Các bạn trẻ thân mến,
Mỗi buổi sáng mặt trời mọc lên phía đằng Đông, rồi chiều sẽ lặn về phía đằng Tây, luôn luôn là như vậy. Chuyện cũ như trái đất khiến chúng ta chẳng mấy bận tâm. Nhưng có điều này các bạn nên nhớ: mỗi ngày đều trôi qua trong 24 giờ, bất luận chúng ta làm gì. Xuân, Hạ, Thu, Đông; bốn mùa cứ tuần tự trôi qua, bất luận chúng ta là ai, chúng ta làm gì.
Chúng ta nằm ngủ cũng hết một ngày. Chúng ta ngồi chơi game cũng xong một ngày. Chúng ta đi leo núi cũng trọn một ngày. Chúng ta đọc sách hay nấu ăn thì một ngày cũng trôi qua. Vấn đề là chúng ta muốn gì? Chúng ta muốn gì khi chúng ta là những người tuổi trẻ. Tuổi của nguồn năng lượng dồi dào nhất. Tuổi của suối nguồn mát lành tưởng chừng bất tận. Tuổi của những rồ dại không chần chừ.
Tuổi trẻ, tự thân nó đã là một tài sản, một món quà vô giá. Bạn hãy nhìn đi. Từ gương mặt đến vóc dáng, hơi thở, làn da, mái tóc… ở tuổi trẻ đều đẹp tuyệt vời, đẹp rạng ngời. Ngay cả với những bạn có nhan sắc kém cỏi nhất thì thanh xuân cũng làm bạn rạng ngời. Vậy thì đừng phí hoài tuổi trẻ, đừng biếng lười ủ ê. Hãy tưng bừng sống trong từng ngày. Đừng ngủ vùi mặc kệ ngoài qua. Đừng mãi cắm đầu vào điện thoại mà không ngẩng lên với một tiếng chào, một nụ cười.
Các bạn trẻ yêu quý,
Mỗi giây mỗi phút mỗi giờ mỗi ngày, trên mạng xã hội này, chúng ta viết gì cũng được, thể hiện gì cũng có người "đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu", lượt view, like, share, comment… thôi thì không đếm xuể. Có vẻ như mọi thứ đến với ta khá dễ dàng phải không nhỉ?.
Nhưng, nên nhớ cuộc đời không phải vậy. Để có một công ăn việc làm, một chỗ đứng nhỏ nhoi trong xã hội, để được tôn trọng theo đúng nghĩa con người, không hề dễ dàng một chút nào. Nó không phải là chuyện diễn ra trong… ba nốt nhạc. Mà để có được điều đó chúng ta phải nhẫn nại, nỗ lực làm việc cật lực mỗi ngày. Nhưng không phải bao giờ cũng được nhìn nhận, không phải lúc nào cũng may mắn, đời cứ thế trôi qua trong những chuỗi ngày sống mòn. Nhân tiện, "sống mòn" là chữ của cụ Nam Cao, cha đẻ của Chí Phèo, Thị Nở đấy nhé các bạn.
Các bạn phải hiểu rằng không có cái gì dễ dàng đến như những cái "like xã giao", những cú "thả tim" không cần toan tính. Không có gì dễ dàng cả các bạn ạ. Xin nêu ví dụ. Để được tham gia vào một bộ phim. Để được chiếu vào những cụm rạp tốt và suất giờ vàng. Để được ngợi khen hết cỡ bất chấp. Khen không tì vết. Tất cả đều không phải tự nhiên, dễ dàng. Tất cả đều phải có điều kiện. Thậm chí là có ngã giá và trả giá.
Cho nên, bỏ tiền ra mua vé xem một bộ phim, hay xem một chương trình ca nhạc, hay nghe một người giàu kể chuyện, rồi thì chúng ta phải lập tức quay trở về với vấn đề của mình, với bản thân mình, với gia đình mình. Hãy nhớ, gia đình là chốn nương náu cuối cùng.
