vĐồng tin tức tài chính 365

Nghe đồng bằng sông Cửu Long “kể chuyện” biến đổi khí hậu

2021-04-05 15:44

“Triệu phú dừa sáp” Đặng Minh Bé (ảnh: M.M)

“Đến nay, bình quân mỗi cây dừa cho thu hoạch 100 trái/năm, thương lái thu mua tại vườn với giá từ 120.000 – 250.000 đồng/trái. Bình quân, mỗi trái dừa sáp cấy phôi cho lợi nhuận 100.000 đồng, hiệu quả gấp 5 - 10 lần dừa sáp trồng bằng phương pháp truyền thống và gấp 20 lần so với trồng dừa thông thường”, anh Bé khẳng định.

Nhờ chủ động sản xuất theo hướng thích nghi với biến đổi khí hậu, sau 8 năm, anh Đặng Minh Bé trở thành “triệu phú dừa sáp” ở đất Trà Vinh. Chia sẻ thêm với PV, triệu phú trẻ tuổi cho biết sẽ mở rộng vườn dừa, tuyển chọn những cây dừa sáp chất lượng cao để xây dựng bộ giống dừa sáp cấy phôi cung ứng ra thị trường.

Chia tay anh Bé ở đất Trà Vinh, chúng tôi lên đường đến thăm quan mô hình nuôi vịt biển ở huyện Ba Tri của tỉnh Bến Tre. Đây cũng là một mô hình canh tác nông nghiệp thích ứng với nạn xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt tại địa phương.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang mới xây tại ấp 9, xã Hưng Hiệp (huyện Ba Tri), bà Lê Thị Kim Cúc chia sẻ: Trước đây bà nuôi vịt quế nhưng năng suất thấp, điều kiện nắng nóng hạn hán kéo dài khiến ao hồ cạn nước, nứt nẻ, vịt thiếu nước ngọt để sống, rồi bị chết do dịch.

Bà Cúc nằm trong danh sách hộ nghèo nên được dự án AMD Bến Tre phối hợp với chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre, hỗ trợ phát triển mô hình chăn nuôi vịt biển.

Bà Lê Thị Kim Cúc đứng trên mảnh vườn nứt nẻ vì khô hạn của mình (ảnh: M.M)

Theo ông Bùi Thanh Sang - Điều phối viên cấp huyện của dự án AMD Bến Tre (ảnh phải), mô hình nuôi vịt biển là mô hình trình diễn, ban đầu được triển khai tại 10 hộ dân xã An Hiệp, mỗi hộ được hỗ trợ 100% chi phí mua 300 con giống, 30% chí phí thức ăn, 30% chi phí vắc-xin tiêm phòng và thuốc thú y, phần còn lại là vốn đối ứng của người nông dân.

“Với thời gian nuôi từ 55 đến 60 ngày, mỗi con vịt biển đạt trọng lượng khoảng 2,5 – 2,6 kg, năng suất và chất lượng đều cao hơn giống vịt cũ. Điều đặc biệt, giống vịt này có khả năng sinh sống trong điều kiện nước bị nhiễm mặn cao nên rất phù hợp để chăn nuôi nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu”, ông Sang nói.

Đồng thời, ông cho biết thêm: Tình hình hạn hán ở xã An Hiệp đã xảy ra nhiều năm nay. Nước nhiễm mặn, thiếu nước ngọt, ruộng đồng nứt nẻ… Lẽ ra, mùa này đã có lúa vụ đông xuân rồi nhưng do ngập mặn nên không làm được.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Cúc cho hay: Khi nuôi vịt biển tôi thấy rất thích, ăn không có mỡ. Giá thành vịt biển cao hơn vịt quế, bán ra đắt hơn nhưng bạn hàng vẫn ưa chuộng. Bên cạnh sinh trưởng, phát triển nhanh thì vịt biển có thể đẻ trứng chỉ sau 5 - 6 tháng nuôi với năng suất từ 240 - 245 trứng/con/năm.

“Nhờ có vịt biển, tôi thoát nghèo, nuôi được con ăn học, cho con đi xuất khẩu lao động, xây được nhà…”, bà hồ hởi nói.

Thuận thiên phát triển và 3 năm gỡ “vòng kim cô” cho đồng bằng sông Cửu Long

Chúng tôi đến ĐBSCL chỉ ít ngày sau khi nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (hiện giờ là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc) chủ trì hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, ở Cần Thơ ngày 13/3/2021.

Chỉ trong chưa đầy 5 năm, Chính phủ đã tổ chức 3 hội nghị dành riêng cho ĐBSCL để định hướng phát triển bền vững vùng này, với mục tiêu vừa thích ứng với biến đổi khí hậu vừa phát triển vùng thành vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước.

