Thời gian qua, lãi suất vẫn cho thấy sự ổn định đối với cả lãi suất huy động, cho vay, liên ngân hàng và thị trường thứ cấp trái phiếu chính phủ.
Cụ thể, trên thị trường liên ngân hàng tuần qua (29/3 - 2/4), lãi suất chỉ biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn so với tuần trước đó. Chốt phiên ngày 2/4, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức qua đêm là 0,28% (-0,01 điểm %); 1 tuần là 0,39% (-0,01 điểm %); 2 tuần là 0,48% (-0,01 điểm %); 1 tháng là 0,69% (+0,03 điểm %).
Như vậy, nếu không tính đến đợt biến động ngắn hạn mang tính chất mùa vụ của lãi suất liên ngân hàng trước và sau Tết Nguyên đán, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã duy trì ở vùng thấp trong suốt 9 tháng qua.
Về lãi suất huy động, theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng quý 1/2021 tăng 2,04% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng 1,31% của cùng kỳ 2020. Mặc dù đã xuất hiện một vài trường hợp điều chỉnh tăng/giảm từ 10 – 40 điểm cơ bản tại một số ngân hàng thương mại (tập trung vào các kỳ hạn ngắn và khách hàng cá nhân) nhưng hầu hết vẫn giữ nguyên biểu lãi suất tiền gửi.
Đối với lãi suất cho vay, VCB áp dụng giảm lãi suất cho toàn bộ dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid trong 3 tháng, BIDV triển khai gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kéo dài đến 30/9/2021. Song theo ghi nhận, hầu hết các ngân hàng thương mại cũng vẫn giữ nguyên mức lãi suất cho vay so với cuối 2020.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 theo đó các ngân hàng thương mại có thể mở rộng phạm vi các khoản nợ được tái cơ cấu và có cơ sở để đưa ra phương án tài chính rõ ràng hơn nhờ ấn định thời điểm kết thúc tái cơ cấu, miễn giảm lãi là 31/12/2021 và quy định về trích lập dự phòng với lộ trình 3 năm.
Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho các ngân hàng thương mại trong việc triển khai hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Mặt khác, hoạt động kinh tế sôi động hơn sẽ khiến cầu tín dụng và lạm phát tăng cao hơn trong nửa cuối 2021 khiến lãi suất tiền gửi gia tăng.
Do đó, trong một báo cáo gần đây, nhóm nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục ổn định trong hầu hết quý 2/2021 nhưng có thể nhích tăng từ 30-50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2021.
"Đồng thời, lãi suất cho vay đối một số lĩnh vực ưu tiên có thể điều chỉnh giảm nhẹ ở một số ngân hàng nhưng về cơ bản mặt bằng lãi suất chung sẽ vẫn ổn định", SSI nhận định.
Trên thị trường trái phiếu chính phủ thứ cấp, lợi tức gần như đi ngang. Chốt tuần trước ở mức 1 năm 0,25%; 3 năm 0,66%; 5 năm 1,13%; 10 năm 2,39%; 15 năm 2,6%; 20 năm 3,03%; 30 năm 3,16%. Lũy kế từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 6 nghìn tỷ đồng trên thị trường này.
Duy nhất có lãi suất trên thị trường trái phiếu chính phủ sơ cấp có xu hướng nhích tăng.
Cụ thể, tuần qua, Kho bạc Nhà nước phát hành tổng cộng 3,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu ở cả 4 kỳ hạn gọi thầu, tương đương tỷ lệ trúng thầu là 65%, mức cao nhất trong 2 tháng vừa qua. Lãi suất trúng thầu tiếp tục nhích tăng 2-3 điểm cơ bản ở các kỳ hạn 5, 10 và 15 năm về sát mức lãi suất trúng thầu cuối năm 2020 và tiệm cận với lãi suất trái phiếu trên thị trường thứ cấp.
Tuy nhiên, nếu so lãi suất trúng thầu bình quân cả quý 1/2021 là 2,22%/năm thì lãi suất này vẫn đang ở vùng thấp (cùng kỳ năm trước 2,83%).
Xem thêm: mth.86685534150401202-hnid-no-nav-meik-teit-gnod-yuh-gnat-pac-os-ueihp-iart-taus-iol/nv.ymonocenv