Thưa các bạn trẻ,
Có thể là tôi sai. Nhưng theo tôi thì không có một bậc đại sư, cũng như không có một tác phẩm nghệ thuật nào có thể làm thay đổi cuộc đời của chúng ta, nếu như chúng ta không tự khơi nguồn cảm xúc, không có năng lực tự nhận thức. Nghĩa là người ta không thể đẩy mãi một chiếc xe nếu nó không chịu nổ máy. Gió không thể đẩy mãi một chiếc thuyền nếu như chúng ta không chịu chèo đi. Chúng ta có thể khóc hôm nay, nhưng ngày mai lại vô cảm như thường, nếu chúng ta không có cái gì rung cảm thực sự trong lòng mình.
Tôi là một người cha của hai cậu con trai đầy cá tính. Khi cậu con đầu bước vào lớp 9 thì cũng là lúc cậu bước vào cuộc "khủng hoảng tuổi dậy thì". Tôi vẫn nhìn nhận con trai là cậu bé ngoan, nhưng tâm lý chênh vênh, mà như dượng Tony Buổi Sáng vẫn hay nói là "ngơ ngáo với cuộc đời". Thấy không ổn, tôi cho con tham gia một khóa trại hè Superteens của thầy Ernest Wong đến từ Singapore. Khóa học diễn ra một tuần ở thành phố biển Vũng Tàu.
Lần đầu tiên cậu bé xa nhà, xa gia đình một thời gian dài như vậy. Chúng tôi hoang mang và lo lắng vô cùng. Cuối khóa học, đích thân tôi xuống Vũng Tàu đón con về. Đó là buổi học sau cùng, cũng là buổi tổng kết có sự tham gia của phụ huynh. Những người con được thầy Ernest Wong hướng dẫn viết thư xin lỗi cha mẹ mình, cùng với lời hứa thay đổi tích cực. Cuộc hội ngộ diễn ra trong những cái ôm xiết và nước mắt tuôn trào.
Chưa bao giờ tôi thấy nước mắt nhiều như thế. Nó khiến mình cũng bị lây lan cảm động. Cậu con trai tôi cũng cảm động suýt òa khóc. Nhưng tôi chỉ mỉm cười với con. Tôi luôn yêu thương con một cách vô điều kiện. Tôi không muốn thấy những giọt nước mắt lây lan. Hãy khóc khi có cái gì đó thực sự trong lòng mình. Hãy cười khi nhận ra niềm vui sướng tự thân.
Thưa các bạn trẻ,
Những cái gì bên ngoài, dù đẹp đẽ cách mấy, rồi cũng trôi đi. Đừng cứ mãi đánh đu với đời. Đừng cứ mãi vọng động ra bên ngoài. Hãy cứ khát vọng kiếm tiền tỷ. Nhưng không kiếm được cũng chẳng sao. Hãy tìm đọc tiểu thuyết. Nghiên cứu lịch sử, địa lý. Học đánh đàn ghi ta. Học tiếng Anh. Chăm chỉ thể thao. Đi phượt về nông thôn. Tham gia thiện nguyện. Thương yêu anh em, cha mẹ của mình. Yêu thương vô điều kiện. Con trai thì khí khách đàn ông. Con gái thì phẩm hạnh đàn bà. Giàu có tâm hồn. Giàu có kiến thức. Giàu có sức khỏe. Đừng để nghèo toàn diện.
Nhân nói chuyện đọc sách, tôi thấy các bạn trẻ ngày nay ít đọc quá, nhiều bạn còn "lý sự" rằng đã có mạng internet thì cần gì đọc sách? Theo tôi, nghĩ như thế là chưa chuẩn. Nếu ví von thì đọc sách như được bơi ngoài sông ngoài biển, còn đọc internet thì bơi trong kênh trong hồ. Đọc sách vừa tìm kiếm tri thức vừa bồi dưỡng tâm hồn. Các bạn trẻ hãy nhớ lấy điều này: khi bạn ngang hàng với những người cùng trang lứa, thì để bứt lên, để khác biệt, không có gì khác hơn là đọc sách.
Các bạn trẻ thân mến,
Tôi là một người cha nghèo. Nhưng tôi không bao giờ bắt con mình phải có "trách nhiệm làm giàu". Tôi không bắt con cái phải gánh gồng ước mơ đời mình, cái gì đời cha mẹ không làm được thì con cái phải làm thay. Không, tôi tuyệt đối không làm như vậy. Mỗi người, hãy sống lấy phần đời của mình.
Nhà văn Trần Nhã Thụy |
Tôi luôn nói với các con mình rằng, giàu được thì tốt quá, nhưng nghèo cũng chả sao, quan trọng là phải làm chủ cuộc sống của mình. Đừng nghèo mà sống kiểu trưởng giả, cứ mải quần này giày nọ nón kia. Hãy sống thực chất.
Đừng mê tín người nổi tiếng, cũng đừng mê tín người giàu. Người giàu có thể mời mình một bữa ăn, tặng mình một món tiền, nhưng người giàu không bao giờ chia tài sản của họ cho mình, ngay cả khi mình là ân nhân của họ. Nhưng đừng ghét người giàu, cũng đừng khinh người nghèo. Ghét người giàu là thể hiện tâm lý đố kỵ, mặc cảm. Ghét người nghèo là biểu hiện sự kiêu ngạo, bất cận nhân tình. Không có người nghèo thì không có người giàu. Nhưng giàu hay nghèo thì chúng ta ai cũng chỉ sống một cuộc đời.
Các bạn trẻ yêu quý,
Nhân xem phim “Bố già” của Trấn Thành, tôi mạo muội đề nghị các bạn xem thêm “Bố già” của đạo diễn người Mỹ Francis Ford Coppola. Tôi nhớ, Bố già tức Ông trùm trong The Godfather nói với cậu con trai út của mình rằng: "Con biết vì sao ta làm những chuyện này không? Vì ta không muốn làm một thằng khờ, không muốn làm con rối cho cuộc đời giật dây". Đó là điều rất đáng suy nghĩ. Đừng làm con rối cho cuộc đời giật dây.
Có lẽ do có con trẻ nên tôi thường nghĩ và thương các bạn trẻ vô cùng. Nếu làm được điều gì đó thì hãy làm cho lớp trẻ. Không chỉ vì tuổi trẻ là tương lai của đất nước, mà tuổi trẻ chính là tuổi đẹp nhất, trong trẻo nhất của đời người. Nhưng tuổi trẻ cũng chịu nhiều khắc nghiệt nhất, bởi tuổi trẻ là tuổi mắc nhiều sai lầm nhất.
Nhưng thật vô lý khi đòi hỏi kinh nghiệm ở những người trẻ. Những nhà tuyển dụng nghĩ gì khi đòi hỏi "kinh nghiệm 3 năm" ở các bạn vừa mới ra trường? Thật khôi hài. Nhưng chuyện đó tới nay vẫn thường tồn tại. Nó là một nghịch lý, một chướng ngại, một thành trì bảo thủ, cản trở những người trẻ. Nên nhớ rằng kinh nghiệm rồi sẽ có, nhưng sự trong trẻo của tuổi trẻ thì không có một "kinh nghiệm" nào phục hồi lại được.
Thưa các bạn trẻ,
Tôi thường đi xe ôm công nghệ, tài xế toàn là các bạn trẻ cao lớn đẹp trai sáng ngời. Mỗi khi trả tiền, tôi thường đưa dư vài ba chục, thì lần nào các chàng trai cũng gần như vòng tay cúi đầu xuống ngực để cảm ơn. Không phải tôi khoe sự hào phóng của mình, mà hình ảnh gợi niềm thương cảm, pha lẫn hài hước. Chỉ là vài chục ngàn cho một cuốc xe mà các bạn còn vui cỡ ấy, huống chi là vài trăm ngàn, vài triệu hay tiền tỷ trong tay. Cho nên, nếu tôi là nhà tuyển dụng, hay ông chủ giàu có, tôi nhất định sẽ ưu ái những người trẻ.
Cuối cùng, các bạn trẻ phải hiểu rằng, đời này không có gì dễ dàng, cho nên đừng dễ dàng bỏ cuộc, cũng đừng dễ dàng hùa theo những váng vất lêu bêu dòng đời.
Hãy sống đẹp và chơi đẹp, hỡi những người tuổi trẻ.
Sài Gòn, tháng Ba, năm 2021
Nhà văn Trần Nhã Thụy