Cho đến khi đó hầu như có rất ít thông tin chính thức đề cập đến CdB và luôn bắt đầu cùng một cách như sau: nó được mô tả như một “câu lạc bộ không chính thức” và mang những đầu tàu từ các cục an ninh mật của các quốc gia EU cũng như Thụy Sỹ và Na Uy. Tuy nhiên như một cuộc nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng CdB phức tạp còn hơn thế. Một tài liệu chưa được công bố đã cho thấy rằng ít nhất từ năm 2011, FBI, CIA, Mossad (Israel)... đã cùng tham gia vào hoạt động trao đổi thông tin ngay trong CdB. Sự tham gia của các cục tình báo không thuộc EU tại CdB quả là trái ngược với hình ảnh luôn được công bố về một sàn trao đổi tình báo chỉ gói gọn trong nội bộ EU…
Hội đoàn có tầm ảnh hưởng xuyên quốc gia
Sử gia Thụy Sỹ, Aviva Guttmann, người đã nghiên cứu chuyên sâu về giai đoạn sáng lập ra CdB như là một phần đề tài nghiên cứu của bà về chống khủng bố trong nước mình. Nghiên cứu của bà Guttmann đã hé lộ rằng CdB đã trao đổi thông tin vượt khỏi biên giới EU chỉ một thời gian ngắn ngay sau khi được thành lập vào năm 1969. Lúc đó, 9 cơ quan mật vụ Tây Âu đã cùng chia sẻ thông tin về khủng bố Palestine cùng thế lực ủng hộ những kẻ này với hai cục tình báo hàng đầu của Israel là Cơ quan tình báo hải ngoại Mossad và cơ quan tình báo nội địa Shin Beth cũng như với FBI của Mỹ. Hoạt động trao đổi thông tin đã diễn ra thông qua hệ thống điện tín được mã hóa có tên gọi là Kilowatt. Từ năm 1974 trở đi, một hệ thống điện tín thứ hai được gọi tên là Megaton được sử dụng với những tên khủng bố không phải là người Palestine.
Sử gia Aviva Guttmann, nhà nghiên cứu chuyên sâu về giai đoạn thành lập CdB, đồng tác giả của bài viết này. Ảnh nguồn: The Conversation . |
Sử gia Aviva Guttmann lưu ý: “Cho đến nay ngay cả công chúng lẫn Quốc hội cũng như các cơ quan ban ngành khác đều chưa được thông báo về sự tồn tại của CdB chứ đừng nói đến mức độ của các hoạt động trao đổi mật vụ này”. Tuy nhiên, nghiên cứu của bà Guttmann trong Lưu trữ liên bang Thụy Sỹ (SFA) đã không vượt quá thập niên 1980 cũng như nhiều hồ sơ gần đây thường phải tuân theo thời gian lưu trữ 30 đến 50 năm đối với những tài liệu được lưu giữ bởi giới chức liên bang. Kể từ khi đó, CdB phần lớn là một hộp đen tuyệt mật. Bởi vì thông tin chính thức được cung cấp bởi giới chức chính trị về CdB là rất khan hiếm và gây hiểu lầm, thế nên tài liệu mật về tổ chức này được công bố bởi báo Oesterreich từ tháng 11-2019 là những tiết lộ rất có giá trị. Cụ thể là một trường hợp liên quan đến cuộc kiểm tra an ninh bởi CdB vào tháng 2-2019 tại trụ sở Mật vụ Áo (BVT, hoặc tên chính thức là Văn phòng liên bang về bảo vệ và chống khủng bố).
Có những thiếu sót đáng kể trong khu vực an ninh của tòa nhà và kiểm tra an ninh đối với các nhân viên. An ninh mạng được đánh giá là hoàn toàn cẩu thả. Nó đánh giá rằng ngay cả những tên tin tặc mới học nghề cũng có thể sử dụng mạng nội bộ BAT để xâm nhập vào “Poseidon”, tức mạng công nghệ thông tin của CdB. Báo cáo bị rò rỉ đã hé lộ một cái nhìn chưa từng có vào hoạt động nội bộ của CdB. Chịu trách nhiệm đánh giá bảo mật đã diễn ra vào ngày 13-2-2019 ngay tại trụ sở BVT tại Vienna là “Soteria”: một nhóm nội bộ của CdB. Soteria bao gồm các cơ quan mật vụ của Thụy Sỹ, Anh, Đức và Lithuania. Sự kiện ở Vienna đã cho thấy rằng CdB đã mở rộng khuôn khổ hoạt động và hình ảnh bản thân của nó đã không còn phù hợp với một câu lạc bộ chiến lược “những gã trai quá thì”. Thêm vào đó – trái ngược với tuyên bố chính thức của CdB về một quan hệ hợp tác thuần nội bộ EU – thì một tài liệu ngay từ năm 2011 đã bật mí rằng kể từ thập niên 1970, CdB đã phát triển thành một mạng lưới quy mô hơn nhiều.
