Nền kinh tế Mỹ được đặt dưới sự quản lý của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) với cách thức quản lý là thao túng nguồn cung tiền quốc gia. Phương thức này có tên gọi là Thuyết tiền tệ hiện đại (MMT). Là một phương thức tiếp cận mới nổi lên, MMT đang là chủ đề tranh luận của nhiều chuyên gia kinh tế và chính trị gia tại Mỹ.
Ngày càng nhiều chuyên gia và các nhà nghiên cứu chỉ trích Lý thuyết tiền tệ (MT), nhiều người đang quay lưng lại, đặc biệt khi xảy ra đại dịch Covid-19 với sự hỗn loạn từ việc các nền kinh tế phải đóng cửa. MMT đang từng bước thay thế MT, và ở nhiều phương diện điều đó đã xảy ra.
Fed kiểm soát quy mô nguồn cung tiền bằng cách thiết lập "tỷ lệ dự trữ bắt buộc" (đó là lượng tiền mặt dự trữ mà các ngân hàng tư nhân phải giữ tương ứng với số tiền họ cho vay); "Lãi suất chiết khấu" (lãi suất do Fed ấn định cho các khoản vay của các ngân hàng từ nguồn tiền dự trữ của Fed để dự trữ bổ sung, mở rộng cho vay); và "nghiệp vụ thị trường mở" (các hoạt động mua và bán chứng khoán chính phủ của các ngân hàng lớn). Fed hoạt động "độc lập" với Văn phòng Tổng thống, Bộ trưởng Tài chính và không chịu sự giám sát của Quốc hội.
THUYẾT TIỀN TỆ HIỆN ĐẠI (MMT)
Theo MMT, các chính phủ có thể tăng cung ứng nguồn tiền bao nhiêu tuỳ thích, bất kể việc đó sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách và nợ công ở quy mô lớn. Lý do là bởi vì các chính phủ kiểm soát nguồn cung ứng tiền tệ thuộc chủ quyền của riêng họ, họ có thể in bao nhiêu tuỳ thích mà không vỡ nợ.
Nguồn tài chính chính phủ không bị ràng buộc bởi thị trường tư nhân bởi chính phủ có quyền tối cao trong việc kiểm soát nguồn tiền của mình. Một số người ủng hộ MMT cho rằng Chính phủ có thể qua mặt các thị trường vốn tư nhân bằng cách bán trái phiếu của mình cho ngân hàng trung ương, và sau đó in tiền để trả nợ cho các ngân hàng này.
MMT tập trung vào chính sách tài khoá nhiều hơn là chính sách tiền tệ. Hiện giờ, mục tiêu chủ đạo của chính sách tài khoá là hướng đến toàn dụng lao động và giá cả ổn định. Vì vậy, thay vì tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát, Chính phủ Mỹ đi theo quan điểm của MMT, đang thực hiện việc tăng thuế. Một số người ủng hộ MMT không tin rằng sự gia tăng tổng cầu về hàng hoá và dịch vụ sẽ gây ra lạm phát. Họ cho rằng lạm phát là hậu quả của chiến lược định giá của doanh nghiệp.
Thực tế là MMT đã vô hiệu hoá một Ngân hàng dự trữ liên bang hoạt động độc lập và đặt quyền quản lý nền kinh tế vào tay chính phủ, chủ yếu là Kho bạc và Quốc hội – những cơ quan này sẽ quyết định số tiền cần in.
Mỹ đã từ bỏ Thuyết tiền tệ (MT) ít nhất kể từ cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Một số người cho rằng việc từ bỏ MT thậm chí đã xảy ra từ sớm hơn trước đó, khi Chủ tịch Fed, ông Alan Greenspan, sử dụng "lãi suất quỹ liên bang" - lãi suất mà Fed ấn định cho nội bộ hệ thống các ngân hàng thương mại vay mượn nhau "qua đêm" để đảm bảo đủ lượng dữ trữ bắt buộc theo quy định của Ngân hàng Trung ương – mục đích là để kích thích nền kinh tế vào năm 1998. Hoặc vào những năm 1980, khi các Tổng thống Reagan và Bush bắt đầu cắt giảm thuế ở quy mô lớn và gia tăng chi tiêu quốc phòng.
MỸ ÁP DỤNG TRIỆT ĐỂ THUYẾT TIỀN TỆ HIỆN ĐẠI
Năm 2009, chính quyền Tổng thống Obama đưa ra gói khôi phục kinh tế trị giá 800 tỷ USD để giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Fed cũng bắt đầu cho các công ty chứng khoán tư nhân vay với lãi suất thấp và đổi lại các công ty này sử dụng vốn cổ phần và trái phiếu đô thị thương mại làm tài sản bảo đảm. Những động thái này đang được Fed lặp lại năm 2020. Năm 2018, Tổng thống Trump đã ban hành chính sách cắt giảm mạnh tay đối với thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, khiến thâm hụt chi tiêu gia tăng.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump năm 2020, các gói cứu trợ Covid trị giá 900 tỷ USD và sau đó là 2,2 nghìn tỷ USD được cả hai phe Cộng hoà và Dân chủ thống nhất tung ra. Fed ban hành một chương trình cho vay trị giá 2,3 nghìn tỷ USD, cùng với việc mua 700 tỷ USD chứng khoán chính phủ và chứng khoán có thế chấp được chính phủ bảo đảm. Fed nắm giữ 6,6 nghìn tỷ USD chứng khoán chính phủ. Fed sau đó đã nới lỏng một cách ồ ạt gần như tất cả các thông lệ tiêu chuẩn nhằm giảm thiểu hoặc kiểm soát các rủi ro hệ thống.
