Ba Lép vui vẻ, hoạt bát hẳn lên khi đến trị bệnh tại cơ sở của thầy thuốc Võ Anh Tuấn - Ảnh TIẾN TRÌNH
Nụ cười kỳ lạ của Ba Lép là phóng sự đã đăng cách đây 5 tháng trên Tuổi Trẻ. Bài viết gây xúc động đặc biệt về người đàn ông bệnh tật, có gương mặt dị dạng một cách kỳ lạ nhưng vẫn đầy nghị lực, bươn chải bán vé số giúp gia đình và người có hoàn cảnh khốn khó.
"Nó đâu biết nó thức bao nhiêu là tôi thức bấy nhiêu. Đêm đêm, tôi đứng trong bóng tối nhìn con. Đêm nào cũng bốn, năm giờ sáng. Tim tôi đau thắt. Tôi đi nhà thờ cầu mong Chúa có phép màu để ngủ một đêm thức dậy nó không còn xấu nữa.
Bà LÊ THỊ KIM HỒNG (mẹ kế của Ba Lép)
Thắng số phận, nhưng khổ đau chưa dứt
Sáng qua 5-4, khi đánh xe từ Cần Thơ sang Vĩnh Long đón gia đình Ba Lép lên TP.HCM trị bệnh, tôi chỉ tin rằng chuyến đi có thể bắt đầu khi anh có mặt trên xe. Gương mặt thất thần, hơi thở yếu ớt, không cảm xúc, không cử động, Ba Lép không thèm nhìn ai hay nói điều gì. Dường như với anh lúc này mình còn sống là... quá dài.
Trái với những lần gặp trước đầy khép kín, lần này bà Hồng (Lê Thị Kim Hồng, 62 tuổi), mẹ kế của Ba Lép, trở nên hoạt bát. Bà kể chiều qua có một phụ nữ từ xa đến tặng cho bà đóa hoa hồng nhân ngày lễ Phục sinh, kèm theo những dòng tâm sự cảm thông cho người mẹ chưa một lần sinh nở.
Bà đã bật khóc.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, người mẹ kế của Ba Lép khóc thành tiếng. Mà lần này thì bà không giấu nước mắt nữa, sau hơn 30 năm về chung sống hay nói đúng hơn là cưu mang hai cha con nhà Ba Lép. "Lúc về với ba nó, tôi là cô giáo mới ngoài hai mươi tuổi. Cũng như bao nhiêu phụ nữ khác, tôi cũng mong muốn được sinh nở, ẵm bồng con. Nhưng nghĩ mình có con rồi sẽ không chuyên tâm lo cho Ba Lép được. Nó sinh ra đã khác người, chịu nhiều thiệt thòi, nên cần có tình thương hơn những đứa trẻ khác".
Phóng sự về số phận kỳ lạ của Ba Lép đã đăng trên Tuổi Trẻ - Ảnh: P.TUẤN
Mấy tháng nay, từ khi bài viết Nụ cười kỳ lạ của Ba Lép đăng trên báo Tuổi Trẻ, anh được nhiều người dân ở Vĩnh Long biết và cảm thông. Mỗi sáng cầm xấp vé số ra bán ở công viên, anh được nhiều người mua ủng hộ hơn. Bầy chim được anh cho ăn mỗi sáng càng đông hơn.
Cuộc sống đang màu sáng thì trở nên tối sầm, khi một ngày Ba Lép cầm xấp vé số chạy về nhà rồi đổ sập xuống giường, đau quằn quại, nhiều lúc tưởng chừng anh không qua khỏi.
Khi tôi tìm đến căn nhà khuất sâu trong con hẻm nhỏ ở thành phố Vĩnh Long, ông Lê Văn Vui (77 tuổi, ba của Ba Lép) lọm khọm than van: "Chú ơi! Nói với nó giúp tôi một tiếng, để nó đi bệnh viện. Chứ cảnh này chắc nó chết thiệt".
Nhận ra người quen, Ba Lép với gương mặt lạc thần nhờ ba anh "thông dịch" với tôi. Anh nói bằng giọng dính liền, gãy khúc từng câu: "Ba nói với anh ấy, vài hôm nữa tôi chết, ảnh nhớ đến thắp cho tôi ba cây nhang...". Từ hốc mắt ẩn sâu trong gương mặt biến dạng như hình chiếc quạt, những giọt nước rỉ xuống, chảy dài trên gò má và gương mặt khổ đau.
Tôi lắc đầu từ chối đề nghị của anh. Tôi tìm giấy viết cho anh: "Ba Lép, anh phải sống!".
Bức thư và đóa hoa mà một phụ nữ từ xa mang đến tặng bà Hồng và Ba Lép - Ảnh: TIẾN TRÌNH
Tình thương chữa trị cho Ba Lép
Điều gì khiến một người đã từng cố vượt qua số phận bất hạnh lại đột ngột trở nên không tha thiết cuộc sống như vậy? Bà Hồng giải thích: "Ba Lép lo ngại trở thành gánh nặng của gia đình. Mấy hôm trước nó còn đòi kiếm dao tự tử. Giờ nhà có bao nhiêu dao kéo, tôi giấu hết".