Ngay trong mạng lưới truyền thông của CdB có hẳn một danh sách gọi là “Capriccio” chuyên trao đổi thông tin về chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Năm 2011, ngoài 27 cơ quan mật vụ của EU và các cơ quan mật vụ của Thụy Sỹ và Na Uy, thì còn có thêm vài cơ quan mật vụ khác ngoài EU cũng được liệt kê trong CdB với các mã số như: 06 Mossad (Tel Aviv), 12 CSIS (Ottawa), 19 FBI (Washington), 22 ASIO (Canberra), 25 NZSIS (Wellington), 28 CIA (Brussels) và 94 ISA (Tel Aviv). Một tài liệu thứ 2 được công bố hồi năm 2011 đã hé lộ một danh sách gửi thư tín khác dưới tên gọi “Toccata” với chuyên trách trao đổi thông tin về chủ nghĩa khủng bố ngoài thế giới Hồi giáo. Tuy nhiên, không giống như “Capriccio”, danh sách này lại không bao gồm Mossad, CIA hoặc ISA (Cơ quan an ninh Israel). Cùng tài liệu đã lộ sáng rằng CdB cũng trao đổi thông tin cho các thành phần chủ nghĩa cực đoan cánh tả và hữu thông qua danh sách gửi thư có tên “RILE”.
Logo của Nhóm chống khủng bố (CTG), một nhánh con của CdB. Ảnh nguồn: LinkedIn. |
Nhóm chống khủng bố
Có thể thấy rõ nhất việc mở rộng năng lực và cơ sở hạ tầng của CdB trong các thập niên qua thông qua một nhánh con của CdB là Nhóm chống khủng bố (CTG). Một thông cáo báo chí của Cảnh sát liên bang Thụy Sỹ (Fedpol) về một cuộc họp của CdB từ năm 2004 nhóm họp tại Thụy Sỹ đã đề cập đến việc thể chế hóa CTG.
CTG được thành lập vào năm 2001 như là một nhánh con của CdB có chức năng trở thành một giao diện mới với EU trong lĩnh vực chống khủng bố. Thông cáo báo chí có đoạn viết: “CTG sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc theo đuổi những mục tiêu chính đã được đề ra trong Tuyên bố về chống khủng bố Hội đồng Châu Âu (EUCDCT). Thêm nữa, “CTG là một diễn đàn dành cho các chuyên gia nhằm phát hiện hợp tác thực tế và hiểu thấu triệt về các mối đe dọa khủng bố”. Nói cách khác, kể từ năm 2004, CdB hoặc nhánh con CTG đã là một nguồn quan trọng cho phân tích mối đe dọa khủng bố bởi giới chức an ninh EU.
CTG trưng ra phân tích mối đe dọa cho các chính trị gia hàng đầu ở cấp độ EU dựa trên thông tin từ các cơ quan mật vụ thành viên có quyền truy cập vào tất cả các thông tin tình báo liên quan. Điều này nói lên rằng thông qua phân tích tình báo, CTG đã ảnh hưởng đáng kể đến trọng tâm của an ninh quốc gia và các thực thể đại diện, và đó cũng là diễn ngôn an ninh chính trị ngay trong các nước thành viên. CdB đang biến thành một tổ chức xuyên quốc gia với các cấu trúc hành chính và quyền hành pháp mà không phải lo lắng những điều khoản luật định và các cơ chế giám sát. Nhìn chung lĩnh vực hoạt động của CTG đang không ngừng mở rộng. Trong báo cáo thường niên của Cơ quan cảnh sát Châu Âu (Europol) năm 2018 đã có 2 hội nghị bàn tròn liên quan đến CTG, trong đó Trung tâm chống khủng bố (ECTC), Trung tâm chống đưa lậu người nhập cư (EMSC) và Văn phòng diễn ngôn nội dung mạng Europol cũng góp mặt. Bất kể một thực tế là EU không có nhiệm vụ phải làm như vậy, song rõ ràng là các cơ quan EU đã hợp tác với CTG và vì thế cũng làm với CdB.
