vĐồng tin tức tài chính 365

Xuất nhập khẩu: thích ứng với 'trạng thái bình thường mới'

2021-04-05 11:06

Xuất nhập khẩu: thích ứng với 'trạng thái bình thường mới'

Nguyễn Đình Bích

(KTSG) - Dù năm 2021 mới chỉ qua hơn hai tháng nhưng đã có những dấu hiệu rõ ràng về việc thị trường thế giới đang chuyển hướng mạnh mẽ. Trong điều kiện như vậy, với một nền kinh tế vẫn còn ở trình độ phát triển thấp nhưng có độ mở lớn như Việt Nam, xuất nhập khẩu đã có những tác động rất mạnh không theo chiều hướng như mấy năm gần đây. Vì thế, thích ứng với những biến động đó như thế nào là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.

Xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới. Ảnh: N.K

Gió đã xoay chiều

Trước hết, trên bình diện toàn cầu, các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, so với cuối năm ngoái, giá năng lượng thế giới tháng 2 vừa qua đã tăng đột biến 25,9%; giá hàng phi năng lượng cũng tăng 7,1%, trong đó hàng nông sản tăng 6,4% (riêng ngũ cốc tăng tới 15%), kim loại và khoáng sản tăng 6,9%, phân bón tăng kỷ lục 26,9%... Đây đều là những mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Trong điều kiện như vậy, với đặc thù “rổ hàng hóa xuất nhập khẩu” Việt Nam tuy được hưởng lợi không nhỏ trong xuất khẩu nhưng lại bị thua thiệt hơn rất nhiều trong nhập khẩu.

Kết quả tính toán từ các số liệu thống kê của cơ quan hải quan trong hai tháng qua cho thấy, trong khi Việt Nam được hưởng lợi 285 triệu đô la Mỹ từ xuất khẩu 4,9 tỉ đô la của 16 mặt hàng có số liệu thống kê về lượng và giá trị, nhưng lại bị thua thiệt 730 triệu đô la trong nhập khẩu 18 mặt hàng tương tự từ thị trường thế giới. Tức là bị thua thiệt ròng 445 triệu đô la, tương ứng với 3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu các nhóm hàng này. Đây là kịch bản hoàn toàn trái ngược so với cùng kỳ năm 2020: được hưởng lợi ròng không nhỏ trong xuất nhập khẩu các nhóm hàng này.

Như vậy, tuy là xuất khẩu nhóm hàng này trong hai tháng qua đã tăng đến 17,3% (4,9 tỉ so với 4,2 tỉ đô la), nhưng nếu quy về giá cùng kỳ thì chỉ tăng 10,5% (4,6 tỉ so với 4,2 tỉ đô la). Tương tự như vậy, nhập khẩu nhóm hàng này còn tăng mạnh hơn với 20,6% (9,98 tỉ so với gần 8,3 tỉ đô la), nhưng nếu quy về giá cùng kỳ thì cũng chỉ tăng 11,8% (9,25 tỉ so với gần 8,3 tỉ đô la).

Những điều nói trên có nghĩa là, giá cả thế giới tăng đã góp phần không nhỏ trong việc làm khuếch đại cả “rổ hàng hóa xuất khẩu” lẫn “rổ hàng hóa nhập khẩu” của Việt Nam.

Còn trên tổng thể, so với cùng kỳ, tuy xuất khẩu hai tháng vừa qua đã đạt 48,7 tỉ đô la, tăng gần gấp 3 lần (24,7% so với 8,7%), nhưng nhập khẩu đã đạt 47,1 tỉ đô la, tăng đến 9,5 lần (26,4% so với 2,8%).

Cũng chính vì vậy, xuất siêu đã giảm cả tuyệt đối lẫn tương đối, từ 1,82 tỉ đô la trong cùng kỳ năm 2020 xuống 1,64 tỉ đô la hiện nay và tỷ lệ tương ứng là 4,9% và 3,5%.

Từ những thực tế đó, có thể chắc chắn hai điều sau đây:

Thứ nhất, nếu xu thế giá cả thế giới nói trên còn tiếp tục trong những tháng tới, tuy xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc, nhưng nhập khẩu sẽ còn tăng tốc mạnh hơn nên xuất siêu sẽ tiếp tục giảm, thậm chí nguy cơ tái nhập siêu cũng có thể xảy ra.

Thứ hai, những diễn biến đó có tác dụng không nhỏ trong việc hâm nóng thị trường trong nước và quá trình này có thể vẫn còn tiếp tục. Do vậy, việc lạm phát gia tăng vừa qua có thể chỉ mới là bước khởi đầu.

Hai “góc khuất”

Có thể nói, bên cạnh những tác động từ bên ngoài nói trên, những biến động trong xuất nhập khẩu còn bắt nguồn từ sự cộng hưởng của những tác nhân chủ quan sau đây:

Thứ nhất, cho dù các FTA mới đã nhận được không ít những “lời có cánh”, nhưng thị trường xuất nhập khẩu vẫn “ngựa theo đường cũ”, nếu không muốn nói là tình hình còn nghiêm trọng hơn.

Đó là, với tới năm trong sáu thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam hiện nay nằm trong các FTA mới, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và EU-28 (EU và Anh), tổng tỷ trọng xuất khẩu chỉ còn 51,7%, giảm so với 54,7% trong cùng kỳ năm 2020, còn tổng tỷ trọng nhập khẩu lại tăng từ 71,9% lên 74,5%.

Trong đó, điểm sáng duy nhất là tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh từ 14% lên 16,4%, nhưng đây lại cũng là điểm “tối” nhất trong nhập khẩu với tỷ trọng tăng đột biến từ 24,9% lên 32,7%.

Trong khi đó, với thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu duy nhất không nằm trong các FTA mới hiện nay là Mỹ thì tỷ trọng xuất khẩu cũng tăng mạnh không kém, từ 26,3% lên 28,4%; nhưng ngược lại, tỷ trọng nhập khẩu lại giảm rõ rệt từ 5,9% xuống 4,8%.

Cũng chính do những biến động như vậy, trong khi nhập siêu từ thị trường Trung Quốc đã phục hồi thì xuất siêu sang thị trường Mỹ đã tăng đột biến, đạt kỷ lục mới 11,6 tỉ đô la và 511,8%.

Thứ hai, xét theo nhóm hàng, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tăng đột biến 42,1% và đạt 4,25 tỉ đô la, trong khi xuất khẩu chỉ đạt 6,27 tỉ đô la do chỉ tăng chưa bằng một nửa (20,3%); còn nhập khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tăng rất mạnh 28,2% và đạt 8,3 tỉ đô la, chỉ thấp hơn không đáng kể so với 8,4 tỉ đô la xuất khẩu do chỉ tăng 26,8%.

Trong đó, hai tác nhân dẫn đến nhập khẩu nhóm hàng này tăng đột biến như vậy là do nhập khẩu từ thị trường ASEAN tăng tới 1,85 lần và thị trường Trung Quốc tăng 1,77 lần.

Trong khi đó, đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, mối liên hệ trong nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc và xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng rất rõ ràng. Đó là, nhập khẩu từ Trung Quốc trong hai tháng qua đã tăng đột biến hơn 5,83 tỉ đô la và 69,8%; còn xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Mỹ cũng tăng đột biến 2,73 tỉ đô la và 63,9%, các thị trường khác (ngoài sáu thị trường chủ yếu) tăng 2,36 tỉ đô la và 35,9%, EU - 28 tăng hơn 1 tỉ đô la và 22,5%.

Trong đó, tiêu biểu nhất hiện tại có lẽ là nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác từ Trung Quốc tăng từ 1,98 tỉ lên 3,36 tỉ đô la, nên tỷ trọng cũng tăng từ 38% lên 49,4%; còn xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng tăng từ 952 triệu đô la lên 2,73 tỉ đô la và tỷ trọng tăng từ 30,4% lên 48,8%.

Nói tóm lại, cho dù xuất khẩu tăng mạnh là điều hết sức đáng mừng, nhưng bên cạnh đó nhập khẩu cũng đã tăng mạnh hơn, nên xuất siêu đã co lại. Bên cạnh giá cả thế giới biến động là yếu tố bất khả kháng, nguyên nhân có lẽ là bởi các FTA thế hệ mới chưa phát huy được tác dụng thúc đẩy xuất khẩu, nên chỉ riêng thị trường Mỹ đã phải “gánh” tới 36,9% tổng mức tăng, nhưng lại thúc đẩy nhập khẩu và chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm 62,2%. Vì thế, mối liên hệ như thế nào giữa nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang Mỹ có lẽ là câu hỏi trọng tâm đặt ra cho các nhà quản lý với mục tiêu không có gì khác ngoài việc thích ứng với trạng thái mới đã bắt đầu hình thành.

Xem thêm: lmth.-iom-gnouht-hnib-iaht-gnart-iov-gnu-hciht-uahk-pahn-taux/120513/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Xuất nhập khẩu: thích ứng với 'trạng thái bình thường mới'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools