Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: CTV
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các cộng sự của mình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong một nhiệm kỳ mà "mưa chẳng thuận, gió chẳng hòa". Quốc hội đã bầu ông Phạm Minh Chính làm tân thủ tướng, một sự lựa chọn cho tương lai của nền kinh tế Việt Nam.
Nhìn lại hành trang mà tân thủ tướng có được từ những trọng trách đã trải nghiệm, chúng ta kỳ vọng người đứng đầu Chính phủ sẽ thúc đẩy một Chính phủ hành động.
Nhưng tất cả mới chỉ là bước khởi đầu. Hành trình cải cách và phát triển còn rất nhiều việc phải làm và rất gian nan.
Ổn định kinh tế phải dựa vào nền tảng vững chắc hơn là nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để giảm được sự lệ thuộc vào đất đai và tài nguyên, giảm được chi tiêu thường xuyên trên cơ sở tinh giản bộ máy hành chính và nhân sự để dành được nhiều nguồn lực hơn cho đầu tư phát triển.
Phải tăng được hiệu quả đầu tư công và huy động được tối đa các nguồn lực từ dân để giải quyết được các nút thắt về cơ sở hạ tầng được dự báo sẽ là một trong những điểm nghẽn lớn nhất, trước yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế trong những năm sắp tới.
Về cải cách thể chế, pháp luật kinh doanh còn chồng chéo, thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà. Không ít thủ tục hành chính làm khó cho dân, làm nghèo đất nước vẫn chưa được xóa bỏ. Việc sửa đổi Luật đất đai để khơi thông nguồn lực phát triển Quốc hội và Chính phủ kỳ này vẫn còn nợ người dân và doanh nghiệp.
Cũng phải nói rằng trong những năm qua, trong lĩnh vực cải cách thể chế và thủ tục hành chính chúng ta đã làm được nhiều việc, nhưng đó thường là những việc tương đối dễ dàng. Những vấn đề "xương xẩu" khó khăn nhất đang còn gác lại. Cải cách, đổi mới đang đứng trước một giai đoạn cần những nỗ lực đột phá hơn và quyết liệt hơn để đáp ứng đòi hỏi của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.
Nhiệm kỳ của Chính phủ vừa qua cũng có thể được coi là một nhiệm kỳ "nhóm lửa". Chúng ta đã nói nhiều đến khát vọng bay lên, khát vọng hùng cường, nhưng nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn luôn hiện hữu.
Không thể vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình nếu không vượt khỏi bẫy chất lượng thể chế trung bình.
Sau những nỗ lực cải cách, đổi mới và thăng hạng nhưng cho đến nay môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn đang ở thứ hạng 68-70, tức là mới xếp ở mức "thường thường bậc trung" trong cuộc đua thế giới.
Vì vậy, "đội đua" cải cách thể chế của Việt Nam cần phải được tăng tốc.
TTO - Hôm nay, theo dự kiến, tân Chủ tịch nước và tân Thủ tướng Chính phủ sẽ tuyên thệ nhậm chức. Rất nhiều gửi gắm đã được nêu ra với tân Thủ tướng và bộ máy Chính phủ, đó là phải tạo đột phá đưa đất nước phát triển nhanh hơn nhưng phải bền vững.
Xem thêm: mth.15043857060401202-ehc-eht-hcac-iac-aud-iod-cot-gnat/nv.ertiout