược lại, chính vì phong cách đó mà lúc nào cũng được báo chí chờ đón nhiệt tình.
Khoảng nhiệm kỳ Quốc hội khóa X, XI, có câu được truyền miệng nên quen ở chốn nghị trường “nhất Thước, nhì Lân, tam Trân, tứ Quốc” (Trung tướng, đại biểu Nguyễn Quốc Thước; giáo sư, đại biểu Nguyễn Lân Dũng; giáo sư, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân; đại biểu Dương Trung Quốc). Sau này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước không hoạt động tại Quốc hội nữa thì người “thay ngôi” đầu trong câu trên là đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang), khi đó là Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam.
Đem thắc mắc về xuất xứ của câu nói trên, nhiều đại biểu Quốc hội nói rằng, họ biết và thấy điều đó rất đúng và hay nhưng không rõ khởi nguồn từ đâu cả. Thế rồi một lần, khi đến nói chuyện với lớp đào tạo kỹ năng viết báo cho phóng viên tuyên truyền về Quốc hội, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, khi đó là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói rằng, chất vấn đòi hỏi bản lĩnh và kỹ năng, các vị đại biểu nói trên đã thể hiện rất rõ điều đó và góp phần quan trọng làm nên thương hiệu chất vấn.
Theo ông, chức năng, vai trò, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội đã được quy định rõ trong luật, còn khi các vị đại biểu Quốc hội đến nghị trường, có 3 việc quan trọng là nghe, nói và biểu quyết. Việc nghe rất khó kiểm tra bởi không thể biết ai nghe tốt, ai không. Việc biểu quyết cũng khó xác định (vì Quốc hội chỉ tính theo tỷ lệ phần trăm khi biểu quyết chứ không nêu danh cụ thể).
“Phát biểu vì vậy trở thành kỹ năng quan trọng nhất của việc làm đại biểu. Kỹ năng này của 4 vị đại biểu Quốc hội trên phải nói là lão luyện và đây cũng là một ưu thế rất lớn trong hoạt động nghị trường” - Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng phân tích.
Nói về đại biểu Nguyễn Quốc Thước, dù ông đã rời nghị trường 15 năm nay nhưng tên tuổi và dấu ấn của ông trong suốt 3 nhiệm kỳ Quốc hội (khóa VIII, IX, X) vẫn lưu giữ trong ký ức của nhiều người. Cho đến bây giờ, nhiều nhà báo ở Quốc hội ngày đó vẫn giữ liên lạc với ông mỗi khi có vấn đề nóng cần giải đáp và ông cũng không ngần ngại nêu chính kiến. Nhiều bài viết trên báo chí đã mô tả về ông, nhắc lại những phát biểu, chất vấn thẳng thắn, trách nhiệm, nhiều khi đó là sự đụng chạm mà nhiều đại biểu khác biết nhưng không nói.
Về điều này, khi chia sẻ với báo chí, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, là đại biểu của dân thì phải nói được ý dân và dù nói theo góc độ nào thì cũng trên tinh thần xây dựng, vì sự phát triển chứ không có nghĩa nói đụng chạm là “chọc phá”, là khích bác ai đó. Theo ông, đã là tranh luận trên hội trường thì phải có sự tiếp thu những ý kiến mới. Ví dụ, ngày hôm qua, anh đã định trình bày về một vấn đề nào đó với sự chuẩn bị sẵn nhưng đến hội trường thảo luận lại nảy ra những ý mới, đặc biệt là những ý kiến ngược chiều thì cần phải tiếp thu và tư duy để có thể đưa ra những ý kiến có giá trị chứ không phải cứ việc xách bài đã chuẩn bị sẵn ra rồi cứ vậy đọc cho xong. Cũng gắn bó với nghị trường Quốc hội tới 15 năm, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng là “gương mặt thân quen” của giới báo chí nghị trường. “Tôi thẳng thắn bảo vệ cái đúng, lẽ phải chứ không có phe phái gì cả, chất vấn xét theo góc độ nào cũng nhằm thực hiện cái chung, vì lợi ích chung”, ông bày tỏ.
Nhưng, báo chí vốn ưa hỏi sự kiện nóng mà cái nóng ấy nhiều khi làm khó người trả lời. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhiều khi phải phát cáu vì cứ giải lao ra hành lang nghị trường, chưa kịp nhấp chén nước thì đã có cả chục phóng viên xúm quanh. Năm 2014, khi dịch sởi bùng phát khiến nhiều trẻ em tử vong, cùng với đó là những tiêu cực xảy ra trong ngành y khiến có lần trả lời trước Quốc hội mà Bộ trưởng không cầm được nước mắt.
“Cũng là một người mẹ, đến bệnh viện nhìn thấy các bà mẹ đau đớn vì đứa con dứt ruột đẻ ra bị chết vì bệnh sởi, bà cảm thấy thế nào? Đặt trách nhiệm người đứng đầu ngành y tế, bà có bao giờ nghĩ đến từ chức”, một phóng viên đặt câu hỏi. Dường như đã đoán trước câu hỏi này, nữ Bộ trưởng trả lời rất chân tình: “Câu hỏi của bạn rất thẳng thắn. Cũng là người mẹ có con, tôi xin chia buồn sâu sắc đến các bà mẹ. Tôi rất yêu trẻ con... Nỗi đau đó ai cũng đau xót. Dù nguyên nhân khách quan, chủ quan, trực tiếp hay gián tiếp, dù ở cấp quản lý nào, tuy nhiên đụng đến sức khỏe thì người đứng đầu ngành phải có trách nhiệm, đặc biệt đụng đến trẻ con càng day dứt. Nhưng, thật lòng tôi chưa nghĩ từ chức ngay. Không từ chức lúc này được vì toàn ngành chúng tôi tập trung cao nhất giành giật sự sống cho các cháu. Không chỉ đợt vừa qua mà từ cuối năm ngoái khi xảy ra những ca sởi đầu tiên, chúng tôi rất quyết liệt nhưng hiệu quả không cao. Nỗi đau ai làm mẹ mà không xót xa. Bất cứ giờ nào, trong ngày lễ vẫn làm việc, sáng mai cũng sẽ đi kiểm tra...”.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa XIV Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, với nghị trường Quốc hội thì báo chí đóng vai trò không thể thiếu. Là cơ quan đại diện của nhân dân, Quốc hội qua báo chí truyền tải những hoạt động của mình tới nhân dân, từ đó đưa những chính sách Quốc hội ban hành đi vào cuộc sống.
“Ngược lại, Quốc hội cũng rất muốn lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng, phản ánh của cử tri qua báo chí. Về phía các đại biểu Quốc hội, tôi thấy các đại biểu ngày càng đánh giá rất tốt vai trò của báo chí, các đại biểu cũng rất muốn qua báo chí truyền tải thông tin đến cử tri”, ông nói.Đăng Trường
Xem thêm: /122546-gnourt-ihgn-o-nit-aud-iougN/ed-neyuhC/nv.moc.dnac.tcgtna