Người nhà kể lại lần bệnh đó, họ đã đưa anh đến bệnh viện ở Vĩnh Long. Nằm viện vài hôm, anh được cho về. Những ngày nằm viện, Ba Lép nhận thấy những ánh mắt sợ hãi chưa kịp giấu ở giường bên mỗi khi lén nhìn qua. Không muốn áp lực cho người khác, anh đòi về. Vậy nhưng khi cầm trên tay giấy ra viện, trên đường trở về Ba Lép đòi nhảy xuống sông Tiền tự tử.
Về đến nhà, Ba Lép không thèm nói chuyện với ai. Trên bức tường hoen ố thời gian, mỗi đêm in bóng chiếc đầu to cúi gằm bất động. Bà Hồng xót xa: "Nó đâu biết nó thức bao nhiêu là tôi thức bấy nhiêu. Đêm đêm, tôi đứng trong bóng tối nhìn ra. Đêm nào cũng bốn, năm giờ sáng. Tim tôi đau thắt. Tôi đi nhà thờ cầu mong Chúa có phép mầu ngủ một đêm thức dậy nó không còn xấu nữa. Người ta bị trầy xước trên mặt tí còn tự thấy mình xấu, huống gì con tôi thế này...".
Lần sau, khi tôi trở lại thăm Ba Lép, tinh thần của anh không khá hơn. Chiếc đầu dường như phình to thêm khi thân hình teo tóp lại, tai không còn nghe được... Người nhà nói Ba Lép chán ăn, không thèm uống thuốc, chỉ mong sớm... được chết.
Biết chuyện, thầy thuốc Võ Anh Tuấn nhắn rằng nếu gia đình tạo điều kiện đưa được Ba Lép lên TP.HCM thì anh sẽ nỗ lực chữa trị miễn phí. Còn gia đình thì chỉ mong Ba Lép có thể đi đứng, vui sống trở lại.
"Đầu tiên là phải trị tâm bệnh" - thầy thuốc Võ Anh Tuấn nói. Nhưng quan trọng là làm sao để Ba Lép chịu đi, trong khi anh không muốn thấy những ánh mắt hiếu kỳ, sợ hãi.
Bà Hồng tâm sự có lúc bà tuyệt vọng khi thuyết phục Ba Lép đi TP.HCM. Và bà đã gọi cho tôi cùng đi với Ba Lép để anh có thêm chút niềm tin. Vậy mà khi tôi nhận lời đưa Ba Lép đến tận nơi cho mọi việc ổn thỏa thì bà trở nên ngần ngại, sợ "giữa đường, nó có thể đòi xuống xe"... Thế nhưng, bất ngờ lúc này Ba Lép lại đồng ý theo mọi người đi TP.HCM.
Điều mà Ba Lép và gia đình không nghĩ tới là khi vừa đặt chân đến TP.HCM thì một nhóm bạn trẻ đã tìm đến động viên, chia sẻ. Bà Hồng nói lâu lắm bà mới lại thấy Ba Lép cười tươi đến vậy.
Được vui vẻ trong tình thương của mọi người, Ba Lép nói anh đã khỏe lại nhiều rồi. Lúc này thì đến phiên thầy thuốc Võ Anh Tuấn khuyên: "Anh Ba chưa thật khỏe đâu. Cái mà anh thấy khỏe là cái tâm anh nó khỏe đấy!". Rồi thầy thuốc quay sang chúng tôi: "Bệnh của Ba Lép nếu chỉ uống thuốc sẽ khó khỏi bệnh, mà phải kết hợp cả liệu pháp tinh thần. Mà để anh ấy biết mình được yêu thương là quan trọng nhất, còn ngược lại sẽ hại anh ấy".
Nhìn nụ cười vui tươi hiếm hoi của Ba Lép, chúng tôi tin tình yêu thương sẽ tiếp tục giúp anh đứng lên. Bởi đêm tối nhất là lúc bình minh sắp tỏa sáng.
Ba Lép - tên thật là Lê Hữu Hiền (45 tuổi), quê Vĩnh Long, là người có dị tật biến dạng khuôn mặt - nghi là nạn nhân của chất độc da cam. Anh "nổi tiếng" ở Vĩnh Long với gương mặt đặc biệt khác người và nghị lực tuyệt vời khi vượt lên số phận không may để mưu sinh bằng nghề bán vé số và nuôi đàn chim hoang ở thành phố Vĩnh Long.
TTO - Ba Lép mang gương mặt hình chiếc quạt, lúc nào cũng đỏ gay và góc cạnh kỳ lạ, nó cứ như càng to thêm trước nỗi e ngại của người lạ. Chẳng có mấy bạn bè vì khó ai muốn nhìn mình, anh đành vui cười với lũ chim…