Đầu giờ sáng nay, ngày 6-4, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 54,83 – 55,23 triệu đồng/lượng, tăng 130.000 đông/lượng ở cả hai chiều mu- bán so với giá chốt phiên chiều qua.
Tại các công ty kinh doanh vàng lớn như DOJI, PNJ, Phú Quý giá giao dịch nhỉnh hơn một chút do biên độ tăng giá mua - bán của các doanh nghiệp này hiện ở mức 150.000 đồng/lượng.
Cùng là vàng 9999 nhưng gắn thêm thương hiệu vàng miếng SJC thì sản phẩm này “chiễm chệ” ở vùng 55 triệu đồng/lượng, còn với vàng nhẫn giá hiện chỉ trên 50 triệu đồng/lượng, tức thấp hơn vàng miếng SJC tới 5 triệu đồng/lượng.
Việc khan hiếm nguồn cung do từ lâu Công ty SJC không được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép sản xuất thêm vàng miếng trong khi người nắm giữ vàng miếng SJC lại không có nhu cầu bán ra khiến sản phẩm này ngày càng có giá.
Ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia ngành vàng cho rằng với tỉ lệ dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục thì việc bỏ ra vài tỉ USD để nhập thêm vàng nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất vàng miếng SJC không chỉ giúp sản phẩm này hạ nhiệt mà còn giúp cho người dân không bị thiệt thòi do phải mua vàng miếng SJC với mức giá cao phi lý.
Trên thị trường thế giới, giá vàng sáng nay (theo giờ Việt Nam) nhích nhẹ khoảng 6 USD/ounce so với chốt phiên hôm qua, giao ngay hiện ở mức 1.735 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới tương đương khoảng 48,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới phục hồi nhẹ khi nhà đầu tư kỳ vọng vào gói kích thích mới trị giá trên 2.000 tỷ USD từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho chương trình phát triển kinh tế cơ sở hạ tầng kéo dài trong 8 năm.
Dõi theo động thái của các nhà đầu tư tổ chức, đơn cử như quỹ đầu tư tín thác vàng SPDR Gold Trust cho thấy, sau phiên bán 4,67 tấn vào ngày 1-4 thì đến giờ họ vẫn đang “bất động”, không mua vào cũng chưa bán thêm và khối lượng vàng dự trữ của quỹ này vẫn ở mức rất thấp trong vài tháng trở lại đây.