Từ ngày 5-4, các tàu chiến của Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Pháp sẽ cùng nhau đi qua Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong cuộc diễn tập mang tên La Perouse, kéo dài ba ngày do Pháp dẫn đầu ở khu vực Vịnh Bengal, tờ South China Morning Post đưa tin.
Đây sẽ là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa các nước Bộ tứ - gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ - sau khi các nhà lãnh đạo của các quốc gia này gặp nhau thông qua Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng trước.
Trước đó, các quốc gia “Bộ tứ” (QUAD) đã từng tham gia cuộc tập trận chung mang tên Malabar do Ấn Độ dẫn đầu vào tháng 11 năm ngoái. Với sự tham gia và dẫn dắt của Pháp, cuộc tập trận lần này được xem là “QUAD +”.
Cuộc tập trận chung của hải quân Ấn Độ và Nhật Bản. Ảnh: TWITTER
Theo giới quan sát, cuộc tập trận lần này là hình thức hợp tác quân sự mà nhóm QUAD có thể thực hiện để có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các quốc gia đồng minh.
Cuộc tập trận La Perouse vào năm 2019 do Pháp dẫn đầu có sự tham gia của các quốc gia gồm Australia, Nhật Bản và Mỹ nhưng không có Ấn Độ.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết rằng những nỗ lực của các quốc gia “Bộ tứ” là vô cùng quan trọng "trong việc chống lại ảnh hưởng xấu của Trung Quốc trong khu vực".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gọi “Bộ tứ” là một “nguy cơ an ninh” đối với chính quyền Bắc Kinh và khu vực “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên mô tả việc thành lập “Bộ tứ” chính là hành động “lôi kéo phe phái” nhằm chống lại chính quyền Bắc Kinh.
Ông Collin Koh Swee Lean - Tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) có trụ sở tại Singapore - cho biết cuộc tập trận "chắc chắn có ý nghĩa" nếu các nước quyết định biến nó thành một sự kiện thường niên.
“Nếu cuộc tập trận này diễn ra tốt đẹp, nó có thể trở thành một dấu hiệu đáng khích lệ cho các nước khác trong khu vực không thuộc nhóm QUAD xem xét các hoạt động hợp tác tương tự” - ông Collin Koh nhận định.
Trong một tuyên bố vào ngày 31-3, Đại sứ quán Pháp tại Ấn Độ gọi cuộc tập trận là "cuộc tập trận quy mô lớn của năm nước". Đồng thời, cơ quan này cho biết họ sẽ "tạo cơ hội cho lực lượng hải quân cấp cao của năm quốc gia có cùng chí hướng phát triển mối liên kết chặt chẽ hơn, trau dồi kỹ năng và thúc đẩy hợp tác hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Ông Yogesh Joshi - một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học quốc gia Singapore - cho biết rằng cuộc tập trận sẽ gửi tín hiệu đến chính quyền Bắc Kinh rằng “nếu tất cả các nước lớn khác đang lên án hành vi của Trung Quốc hay tập hợp với nhau để đối phó với sự quyết liệt của Trung Quốc, thì có nghĩa là đã có những sai trái trong hành vi của nước này”.
Vài ngày trước khi diễn ra cuộc tập trận La Perouse, không quân và hải quân Ấn Độ đã tham gia một cuộc tập trận với hải quân Mỹ ở vùng phía đông Ấn Độ Dương trong hai ngày 28-3 và 29-3.
Phía Ấn Độ điều tàu khu trục tên lửa INS Shivalik cùng máy bay tuần thám biển tầm xa P8I, trong khi Mỹ điều nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tham gia đợt diễn tập.