Chính quyền Tổng thống Biden, với sự ủng hộ đơn phương của phe Dân chủ, vừa thông qua gói cứu trợ Covid trị giá 1,9 nghìn tỷ USD cùng với một gói 3 nghìn tỷ USD khác để chi cho cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu. Dự kiến sẽ có nhiều khoản chi lên đến hàng nghìn tỷ USD cho chăm sóc y tế.
Các gói chi tiêu này, mặc dù trên danh nghĩa là vừa cung cấp cứu trợ vừa kích thích kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch Covid-19, nhưng phần lớn nội dung chi tiêu lại không liên quan gì đến khủng hoảng hay đại dịch. Chỉ có 9% nội dung của Dự luật Covid năm 2021 là bao gồm các khoản chi cho Covid, phần còn lại sẽ chi vào các mục như cứu trợ quỹ lương hưu của chính phủ, tăng lương cho công nhân viên chức nhà nước, cung cấp lợi ích cho các liên đoàn lao động, tài trợ cho các dự án, chương trình riêng của Quốc hội...
MMT BỊ CHỈ TRÍCH
Các chính trị gia bị thu hút bởi những cơ hội được tạo ra khi Fed bị vô hiệu hoá. Liệu có thể có niềm tin rằng những chính trị gia này sẽ "làm điều đúng đắn hay không?". Quy trình cấp vốn cho công cuộc chuyển đổi toàn diện quy mô lớn đang diễn ra cho thấy rằng nếu không được kiểm soát, các bên điều hành sẽ không ngần ngại làm bất cứ điều gì họ muốn. Vì vậy, câu trả lời cho câu hỏi vừa nêu là "không".
Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Fed và các cố vấn kinh tế đều khẳng định họ có đủ công cụ và kinh nghiệm để in tiền liên tục và cùng lúc kiểm soát việc phá giá tiền tệ, lạm phát và hỗn loạn kinh tế. Ngay cả Văn phòng Ngân sách Quốc gia, vốn được thành lập ra để báo động về thâm hụt chi tiêu, đã bắt đầu ủng hộ MMT.
Những người chỉ trích lý thuyết này cho rằng Chính phủ Mỹ và Fed không còn "sợ lạm phát". Tuy nhiên, các tài liệu về MT và MMT, cho thấy rất rõ ràng rằng hiệu quả của những công cụ này có thể đã bị thổi phồng quá mức. Rất nhiều chính sách gây tranh cãi đã được lồng ghép trong MMT. Chúng ta hãy thử xem xét một số chính sách đó.
MMT yêu cầu ấn định lãi suất bằng 0 để tránh phải trả lãi cho các khoản nợ. Nhưng điều này cũng có nghĩa là nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả đang được nâng đỡ bằng "tiền rẻ" (khái niệm chỉ một khoản vay hoặc khoản tín dụng có lãi suất thấp, hoặc chính sách lãi suất thấp được một ngân hàng trung ương đề ra).
Người ta mệnh danh cho các doanh nghiệp này là các công ty "xác sống": Họ chỉ tồn tại được cho đến khi lãi suất tăng. Khoảng 16% các công ty của Mỹ có thể được xếp vào danh sách công ty "xác sống". MMT quy định thu nhập đảm bảo cho người lao động thất nghiệp mà không yêu cầu bất kỳ nghĩa vụ làm việc nào; và ấn định mức lương tối thiểu cao cho tất cả người lao động. Nếu lợi ích quá cao, nó sẽ trở thành lạm phát.
Tư duy của MMT hiện giờ là hạn chế cho vay tư nhân. Các ngân hàng đang giảm các khoản cho vay đối với các doanh nghiệp và cá nhân, và thay thế vào đó bằng nợ Kho bạc và chứng khoán có thế chấp được chính phủ bảo đảm. Các ngân hàng rất có thể đang tự chuyển hoá thành các tiện ích công cộng.
Quản lý nền kinh tế và chi tiêu của chính phủ cũng giống như bơm căng không khí vào một quả bong bóng, sau đó bóp một bên của quả bóng để thấy nó phình ra ở bên khác. Hiểu được các chỗ phình ra trên quả bóng là nghệ thuật hơn là khoa học.
Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang thổi phồng quả bóng lên mức chưa từng có và hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ xảy ra. Mong kết quả sẽ là như vậy bởi lúc này nền kinh tế Mỹ đang lâm nguy.
Xem thêm: mth.95853721160401202-ym-iat-iac-hnart-yag-gnad-iad-neih-et-neit-teyuht/nv.ymonocenv