Học sinh thuyết minh về đề tài nghiên cứu của mình trước ban giám khảo vòng chung kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật năm học 2020-2021 do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức - Ảnh: H.HG.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không nên bỏ việc xét tuyển thẳng vào ĐH. Việc cần làm là trả cuộc thi về thực chất là sân chơi của học sinh.
PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh (phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng):
Giữ tuyển thẳng để khuyến khích học sinh
Tôi là giám khảo của cuộc thi năm nay. Gần mười năm theo dõi cuộc thi, tôi vui vì thấy chất lượng của các dự án tham dự cuộc thi ngày càng tốt. Đó là dấu hiệu tích cực về chất lượng giáo dục THPT mà chúng ta cần ghi nhận. Thực tế cho thấy có rất nhiều học sinh đã trưởng thành từ cuộc thi này.
Để đánh giá một đề tài tham gia cuộc thi, đội ngũ giám khảo đã căn cứ vào rất nhiều tiêu chí, đảm bảo tính khách quan, công tâm.
Khoa học không chỉ là ứng dụng mà còn có ý nghĩa mở đường, định hướng. Do đó, bên cạnh việc đánh giá dưới góc độ chuyên môn thì còn phải xem xét về khả năng, vùng phát triển của ý tưởng sau này.
Và hơn hết giá trị sâu xa của cuộc thi còn là ươm mầm, khơi dậy đam mê, sự tự tin trong nghiên cứu khoa học và sáng tạo cho thế hệ trẻ của nước nhà. Do đó, nếu còn những hạt "sạn" thì cùng nhau nhặt "sạn" để cuộc thi ngày càng thực chất hơn.
Không nhất thiết phải bỏ chế độ tuyển thẳng đối với những thí sinh tham gia cuộc thi này, mà có thể ràng buộc thêm những điều kiện khác để đảm bảo được tính chính xác đối tượng được tuyển thẳng.
Chẳng hạn, xem xét nội dung đề tài phải phù hợp với nội dung chuyên ngành đào tạo, xét thêm các tiêu chí như học lực của quá trình học THPT, tổ chức phỏng vấn thí sinh tuyển thẳng thuộc lĩnh vực này... Việc làm này hoàn toàn tự chủ của các trường ĐH, quan trọng là các trường có thực hiện hay không.
Trong tất cả các cuộc thi, ngay cả sinh viên ĐH cũng cần người hướng dẫn. Quá trình tham gia với bản thân các em cũng là một quá trình học tập, thực hành tiếp nhận kiến thức. Nếu không có các sân chơi thực hành khoa học thì STEM không thể phát triển, không thể có một nền giáo dục hiện đại được.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM): Thẩm định lại dự án trước khi tuyển thẳng
Xét ở khía cạnh đam mê tìm tòi sáng tạo, học sinh tham gia thi khoa học kỹ thuật xứng đáng được đánh giá cao. Do đó, ở góc độ tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa vẫn tuyển thẳng dựa trên minh chứng về đam mê tìm tòi sáng tạo.
Tuy nhiên, trường rất cân nhắc khi tuyển thẳng những học sinh đoạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật. Không phải thí sinh nào đoạt giải cũng được tuyển thẳng vào trường.
Khi thí sinh nộp hồ sơ, trường phải xem xét lại về đam mê, có đội ngũ chuyên gia đánh giá lại đề tài để đánh giá có tuyển thẳng hay không. Nếu thấy không phù hợp, trường có thể từ chối chứ không phải học sinh nào đoạt giải trường đều tuyển thẳng.
Thí sinh trúng tuyển vào ĐH Bách khoa bằng phương thức nào cũng được đối xử như nhau, học như nhau, cạnh tranh sòng phẳng trong quá trình học ĐH. Chính sự cọ xát và sàng lọc trong quá trình học ĐH sẽ giúp làm sáng lên những nhân tố tiềm năng, kể cả lúc trước các em chưa tham gia các cuộc thi, chưa đoạt giải thưởng.
TS Lê Trường Tùng (chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT): Nên bỏ tuyển thẳng
Tất cả những gì quy ra thưởng hoặc danh tiếng đều có thể là mầm mống tiêu cực. Cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh THPT thưởng bằng cách tuyển thẳng đại học khiến người ta đầu tư rất nhiều, thậm chí là tiêu cực để có giải, không phản ánh đúng thực lực thí sinh. Việc tuyển thẳng thí sinh đoạt giải tùy từng trường đại học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là cho phép các trường tuyển thẳng nhưng theo cơ chế tự chủ thì các trường có thể tuyển thẳng hoặc không hoặc có các điều kiện kèm theo.
Tuy nhiên, tôi cho rằng trong bối cảnh chưa đánh giá được việc các thầy cô, người hướng dẫn và nhà trường tham gia cùng các em vào cuộc thi vào từng dự án cụ thể thế nào, tốt nhất Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bỏ quy chế tuyển thẳng với các thí sinh đoạt giải.
Thi đại học là theo cá nhân. Các cuộc thi mang tính tập thể (tổ nhóm), lại có trợ giúp của người khác thì không nên dùng kết quả để tuyển thẳng vào đại học.
TTO - Đọc bài viết ‘Giá trị thật nằm ở đâu?’ trên báo Tuổi Trẻ ra ngày 30-3 bàn về thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học vừa mới tổng kết trao giải, tôi không khỏi trăn trở.