Sử gia kiêm chuyên gia tình báo người Áo, Thomas Riegler đã nhìn thấy một vấn đề nan giải: “Vì các thể chế này (CdB, CT) không chính thức nằm trong cấu trúc thể chế của EU, cũng như cả hai đều không dựa trên thỏa thuận hợp đồng nên chỉ bị ràng buộc bởi luật quốc gia của các nước thành viên tương ứng. Sử gia Thomas Riegler giải thích: “Không có quy định thống nhất về điều này. Nhiều quốc gia thành viên EU chỉ có những điều luật rời rạc và chưa sâu sát với những gì nên làm / không nên khi đề cập đến hợp tác tình báo. Điều đó khiến cho câu hỏi pháp lý là rất khó. CdB và CTG không tuân theo bất kỳ quy tắc nào. Và vì luật pháp giữa các quốc gia rất khác nhau nên việc kiểm soát hai thực thể này là không thể. Hai thực thể này thực sự đang làm việc cho ai? Có vẻ như chúng tự làm việc cho mình hơn là phụng sự chính phủ và nhân dân”. Một thực tế phải hiểu rằng giới chức cao cấp trong hai thực thể này thường tích lũy quyền lực lớn và đeo đuổi lợi ích của riêng họ. Nền tảng kiểu như CdB củng cố cho hiệu ứng này.
Trụ sở của Văn phòng liên bang về bảo vệ và chống khủng bố (BVT), một cơ quan liên quan đến hoạt động trao đổi tin tình báo với Club de Berne (CdB). Ảnh nguồn: vienna.at . |
Những bí mật nội bộ
Tháng 3-2019, ông Andrej Hunko, một thành viên của Quốc hội liên bang Đức đã hỏi chính phủ liên bang về quy mô của trao đổi thông tin đối với CdB. Ông Hunko muốn biết liệu chính phủ liên bang có cố gắng yêu cầu CdB “mở miệng” hay không nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của Quốc hội Đức. Một lần nữa câu hỏi này lại rơi vào ngõ cụt. Ông Hunko tiếp tục truy vấn: “Với nền tảng hoạt động của CTG, mật vụ nội địa Đức (Văn phòng bảo vệ hiến pháp liên bang, BfV) đã trở thành cơ quan mật vụ nước ngoài trên thực tế kể từ năm 2016. Việc này cần phải công khai vì nó là vấn đề nghiêm trọng cho dân chủ, nếu không mọi thứ sẽ rơi vào vùng tối”.
Về phía Thụy Sỹ, cơ quan tình báo nước này đã phản hồi khá ngắn gọn: “FIS hợp tác với đối tác tình báo hải ngoại. Danh sách này đã được phê chuẩn bởi Hội đồng liên bang và được phân loại, đó là lý do tại sao FIS không bình luận về nguyên tắc hợp tác với các dịch vụ đối tác”. Tháng 11-2016, lần đầu tiên trang tin netzpolitik.org đã báo cáo chi tiết về một “nền tảng hoạt động” mà giờ đây CTG đang duy trì trụ sở ở cơ quan mật vụ Hà Lan (AIVD, nằm gần The Hague). Cho đến nay cũng mới chỉ có AIVD được cấp quyền tiếp cận địa điểm có đặt nền tảng hoạt động của CTG. Ngoài ra các câu hỏi cũng được gửi tới cơ quan giám sát độc lập về hoạt động tình báo của Thụy Sỹ (AB-ND, thực thể giám sát quốc hội GPDel và Ủy viên bảo vệ dữ liệu liên bang Thụy Sỹ (SFDPC). Cả 3 cơ quan này đều xác nhận họ có nghe nói đến CdB và CTG, nhưng khước từ bình luận thêm.
Trong một bài phát biểu, Giám đốc tình báo Hà Lan, Rob Bertholee, đã lưu ý rằng, “Ngoài nền tảng hoạt động của CTG còn có những nhóm hoạt động chung theo nhiều định dạng và đề tài khác nhau”. Năm 2018, cơ quan giám sát Hà Lan CTIVD đã công bố một báo cáo kiểm toán về dữ liệu “Phoenix” của CTG chuyên thu thập dữ liệu cá nhân của các chiến binh thánh chiến. Dữ liệu Phoenix cũng xác nhận rằng tình báo Mỹ sẽ được hưởng lợi trong “tư cách quan sát viên” ngay trong CTG, nhưng điều này vẫn còn khá mơ hồ. CTIVD cũng khước từ phản hồi các câu hỏi của những tác giả bài viết này. Cuối cùng, sử gia Thụy Sỹ, Adrian Hanni, quả quyết: “CdB chỉ là phần nổi của tảng băng chìm với nhiều nền tảng hoạt động tình báo bí mật”.
Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)Xem thêm: /940636-uA-uahc-auc-tam-teyut-oab-hnit-eht-cuht-BdC-tam-iaiG/tam-os-oH/nv.moc.dnac.gtna