Trước đó, năm 2017, tại hội nghị lần đầu tiên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Thủ tướng Chính phủ, đã đưa ra định hướng phát triển vùng theo hướng thuận thiên, nghĩa là tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững.

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát tình hình biến đổi khí hậu ở ĐBSCL bằng trực thăng năm 2017 (ảnh: VGP)

Cũng trong năm này, ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.

Vào thời điểm đó, một số nhà khoa học nhận định, Nghị quyết 120 đã lần đầu gỡ “vòng kim cô” cho nông nghiệp của vùng này. Thay vì chỉ trông chờ vào cây lúa, người nông dân được khuyến khích chăn nuôi và trồng cây ăn quả… phù hợp theo mùa cũng như cơ cấu đất đai và diễn biến của biến đổi khí hậu.

Cho đến nay, khi đứng trên mảnh đất Trà Vinh, Bến Tre và Bạc Liêu – là 3 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước về hạn hán và xâm nhập mặn, chúng tôi cảm nhận được sự xoay chuyển trục cơ cấu nông nghiệp của vùng này sau 3 năm Nghị quyết 120 đi vào cuộc sống.

Chính những người nông dân như ông Trí, bà Cúc, anh Bé… đã làm bộ mặt nông thôn vùng ĐBSCL thay đổi.

“Nghị quyết 120 đã tạo chuyển biến căn bản về mặt nhận thức, tư duy phát triển ĐBSCL theo hướng “thuận thiên”. Từ chỗ phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên ưu đãi như điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lợi thủy sản, cơ cấu sản xuất ở ĐBSCL đã chuyển sang phát triển dựa vào năng suất lao động, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Tư duy phát triển cũng thay đổi toàn diện, coi nước mặn, nước lợ là tài nguyên để chuyển đổi cơ cấu, phát triển sản xuất hiệu quả”.

(TS. Huỳnh Thị Lan Hương - Phó Viện trưởng viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu)

Nước biển xâm nhập vào các con sông lớn ở miền Tây 50-90 km, thời điểm tháng 4/2020 (sâu hơn năm 2016 từ 2 đến 11km) - Ảnh: altcotech.com

ĐBSCL vốn là vùng đất thấp ven biển của Việt Nam nên chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Trước đó, liên tiếp hai năm 2019-2020, ĐBSCL hứng chịu 2 đợt xâm nhập mặn mùa khô ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử, ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh của toàn vùng.

Hạn, xâm nhập mặn cũng đã làm cho khoảng 96.000 hộ dân, tương đương khoảng 430.000 nhân khẩu đang sinh sống tập trung tại 7 tỉnh ven biển (Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An và Trà Vinh) thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Các chuyên gia cho biết, sở dĩ xảy ra tình trạng như vậy là vì vùng này phải đối mặt với thách thức rất lớn đến từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở phía thượng nguồn sông Mekong, cũng như phát triển kinh tế - xã hội nội tại của chính khu vực.

Biểu đồ xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 3/2020 (đồ hoạ: TTXVN)

Chuyên gia hiến kế các giải pháp “không hối tiếc”

“Đừng coi hạn, mặn là kẻ thù”, thông điệp của TS. Nguyễn Hồng Tín đã được ghi nhận, song vấn đề là làm thế nào để thích ứng với hạn, mặn mà vẫn tạo ra giá trị cao cho sản phẩm nông nghiệp.

TS. Nguyễn Hồng Tín (viện Nghiên cứu Phát triển đồng bằng Sông Cửu Long, đại học Cần Thơ) - ảnh: M.M

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, TS. Nguyễn Hồng Tín giải thích về biến đổi khí hậu: Thời tiết và khí hậu khác nhau ở chỗ, thời tiết diễn ra trong thời gian ngắn còn khí hậu là cả một quá trình diễn ra trong thời gian dài và lặp lại. Nếu nó không gặp lại thì là biến đổi khí hậu.

Thưa ông, vì sao ĐBSCL lại thường xuyên bị hạn hán và ngập mặn?

Vùng ĐBSCL của Việt Nam là một trong năm đồng bằng dễ tổn thương nhất thế giới vì biến đổi khí hậu, do có địa hình thấp trũng, đường bờ biển dài, đất mềm, phần lớn hoạt động sản xuất là nông nghiệp và liên quan đến nông nghiệp.

Những năm gần đây, ĐBSCL chịu ảnh hưởng từ sự phát triển kinh tế xã hội tại chính khu vực cũng như ở các nước phía thượng nguồn sông Mekong. Sự phát triển chưa đi đôi với bảo vệ môi trường này đã khiến cho Trái đất nóng lên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Ông có nhấn mạnh quan điểm: Đừng coi hạn, mặn là kẻ thù. Tôi hiểu là nếu biết chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng biến khó khăn thành cơ hội thì có thể duy trì sản xuất bền vững dựa trên sự thích ứng với biến đổi khí hậu. Xin hỏi ông: Có phải cứ hạn mặn thì bỏ trồng lúa chuyển sang nuôi tôm, vịt, trồng lạc, dừa…?

