Rừng phòng hộ bị phá để mở đường - Video: ĐÌNH CƯƠNG
Sáng 5-4, ông Lê Trọng Yên - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra thực tế hiện trường vi phạm vụ "tự ý ủi đường, hủy hoại hơn 5.600m2 rừng phòng hộ thủy điện Đắk R’Tih".
Tại hiện trường, ông Yên yêu cầu các ngành chức năng, địa phương liên quan phải tiến hành kiểm tra hồ sơ địa chính, đo đạc diện tích rừng phòng hộ bị hủy hoại, diện tích đất nông nghiệp bị san ủi trái phép để có mức xử phạt đúng quy định, ngăn chặn việc tái phạm.
Ông cũng yêu cầu UBND TP Gia Nghĩa sớm có báo cáo về thực trạng như báo Tuổi Trẻ đã phản ánh nhằm có thông tin phản hồi trong cuộc họp báo vào cuối tuần này.
Liên quan đến vụ việc này, sáng cùng ngày, ông Đỗ Ngọc Trai - hạt trưởng Hạt kiểm lâm TP Gia Nghĩa - cho biết đã xác định được người vi phạm và đã ra quyết định xử phạt hành chính trong việc hủy hoại rừng phòng hộ.
Ông Lê Trọng Yên (đứng đầu, bên trái) yêu cầu phải sớm có báo cáo và xử lý những người vi phạm - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Theo đó, ông Nguyễn Thế Hưng, trú tại thôn 3, Nhân Cơ (Đắk R’Lấp, Đắk Nông), được xác định là người đã thuê ông Phạm Văn Thắng, trú tại phường Nghĩa Phú (TP Gia Nghĩa), trực tiếp đưa máy móc đến san ủi tuyến đường dài gần 2km ven hồ thủy điện Đắk R’Tih.
Qua đo đạc tại hiện trường, xác định ông Hưng và ông Thắng đã hủy hoại 5.624m2 rừng phòng hộ bán ngập (cây gáo vàng) hồ thủy điện Đắk R’Tih.
"Hạt kiểm lâm TP Gia Nghĩa đã ra hai quyết định xử phạt hành chính đối với ông Hưng và ông Thắng với tổng số tiền 22 triệu đồng (11 triệu đồng/người) về hành vi hủy hoại hơn 5.600m2 rừng phòng hộ, và hai người này đã chấp hành việc nộp phạt. Quyết định xử phạt hành chính cũng buộc ông Hưng và ông Thắng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với số cây gáo vàng đã bị hủy hoại", ông Trai thông tin.
Theo ông Trai, ngoài hành vi hủy hoại rừng, ông Hưng và ông Thắng còn phải bị xử phạt hành vi hủy hoại đất và thẩm quyền xử phạt hành chính thuộc UBND xã R’Moan.
Mức xử phạt, theo ông Phạm Trung Đông - phó chủ tịch UBND xã Đắk R’Moan, được tham mưu ở mức từ 10-20 triệu đồng và buộc phải trả lại hiện trạng đất như ban đầu.
Ngoài hủy hoại rừng, những người vi phạm còn thay đổi hiện trạng, hủy hoại rất nhiều diện tích đất nông nghiệp - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, đầu tháng 3-2021, có người tự ý đưa máy móc vào ủi một tuyến đường rộng 8-10m, dài khoảng 2km dọc bờ hồ thủy điện Đắk R’Tih. Sau nhiều ngày làm việc, cơ quan chức năng vẫn không xác định được thủ phạm hủy hoại đất, rừng cho đến khi báo chí thông tin mới quyết liệt truy tìm.
Có toan tính về việc mua gom đất rẫy làm dự án khiến đất bị thổi giá từ 600 triệu đồng lên 4 tỉ đồng/ha - Ảnh: TRUNG TÂN
Ngoài ra, theo tài liệu của phóng viên Tuổi Trẻ Online, tại khu vực thôn Tân Hiệp, giá đất đang bị thổi lên quá cao do doanh nghiệp mua gom đất rẫy và ‘quy hoạch’ thành khu nghỉ dưỡng ven hồ.
Còn tại thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R'Lấp, Đắk Nông), một người dân từ TP.HCM lên cũng mua gom đất rồi tự ý san ủi, phá rừng phòng hộ, chiếm đất Công ty thủy điện Đắk R'Lấp để xây biệt thự, khu nghỉ dưỡng.
TTO - Nghiên cứu mới ghi nhận phá rừng là yếu tố chính dẫn đến nhiều loại virus xuất hiện như SARS-CoV-2 và các bệnh truyền nhiễm như bệnh sốt rét.