Tôi lấy ví dụ 1ha lúa nếu làm thành công sẽ thu khoảng 8 tấn, với giá 6 triệu/tấn thì doanh thu là 48 triệu đồng. Nhưng với diện tích đó nếu nuôi tôm thì giá trị kinh tế lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, không có nghĩa là nên chuyển dịch hoàn toàn lúa sang tôm. Có thể khi mùa mưa thì làm lúa, lúc nào hết mùa mưa, mặn vào thì làm tôm. Nuôi tôm thu được lợi nhuận cao nhưng nếu thâm canh tôm nhiều thì sẽ dẫn tới ô nhiễm.

Nên giờ ĐBSCL phải chia ra làm 3 vùng: Vùng phía trên có nguy cơ lũ lụt, phải thận trọng để đầu tư các giải pháp “không hối tiếc”; vùng giữa an toàn có đê bao thì trồng cây ăn trái và vùng ven biển thì canh tác các mô hình có khả năng chuyển đổi.

TS. Nguyễn Hồng Tín đi thực địa tác nghiệp cùng một số nhà báo ở Hà Nội và TP.HCM tại Trà Vinh, tháng 3/2021 - ảnh: M.M

Xin ông nói rõ hơn về các giải pháp “không hối tiếc”

Đây là thuật ngữ được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra cách đây vài năm. Nó có nghĩa là những giải pháp mở, linh động, để đối phó với biến đổi khí hậu.

Ví dụ ở Trà Vinh và Bến Tre, để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, họ có giải pháp mềm và cứng. Phần lớn giải pháp mềm thì “không hối tiếc”, phát triển uyển theo sự phát triển của tự nhiên, hiện nay theo mô hình canh tác thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vậy theo ông, nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL hiện nay cần giải pháp gì để đạt hiệu quả cao hơn?

Từ khi Nghị định 120 được triển khai thì đã có nhiều chuyển biến tích cực. Một số địa phương, đặc biệt các vùng ven biển như Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng đã có những hành động kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, một trong những giải pháp quan trọng là phải quy hoạch một cách tích hợp, liên kết các địa phương lại với nhau, tránh để các địa phương tự cạnh tranh với nhau, ví dụ, nếu tất cả cùng nuôi tôm thì sẽ tự cạnh tranh với nhau. Cho nên, cần có những quy hoạch tổng thể và bám vào quy hoạch để thực thi chứ không để phát triển tự phát.

Thứ hai, cố gắng tăng giá trị sản phẩm lên. Thay vì làm nhiều nhưng giá trị thấp thì giờ làm ít nhưng tăng giá trị bằng các chứng nhận hữu cơ, VietGap…

Nhưng để có được điều đó cần có sự liên kết, đồng bộ về hạ tầng. Ví dụ, nhà máy chế biến tôm ở Bạc Liêu và Cần Thơ, trong khi nuôi tôm ở Trà Vinh hay Bến Tre thì giá thành sẽ đội lên. Do hạ tầng không có, không xây được nhà máy, khi đưa ra thị trường sẽ giảm khả năng cạnh tranh.

Người nông dân phải chấp nhận liên kết mới tồn tại. Ví dụ, các ruộng khi doanh nghiệp đầu tư thì không thể nào làm nhỏ lẻ, mà phải theo vùng. Và người nông dân phải chấp nhận là một trong vùng đó.

Sau khi tổng kết nghị định 120, chắc chắn Chính phủ sẽ cùng các bộ ngành sẽ phải có chỉ đạo phù hợp trong bối cảnh mới.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Minh Minh(thực hiện)

“Tôi mong Chính phủ nhiệm kỳ tới sẽ quy hoạch đầu tư nhiều hơn nữa cho giao thông nông thôn vùng ĐBSCL, đặc biệt là giao thông thuỷ nội địa, để kết nối vùng miền nhằm giải phóng sức sản xuất, giải phóng đầu ra cho nông sản của bà con. Nếu giao thông thuận lợi hơn, chắc chắn vùng này sẽ phát triển rất mạnh”.

(Đại biểu Quốc hội Lê Bình Nhưỡng, đoàn Đồng Tháp, trả lời PV Người Đưa Tin Pháp luật bên hành lang Quốc hội XIV kỳ họp 11, ngày 24/3/2021)

Xem thêm: lmth.454015a-uah-ihk-iod-neib-neyuhc-ek-gnol-uuc-gnos-gnab-gnod-ehgn/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nghe đồng bằng sông Cửu Long “kể chuyện” biến đổi khí hậu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools